Thứ bảy, 18/05/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

“Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng” 

Ðó là chủ đề triển lãm ảnh do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ thực hiện, đang diễn ra tại Ðền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ.

Ðó là chủ đề triển lãm ảnh do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ thực hiện, đang diễn ra tại Ðền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Ðây là một trong những hoạt động thiết thực của TP Cần Thơ chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (người đứng bìa phải), và các đại biểu xem triển lãm ảnh trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ và sắp tới Ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7-5), Ðền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ đón hàng vạn đoàn khách tham quan. Nhiều đoàn khách đã chăm chú nghe thuyết minh của cán bộ Bảo tàng TP Cần Thơ hoặc quét mã QR tìm hiểu về triển lãm ảnh “Ðiện Biên Phủ - Thiên sử vàng”. Chú Lưu Trường Thanh, du khách đến từ tỉnh Bình Phước, nói: “Triển lãm rất hay và ý nghĩa, hình ảnh sinh động, dễ theo dõi. Tôi đã dành hơn 30 phút để tự tìm hiểu, ôn lại lịch sử”.

“Ðiện Biên Phủ - Thiên sử vàng” giới thiệu hơn 80 hình ảnh, tư liệu, được bố cục làm 3 phần: “Chủ trương của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước âm mưu, hành động của thực dân Pháp trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ 1954”, “Chiến dịch Ðiện Biên Phủ” và “Ðiện Biên ngày mới”. Qua đó, triển lãm giới thiệu đến khách tham quan những trang sử hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Xuyên suốt triển lãm như một bộ phim bằng ảnh về giai đoạn lịch sử 1945-1954, nói như nhà thơ Tố Hữu: “Chín năm làm một Ðiện Biện. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Triển lãm bắt đầu bằng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử vào ngày 2-9-1945. Tiếp đó là toàn văn Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19-12-1946; các hình ảnh lịch sử ghi lại cảnh Bác Hồ và Trung ương Ðảng lãnh đạo, chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng và hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ trong Ðông Xuân 1953-1954…

Nhiều hình ảnh ghi lại cảnh Pháp dồn lực cho “chảo lửa Ðiện Biên Phủ”, như ảnh chụp trận mưa dù của thực dân Pháp xuống cánh đồng Mường Thanh vào tháng 11-1953; ảnh quân Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh, chiếm đóng Ðiện Biên Phủ, ngày 20-11-1953; ảnh binh lính Pháp lắp ráp xe bọc thép vừa được máy bay thả xuống sân bay Mường Thanh, tăng cường xây dựng tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ; hay là ảnh chụp pháo 155mm của thực dân Pháp tại Ðiện Biên Phủ…

Giữa tháng 11-1953, bộ đội chủ lực của ta thực hiện kế hoạch tiến lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với Quân đội Pathet Lào. Trước tình hình đó, Nava buộc phải cho quân nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ nhằm chặn bước tiến của quân ta. Kế hoạch Nava bị đảo lộn, chúng phải phân tán lực lượng để đối phó với ta. Nava tập trung mọi cố gắng, với sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ, xây dựng Ðiện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Ðông Dương, “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Tập đoàn gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc. Ðịch đã cho tập trung ở đây hơn 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta.

Các em thiếu nhi xem triển lãm ảnh tại Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ.

Trên cơ sở nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Ðảng ủy, Chỉ huy trưởng mặt trận.

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Ðiện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành 3 đợt trong gần 2 tháng. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang, quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ toàn thắng.

Triển lãm đã tái hiện chiến dịch Ðiện Biên Phủ bằng ảnh. Như hình ảnh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ; hình ảnh trận đánh mở màn tại Trung tâm đề kháng Him Lam, ngày 13-3-1954; hình ảnh máy bay của Pháp bị bắn cháy ở sân bay Mường Thanh; ảnh chụp trận đánh chiếm cứ điểm D1… Hay là những hình ảnh thời khắc lịch sử như cảnh bắt sống tướng De Castries tại Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, cảnh lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries…

Triển lãm kết thúc bằng cụm hình ảnh “Ðiện Biên ngày mới” phác họa sự phát triển, vươn lên của vùng đất anh hùng. Những địa danh Him Lam, Pha Ðin, Ðồi A1, Mường Thanh… nay là những vùng đất tươi đẹp, nơi hoa ban nở trắng ngần, mời gọi khách phương xa. Trong âm vang tên đất là những câu chuyện lịch sử hào hùng - chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Xem triển lãm, chị Nguyễn Thị Tố Nga, du khách đến từ tỉnh Bắc Giang, chia sẻ, triển lãm được tổ chức ở địa điểm nổi tiếng của TP Cần Thơ, có rất đông du khách tham quan nên có sức lan tỏa. Chị có thêm nhiều kiến thức và bài học lịch sử sau khi xem triển lãm này.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Nâng cao vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật

(ĐCSVN) -Thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng đặt ra yêu cầu các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên tinh thần khoa học và thuyết phục.

Nâng cao vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật

(ĐCSVN) -Thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng đặt ra yêu cầu các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên tinh thần khoa học và thuyết phục.

Ra mắt lịch Trường Sa trên nền tảng số

(ĐCSVN) - Ứng dụng lịch Trường Sa trên nền tảng số sẽ trở thành cầu nối những người đã từng đến Trường Sa, Nhà giàn DK1 (thuộc thềm lục địa phía Nam), kết nối những người yêu mến biển, đảo, từ đó, xây dựng được mối đoàn kết, thống nhất cùng nhau hướng về biển đảo thân yêu thông qua những việc làm ý nghĩa.

Kỳ họp thứ Bảy Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

(ĐCSVN) - Chiều 5/12, tại Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức kỳ họp thứ Bảy, (nhiệm kỳ 2016 - 2021). PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì kỳ họp.

Kỳ họp thứ Bảy Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

(ĐCSVN) - Chiều 5/12, tại Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức kỳ họp thứ Bảy, (nhiệm kỳ 2016 - 2021). PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì kỳ họp.
Top