31/10/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

75 năm ngày Phòng chống thiên tai: Xứng đáng là “chiến sỹ” trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc

(ĐCSVN) - Trải qua 75 năm hình thành và phát triển (22/5/1946-22/5/2021), ngành Phòng chống thiên tai đã và đang từng bước lớn mạnh dần, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng trong công tác phòng, chống lụt, bão, sạt lở đất,…góp phần bảo vệ an toàn cho tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
 Phòng, chống thiên tai luôn là nhiệm vụ thường trực của nước ta
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh. : ĐT)

Chặng đường phát triển đầy gian nan nhưng rất đỗi tự hào

Nhìn lại lịch sử 75 năm hình thành và phát triển, ngành Phòng, chống thiên tai đã trải qua chặng đường nhiều “sóng gió”, đầy những thử thách, cam go, nhưng cũng đầy những thành tích hào hùng.

Cụ thể, sau thắng lợi lịch sử của cách mạng tháng Tám năm 1945, giữa muôn vàn khó khăn của chính quyền cách mạng non trẻ, cùng lúc phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”, nạn đói khủng khiếp hoành hành, xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, chỉ sau 10 ngày thành lập Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Hưng Yên, Thái Bình để kiểm tra công tác chống lụt, đôn đốc khôi phục hệ thống đê điều, thủy lợi.

Ngày 22/5/1946, Người đã ký Sắc lệnh số 70/SL thành lập Uỷ ban Trung ương Hộ đê (tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày nay). Bắt đầu từ đây, công tác phòng, chống thiên tai của nước ta bước sang một trang mới.

Người cũng khẳng định: “Phải đề phòng lụt như đề phòng giặc. Chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thì bão lụt dù to mấy cũng không sợ. Tuyệt đối không nên chờ nước đến chân mới nhảy”. Câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam, xác định vai trò quan trọng hàng đầu của công tác phòng, chống thiên tai đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Quốc hội khóa I ngày 3/3/1946 đã quyết định hình thành tổ chức phòng chống thiên tai trong Bộ Giao thông công chính. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn bộn bề, Chính quyền phải chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc, thực dân Pháp liên tục ném bom phá hủy các công trình phục vụ phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp như: đập Thác Huống, cống Vạn Dã, cầu Sơn, cống Trà Linh... Song, không phân biệt vùng tự do hay vùng tạm chiến, Chính phủ vẫn thúc đẩy công tác phòng chống thiên tai, bố trí khoản tiền rất lớn 38 triệu đồng (gấp 30 lần số tiền có trong kho bạc khi chính quyền cách mạng được thành lập và tương đương hơn 5.000 tỷ đồng ngày nay) cho sửa chữa và gia cố đê điều. Nhân dân tự nguyện đóng góp hàng triệu ngày công với tổng khối lượng đào đắp đạt gần 4 triệu m3. Đây thực sự là kết quả to lớn, phi thường của Chính quyền và Nhân dân ta thời đó. Đến cuối năm 1946, việc hàn gắn các đoạn đê bị vỡ đã cơ bản hoàn thành, hệ thống đê được củng cố vững chắc hơn trước và từ sau năm 1946 đến đầu năm 1954 không có sự cố vỡ đê nào lớn xảy ra.

Bước sang giai đoạn 1954 đến 1975 tiếp tục là một giai đoạn mới cho công tác phòng, chống thiên tai. Cả nước phải dồn sức cho công cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước, tuy vậy, Đảng, Nhà nước và toàn dân vẫn dành sự quan tâm cho công tác phòng chống thiên tai. Năm 1955, Nha Thủy lợi, sau đó là Bộ Kiến trúc Thủy lợi (tiền thân của Bộ Thủy lợi) được thành lập, là cơ quan đầu não cho ngành thủy lợi và nghiên cứu xây dựng, quản lý các công trình phòng, chống thiên tai. Ở các địa phương đã hình thành các Sở, Ty Kiến trúc và Thủy lợi với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, trong đó có lực lượng chuyên trách chỉ đạo, điều hành và theo dõi, quản lý các công trình. Đây là một bước tiến mới của bộ máy phòng chống thiên tai của nước ta.

Và giai đoạn ngay sau khi đất nước được giải phóng, Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng, củng cố đê điều và hệ thống công trình phòng, chống thiên tai. Tại thời điểm này, xét về trình độ thủy lợi và phòng chống thiên tai thì miền Nam còn thua kém và rất lạc hậu so với miền Bắc. Để giúp miền Nam phát triển, Ban B – tổ chức thủy lợi, phòng chống thiên tai cho khu vực miền Nam với lực lượng cán bộ hùng hậu, gồm cán bộ kỹ thuật, kỹ sư và chuyên gia đã thành lập các đoàn quy hoạch, đoàn khảo sát bắt tay ngay vào công việc. Đồng thời phân công Thứ trưởng Vũ Khắc Mẫn phụ trách công tác thủy lợi phòng chống thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt thành lập văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Vào giai đoạn này, các công ty xây dựng thủy lợi 7, 9, 10, công ty Tổ quốc 2 đã phục vụ xây dựng những công trình thủy lợi lớn như: công trình thủy lợi Hồ Dầu Tiếng, đập dâng Thạch Hãn, hồ Phú Ninh và nhiều công trình khác.

Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, mặc dù trong bối cảnh hạn chế tối đa mở rộng cơ cấu tổ chức nhưng xác định tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính Phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Phòng chống thiên tai với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Thủ tướng đã trao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng đầy vẻ vang của sự nghiệp bảo vệ xã hội an toàn hơn trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt cho Tổng cục Phòng chống thiên tai với 21 nhóm nhiệm vụ chính.

