Thứ ba, 14/05/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

'Bình thường mới' trong hoạt động văn hóa

Hiện nay, người dân trở lại với các hoạt động thể dục - thể thao (TDTT) ngoài trời, hoạt động nghệ thuật thoát khỏi trạng thái “đóng băng”, các cơ sở tôn giáo bắt đầu sinh hoạt trở lại,... Tất cả minh chứng rõ nét cho cuộc sống “bình thường mới” trong hoạt động văn hóa.

Trở lại sau chuỗi ngày “đóng băng”

Sau nhiều tháng không tham gia các hoạt động TDTT ngoài trời, bà Trịnh Thị Tiếp (68 tuổi) và các thành viên (TV) trong Nhóm thể dục dưỡng sinh (TDDS) phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An trở lại với các bài tập quen thuộc tại công viên. Tận dụng các ô kẻ tại Công viên TP.Tân An, nhóm đứng giữ khoảng cách đều nhau, trên nền nhạc cổ động phòng, chống dịch Covid-19, các TV uyển chuyển tập từng động tác. Ngoài các bài tập tay không, nhóm còn kết hợp tập cùng dụng cụ như kiếm, quạt,...

Bà Tiếp cho biết: “Sau khoảng thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, mọi người rất phấn khởi khi được tập TDDS trở lại. Chúng tôi thường tập từ 5 giờ 30 phút đến 7 giờ. Trước đây, nhóm có hơn 20 TV, hiện còn hơn 10 TV, vì lý lo tuổi tác và sức khỏe nên một số trường hợp đã nghỉ. Các TV đa số về hưu, việc gặp gỡ, tập thể dục cùng nhau giúp chúng tôi tăng cường sức khỏe, trao đổi, chia sẻ được nhiều điều trong cuộc sống”.

Người dân phấn khởi khi trở lại tham gia các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời

Cách địa điểm của bà Tiếp vài trăm mét là nhóm của bà Phạm Thị Hoa (62 tuổi) cũng hăng say tập luyện không kém. Là người “đầu tàu” của nhóm, bà Hoa tận tình hướng dẫn động tác cho các TV. Được biết, câu lạc bộ (CLB) TDDS của bà Hoa đang tất bật chuẩn bị cho các buổi diễn sắp tới. Để hoạt động hiệu quả, nề nếp, mỗi ngày, nhóm tập từ 6 đến 7 giờ 30 phút. “Thời điểm dịch bệnh, các TV tự tập tại nhà, chúng tôi thành lập nhóm Zalo để trao đổi thông tin. Từ tháng 10/2021, nhóm bắt đầu hoạt động trở lại. Nhóm có gần 20 TV từ trên 50 đến trên 70 tuổi. Không chỉ nhằm mục đích tăng cường sức khỏe và tham gia biểu diễn, hoạt động TDDS còn là sân chơi bổ ích để gắn kết mọi người. Chúng tôi thường tổ chức thăm hỏi, động viên nhau mỗi khi đau ốm và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống” - bà Hoa chia sẻ.

Song song với các hoạt động văn hóa khác, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh cũng hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo Đại đức Thích Lệ Ngôn - Trụ trì chùa Ân Thọ (phường 5, TP.Tân An), hiện nay, số lượng phật tử đến chùa giảm khoảng 1/10 so với thời điểm chưa xảy ra dịch, đa số phật tử là người dân sống ở gần đây. Vào ngày 19-11, chùa Ân Thọ hưởng ứng tổ chức tắt đèn, thắp nến để tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Hoạt động được tổ chức ngoài trời, thu hút khá nhiều phật tử tham gia nhưng vẫn bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch. Do dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan nên chùa hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức các sự kiện trực tiếp khi chưa cần thiết.

Từng bước mở cửa, bảo đảm an toàn

Sau nhiều tháng tạm ngưng biểu diễn vì dịch Covid-19, chị Nguyễn Dương Kim Tuyền - TV của Vũ đoàn Phù Sa, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh dần trở lại với công việc. Có lẽ, đây là khoảng thời gian lâu nhất mà vũ đoàn tạm xa sân khấu. Chị Tuyền tâm sự: “Tôi rất vui vì tình hình dịch bệnh được kiểm soát, niềm vui càng được nhân lên khi mọi người bình an, khỏe mạnh. Từ tháng 10/2021, chúng tôi bắt đầu có lịch diễn, tuy nhiên số lượng không nhiều, chương trình nhỏ. Sau dịch, mọi thứ đều thay đổi, ngoài trang phục diễn, đạo cụ, chúng tôi còn trang bị thêm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. Thời gian qua, các biện pháp an toàn, bảo vệ sức khỏe luôn được quan tâm hàng đầu. Tuy có phần vất vả hơn trước đây nhưng ai cũng háo hức, vui mừng khi được đi tập, đi diễn trở lại. Hy vọng thời gian tới, nhóm sẽ có show đều đều để phục vụ mọi người”.

