Thứ hai, 13/05/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp tết

Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tích cực phối hợp các địa phương kiểm soát hoạt động giết mổ động vật; đồng thời, tập trung kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường kiểm soát giết mổ

Giáp tết, nhu cầu sử dụng các loại thịt gia súc, gia cầm của người tiêu dùng tăng cao nên nhiều đối tượng lợi dụng trà trộn thực phẩm kém chất lượng ra thị trường. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, Chi cục đã và đang triển khai kế hoạch kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm ATTP dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, Chi cục tập trung kiểm tra các điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP tại các cơ sở giết mổ (CSGM). Trong quá trình kiểm soát, đội ngũ cán bộ thú y cũng kiểm tra nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ, hồ sơ kiểm dịch, kiểm tra lâm sàng gia súc, gia cầm trước khi đưa vào CSGM; công tác kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại cơ sở;...

“Đến nay, Chi cục đã kiểm tra hoạt động kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở một số CSGM trên địa bàn huyện: Đức Hòa, Bến Lức và Tân Trụ. Qua kiểm tra, chưa có cơ sở nào vi phạm” - bà Huỳnh Thị Kim Phượng cho biết.

Chủ một CSGM trên địa bàn huyện Tân Trụ cho biết, mỗi ngày, cơ sở này giết mổ khoảng 50 con heo và đều được nhập về từ địa phương khác, có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng; có cán bộ thú y kiểm soát ở tất cả các khâu trước, trong và sau khi giết mổ. Cùng với đó, CSGM cũng bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh, có hệ thống thoát nước tốt, có đầy đủ dụng cụ và tuyệt đối không dùng thuốc an thần hay bơm nước vào gia súc.

Bình quân mỗi ngày, toàn tỉnh giết mổ khoảng 5.500 con heo

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 45 CSGM gia súc, gia cầm. Số lượng giết mổ bình quân hàng ngày khoảng 250 con trâu, bò; khoảng 5.500 con heo; khoảng 76.000 con gia cầm. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, số lượng giết mổ gia súc, gia cầm ở một số cơ sở có thể tăng từ 30-40% so với thường ngày.

Siết chặt việc vận chuyển, mua bán động vật

Cùng với kiểm soát giết mổ động vật, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh còn siết chặt việc mua bán, nhập động vật, sản phẩm động vật, ngăn ngừa việc nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật kém chất lượng vào địa bàn tỉnh.

Cở sở giết mổ nhập heo vào khu nuôi nhốt trước khi giết mổ

Ngoài ra, hiện nay, ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng thành lập các tổ kiểm tra liên ngành phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trong đó có kiểm tra hoạt động mua bán thịt và sản phẩm động vật.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã tăng cường phối hợp các ngành liên quan ngăn chặn tình trạng nhập lậu heo qua biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối tắt. Đồng thời, ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức để người dân biên giới không tiếp tay, vận chuyển gia súc vào địa bàn tỉnh, nhất là heo nhập lậu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng chia sẻ: “Với đặc thù là huyện biên giới, địa bàn rộng nên công tác kiểm sát hoạt động mua bán, nhập lậu động vật qua biên giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tỉnh, UBND huyện và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, thời gian qua, tình trạng nhập lậu heo qua biên giới đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh cũng được ngành Nông nghiệp huyện triển khai theo đúng kế hoạch đề ra”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, để ngành chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường, nhất là đáp ứng cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, Sở yêu cầu các chi cục trực thuộc và chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm.

“Sở thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm, trọng yếu về chăn nuôi, dịch bệnh để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin./.

Bùi Tùng

Liên tục xảy ra ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu đình chỉ cơ sở không bảo đảm

Bộ Y tế yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thông tin mới nhất vụ 19 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM nhập viện trong đêm

Xung quanh vụ 19 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM nhập viện trong đêm, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lại Thế Tuân, Trưởng phòng Tổng hợp, Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.

Đã tìm ra nguyên nhân gây vụ ngộ độc bánh mì ở Long Khánh

Chiều 07/5, Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm cho biết, đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở thành phố Long Khánh.

560 người ngộ độc sau ăn bánh mì, phát hiện khuẩn E.coli trong máu 3 trẻ

Đến nay đã ghi nhận 560 người nhập viện do bị ngộ độc sau ăn bánh mì tại TP Long Khánh, Đồng Nai.

Khuyến cáo khẩn của ngành y tế về ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm 

(CTO) - Thời gian qua, nhiều nơi trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, gây lo ngại trong cộng đồng về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Top