Có thể thấy, công tác phòng, chống thiên tai thường xuyên được Đảng, Nhà nước, các cấp bộ ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo nên bước khởi sắc toàn diện trong công tác phòng chống thiên tai, nhất là các công tác về: hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai; kiện toàn hệ thống phòng chống thiên tai các cấp; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai; nâng tầm khả năng chống chịu, ứng phó từ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình phòng chống thiên tai.

Kế thừa và phát huy thành quả đạt được, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước cùng Nhân dân

Nhìn nhận lại quá trình hình thành và phát triển, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh: “Chặng đường 75 năm qua của công tác phòng chống thiên tai, chúng ta đã kế thừa sự nghiệp hàng nghìn năm của dân tộc, chúng ta đã nỗ lực, kể cả bằng công sức, trí tuệ, và xương máu để bảo vệ đất nước. Trong thời gian tới, chúng ta phải khắc phục những tồn tại cũng như phát huy những truyền thống tốt đẹp đó để tăng cường, quyết liệt hơn trong công tác phòng chống thiên tai, từ đó, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an toàn xã hội, xây dựng đất nước”.

Trên cơ sở tinh thần đó, cùng với việc thực tế nước ta nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, gần Biển Đông, hàng năm, xuất hiện các cơn bão nhiệt đới, trong đó, có nhiều cơn ảnh hưởng đến nước ta và hàng chục loại hình thiên tai đã và đang diễn ra đòi hỏi nhiệm vụ phòng chống thiên tai luôn cần được coi trọng, đề cao, nhất là khi thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, của cải vật chất của người dân, ảnh hưởng đến các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng của Nhà nước.

Năm 2021, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thiên tai vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Trong đó, giai đoạn tháng 6-7/2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những tháng 8-9/2021 và ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ từ tháng 9 cho đến hết năm 2021.

Dự báo số lượng áp thấp nhiệt đới trong năm 2021 hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-6 cơn). Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021.

Bên cạnh đó, Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đưa ra dự báo, năm 2021, những trận dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có khả năng diễn ra nhiều nơi trên cả nước. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, khu vực Bắc Bộ sẽ có khả năng xuất hiện những trận dông mạnh xảy ra kèm lốc, sét, mưa đá ở nhiều tỉnh, thành phố. Ngoài ra, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.

Chính vì vậy, nhằm hoàn thành “sứ mệnh” phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, trong thời gian tới, có rất nhiều công việc đòi hỏi ngành cần phải triển khai.

Đó là việc cần sớm hoàn thành kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là biệt là các địa phương có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo ở nhiệm kỳ mới. Rà soát, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo điều hành cho Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp.

Đi liền với đó là việc kiểm tra, rà soát phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đặc biệt, chú trọng đến phương án di dời, sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở các khu dân cư ven sông, suối; khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để triển khai ứng phó khi có tình huống để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.

Song song là chỉ đạo công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập nhất là các hồ đập nhỏ, xung yếu trước mùa mưa lũ và phát hiện, xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố. Lắp đặt thiết bị theo dõi mưa, dòng chảy, thiết bị cảnh báo xả lũ hồ chứa thủy lợi, thủy điện; giám sát thực hiện quy trình vận hành và việc xây dựng, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình cũng như khu vực hạ du, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.

Ngoài ra, cần ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, quỹ Phòng chống thiên tai cho các hoạt động phòng, chống thiên tai, nhất là thông tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo phòng chống và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng,...

Với bề dày thành tích và lịch sử 75 năm đã trải qua, chúng ta hoàn toàn có quyền tin vào sứ mệnh của ngành Phòng chống thiên tai sẽ tiếp tục làm tốt những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, xứng đáng là “chiến sỹ” trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc!./.

BT

Other news

Viettel: Hỗ trợ người dân duy trì liên lạc trong lúc khẩn cấp
(ĐCSVN) - Hơn 1,3 triệu khách hàng chịu ảnh hưởng từ thiên tai được Viettel hỗ trợ 20.000 đồng/tài khoản (tương ứng khoảng 26 tỷ đồng) để duy trì liên lạc trong lúc khẩn cấp.
TP Hồ Chí Minh cử lực lượng ra Bắc hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3
(ĐCSVN) – Trong quá trình theo dõi tình hình, hỗ trợ các địa phương phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3; các cơ quan, đơn vị của thành phố Hồ Chí Minh khi tiếp nhận các đề nghị hỗ trợ của các địa phương, khẩn trương thông tin về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo ngay cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến chỉ đạo hỗ trợ kịp thời.
Biển Đông có nơi gió giật cấp 10 do bão Krathon, nhiều nơi ở miền Bắc sắp trở rét
Do ảnh hưởng của bão Krathon, từ đêm 29/9 ở phía đông của khu vực Bắc Biển Đông sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, phía bắc cấp 7, giật cấp 9-10, sau tăng lên cấp 8-10, giật cấp 12.
Kêu gọi cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên nhi đồng ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
(ĐCSVN) - Ban Bí thư Trung ương Đoàn kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, các cấp bộ đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong và ngoài nước chung tay ủng hộ đồng bào các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, thiên tai bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Cùng hỗ trợ để giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vượt qua khó khăn
(ĐCSVN) - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động và kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài chung tay, góp sức, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, cùng hỗ trợ để giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.
Top