Được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Trung tâm VHNT tỉnh tạm ngưng hoặc đổi hình thức thể hiện từ trực tiếp sang gián tiếp. Thời gian qua, Trung tâm tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức đa dạng như khẩu hiệu, bảng tin, xe tuyên truyền lưu động,... qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người trong bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Khắc phục những khó khăn, trung tâm có những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình như tổ chức Hội thi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 qua video clip. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được xem là liều “vắc-xin” tinh thần hữu hiệu xoa dịu lòng người trong đại dịch. Được biết, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, công tác tuyên truyền vẫn tiếp tục được các địa phương thực hiện, duy trì.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VHNT tỉnh - Đặng Thị Uyên Phương, sau khi Long An thiết lập trạng thái “bình thường mới”, Trung tâm VHNT tỉnh tiếp tục biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn tập trung xây dựng, củng cố các CLB, đội, nhóm sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh. Hoạt động của các CLB, đội, nhóm đã phát huy thế mạnh của mình, trở thành "món ăn" tinh thần trong đời sống văn hóa của người dân.

Tiến tới đại hội TDTT cấp tỉnh

Hiện nay, các huyện mở các lớp năng khiếu trong điều kiện bảo đảm an toàn. Thời gian qua, Trung tâm VHNT tỉnh hỗ trợ lực lượng giảng dạy tại cơ sở, xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Ngoài hỗ trợ tại 15 huyện, thị xã, thành phố, trung tâm còn hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi có nhu cầu. Cụ thể như hướng dẫn phương pháp thành lập các CLB, tổ chức các cuộc thi, hội diễn văn nghệ. Song song với hoạt động nghệ thuật, ngày 22/11/2021, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo kế hoạch tổ chức Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX, năm 2022. Theo kế hoạch, Đại hội TDTT cấp tỉnh sẽ tiến hành 17 môn thi đấu, gồm: TDDS, cờ tướng, cờ vua, bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, điền kinh, cầu lông, bơi lội, đẩy gậy, đá cầu, quần vợt,…

Đại hội Thể dục Thể thao huyện Cần Giuộc đang được tiến hành (Trong ảnh: Thi đấu bộ môn điền kinh)

Lễ khai mạc Đại hội TDTT được tổ chức tại Sân vận động tỉnh, dự kiến trong tháng 4/2022. Các môn thi đấu dự kiến được tiến hành từ tháng 3 - 6/2022 tại TP.Tân An và các địa phương có cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác tổ chức, thi đấu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa yêu cầu công tác tổ chức phải bảo đảm an toàn, vui tươi, tiết kiệm, đặc biệt là bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch kịp thời tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo Đại hội TDTT; xây dựng điều lệ, kế hoạch tổ chức từng môn thi đấu; phối hợp các sở, ngành xây dựng kế hoạch tổ chức; phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện, định kỳ báo cáo tiến độ và kết quả cho Ban Tổ chức Đại hội TDTT cấp tỉnh.

Tại huyện Cần Giuộc, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã có kế hoạch tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở và Đại hội TDTT huyện Cần Giuộc lần thứ IX năm 2021. Hiện nay, Đại hội TDTT huyện Cần Giuộc đang được tiến hành, nhiều bộ môn như điền kinh, cầu lông, đẩy gậy,… đã tìm được những vận động viên có thành tích xuất sắc sẵn sàng tham gia Đại hội TDTT cấp tỉnh. Nhìn chung, Đại hội TDTT các cấp đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của toàn xã hội về vai trò của TDTT trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực của người dân, góp phần đào tạo con người phát triển toàn diện, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng. Qua đó, vận động mọi tầng lớp tham gia tập luyện TDTT, lồng ghép tuyên truyền thực hiện phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch, nay các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT,... đã mở cửa trở lại trong điều kiện an toàn, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19./.

Các hoạt động văn hóa vẫn chưa thể quay lại như trước khi xảy ra dịch bệnh nhưng để có được cuộc sống “bình thường mới” như hiện tại là nhờ sự nỗ lực rất lớn của tỉnh, sự hỗ trợ, giúp sức từ Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian tới, người dân cần tiếp tục chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền bảo vệ thành quả chống dịch bằng cách tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Hoài An

Đêm nghệ thuật “Tứ Ân” mừng mùa Vu lan báo hiếu

(ĐCSVN) - Thông qua các tác phẩm kết hợp giữa đạo và đời, đêm nghệ thuật “Tứ Ân” sẽ cùng khán giả lan toả giá trị chữ Hiếu đến công chúng.

Ra mắt sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”

(ĐCSVN) - Sau cuốn “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội - Dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa khởi xướng tiếp tục ra mắt cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo

(ĐCSVN) - Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo nhằm cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, nhân viên ngành Tuyên giáo phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo.

Trưng bày “Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển”

(ĐCSVN) - Với gần 300 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, trưng bày “Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển” đã cho thấy quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam, những đóng góp của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ra mắt Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam

(ĐCSVN) – Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam được thành lập sẽ là cơ quan bảo vệ, hỗ trợ các nhà sản xuất phim, doanh nghiệp để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển.
Top