Thứ hai, 29/04/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Bệnh “phổi trắng”: nguyên nhân và cách điều trị 

Không ít người bệnh suy hô hấp, viêm phổi lo lắng khi bác sĩ tư vấn về tình trạng “phổi bị trắng” qua kết quả phim chụp X-quang. Nhiều người cho rằng đó là tình trạng phổi bị hư hoại hoàn toàn hoặc do biến chứng của hậu COVID-19

Không ít người bệnh suy hô hấp, viêm phổi lo lắng khi bác sĩ tư vấn về tình trạng “phổi bị trắng” qua kết quả phim chụp X-quang. Nhiều người cho rằng đó là tình trạng phổi bị hư hoại hoàn toàn hoặc do biến chứng của hậu COVID-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, “phổi bị trắng” là thuật ngữ y khoa dùng trong chẩn đoán hình ảnh của phổi. Người bệnh không nên hoang mang; tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. 

BS CKII Tống Vấn Thùy, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân viêm phổi.

Theo BS CKII Tống Vấn Thùy, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, phổi trắng không phải là một bệnh cụ thể, đó là thuật ngữ bác sĩ giải thích với bệnh nhân về tình trạng tổn thương tăng đậm độ trên phim chụp X-quang. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phổi trắng, tùy vào tổn thương trên X-quang mà có thể nghĩ tới những nguyên nhân tương ứng như sau:

+ Tổn thương dạng nốt, là những đám mờ tròn có kích thước nhỏ, đường kính nhỏ hơn 3cm, thường gặp ở những bệnh nhân viêm phổi, người bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm hoặc những bệnh nhân nhiễm nấm, các tình trạng viêm nhiễm phổi mạn tính.

+ Tổn thương dạng khối, có đường kính lớn hơn 3cm, thường gặp trong bệnh nhân ung thư phổi.

+ Tổn thương dạng đông đặc phổi, là những đám mờ không đồng nhất, thường gặp ở bệnh nhân viêm phổi hoặc lao phổi, áp xe phổi.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng phổi trắng thường gặp là tràn dịch màng phổi, do lao màng phổi hoặc tràn dịch cận viêm, bệnh nhân có bệnh lý ác tính. Một số nguyên nhân có thể kể đến nữa là những sẹo của xơ phổi, xẹp phổi, dày dính màng phổi… Trong các trường hợp phổi bị trắng, bệnh có thể diễn biến âm thầm từ vài tháng, vài năm, tuy nhiên, một số trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có nguy cơ tử vong trong vòng 3-5 ngày sau khi mắc bệnh. Nguyên nhân gây tử vong nhanh là do bệnh nhân nhiễm các loại virus gây nên tình trạng tổn thương lan tỏa hai phổi, dẫn đến suy hô hấp cấp. 

Viêm phổi là bệnh lý thường gặp và là một trong những căn nguyên chính gây tử vong. Theo BS Tống Vấn Thùy, mặc dù bệnh lý viêm phổi đã có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị với nhiều phương pháp điều trị mới, nhiều loại thuốc mới điều trị hiệu quả nhưng tỷ lệ tử vong hiện còn khá cao.

Thời gian qua, Khoa Nội tổng hợp BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân viêm phổi mỗi ngày. Cô Ng.Th. V (70 tuổi, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị sốt, ho, lói ngực. Qua thăm khám, kết quả X-quang, xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi. Sau 1 tuần điều trị phác đồ kháng sinh, bệnh nhân cải thiện sức khỏe tốt, ăn uống ngon miệng, bớt ho, đau ngực và có thể xuất viện. Cô V kể: “Trước khi vô viện, tôi mua thuốc ở tiệm thuốc tây về uống vài ngày nhưng không khỏi. Đến khi đau lói ngực quá, ho nhiều, con cháu đưa đến BV Đa khoa TP Cần Thơ cấp cứu. Nay tôi khỏe lại, mừng lắm, cảm ơn các bác sĩ rất nhiều”. 

BS Tống Vấn Thùy cho biết, nhiều trường hợp viêm phổi điều trị hiệu quả, tuy nhiên, một số trường hợp diễn tiến nhanh, không đáp ứng phác đồ điều trị. Cuối tháng 3-2024, nữ bệnh nhân 50 tuổi nhập viện BV Đa khoa TP Cần Thơ, được chẩn đoán viêm phổi cộng đồng mức độ nhẹ. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân nhanh chóng diễn tiến nặng, kết quả chụp X-quang thấy tổn thương phổi lan tỏa hai bên trắng xóa. Bệnh nhân suy hô hấp, được đặt nội khí quản thở máy, chăm sóc và điều trị tích cực. Mặc dù các bác sĩ tích cực hồi sức, điều trị nhưng bệnh nhân không qua khỏi. 

Các bác sĩ lưu ý những dấu hiệu mắc bệnh phổi: sốt, uể oải, ho, khạc đàm và nặng ngực, khó thở hoặc là có tiếng thở bất thường… Khi đó, người bệnh nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, kết hợp các chỉ định cận lâm sàng cần thiết như chụp X-quang để tầm soát các tổn thương ở phổi. Nếu có tổn thương ở phổi, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa về hô hấp điều trị theo phác đồ. 

Một số người cho rằng tình trạng phổi trắng liên quan đến di chứng hậu COVID-19. Theo các thống kê y tế, khoảng 30-50% người mắc COVID-19 có một triệu chứng hậu COVID-19 và thường xuất hiện, kéo dài trong khoảng 12-24 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ này ngày càng ít xuất hiện do dịch bệnh đã lui và tình trạng miễn dịch phổ biến trong cộng đồng. Riêng bệnh phổi trắng do nhiều nguyên nhân gây nên, hậu COVID-19 chỉ là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tổn thương phổi. 

Để phòng tránh trình trạng phổi trắng, BS Tống Vấn Thùy khuyến cáo, mọi người nên tránh hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động; tạo môi trường sống trong lành, tránh ô nhiễm; tăng cường rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Bên cạnh đó, tiêm ngừa các loại vaccine ngừa viêm phổi để giảm thiểu các nguy cơ mắc phải bệnh viêm phổi.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG 

Phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm 

Thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và làm thức ăn nhanh hư, dễ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng. Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo những món chưa nấu chín (như món sashimi, hàu sống),

Phát hiện cách loại bỏ tới 80% hạt vi nhựa trong nước uống hàng ngày

Một phát hiện mới nhất của các nhà khoa học cho thấy khi đun sôi nước máy trong 5 phút, canxi cacbonat kết tủa thành cặn vôi sẽ 'nhốt' hơn 80% các hạt vi nhựa lại và ta chỉ cần lọc nó đi là xong.

Ăn quá nhanh và quá muộn gây hại như thế nào?

Có câu nói: Sức khỏe của bạn là từ những gì bạn ăn. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy không chỉ thức ăn ảnh hưởng đến sức khỏe, mà tốc độ và thời điểm ăn cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bạn.

Ăn nhiều hải sản, tăng nguy cơ phơi nhiễm hóa chất vĩnh cửu?

Một nghiên cứu mới của Mỹ phát hiện lượng hóa chất vĩnh cửu PFAS trong nhiều loại hải sản ở mức đáng lo ngại.

Sử dụng thực phẩm đúng cách trong mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng như hiện nay dễ sinh sôi các loại vi khuẩn, nấm mốc làm cho các loại thực phẩm, thức ăn dễ bị ôi thiu, gây mất an toàn thực phẩm nếu không được bảo quản cẩn thận.
Top