Cần có giải pháp tạo giá trị gia tăng cho trái măng cụt
Thời điểm này, măng cụt trồng tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL đã có trái chín cho thu hoạch. Năm nay, đa phần các vườn măng cụt đều thất mùa so với năm trước. Tuy nhiên, giá bán măng cụt lại không tăng mà đang có xu hướng giảm...
Thu mua trái măng cụt tại một vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Giá măng cụt giảm
Nguồn cung tăng khi bước vào mùa thu hoạch rộ, hiện giá trái măng cụt đã giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng. Ngày 10-5, giá măng cụt được nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long… bán xô cho thương lái và các vựa thu mua trái cây chỉ còn ở mức 48.000-50.000 đồng/kg, trong khi trước đó có giá lên đến 60.000-70.000 đồng/kg. Hiện giá măng cụt bán lẻ tại nhiều nơi cũng giảm từ mức trên dưới 80.000 đồng/kg, xuống chỉ còn ở mức 55.000-60.000 đồng/kg.
Gia đình ông Ngô Hữu Vũ ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ có 80 gốc măng cụt được trồng xen cây với cây dâu và sầu riêng trên diện tích hơn 5 công tầm lớn. Măng cụt trồng được 19 năm tuổi và đã cho thu hoạch trái khoảng 12 năm qua. Ông Vũ cho biết: “Năm 2023 măng cụt rất trúng mùa, còn năm nay thì măng cụt cho trái ít mà giá bán lại không được cao hơn nên nhà vườn thất thu. Hiện giá bán măng cụt tại vườn chỉ còn ở mức 50.000 đồng/kg và nhiều khả năng còn tiếp tục giảm. So với nhiều loại cây ăn trái khác, cây măng cụt cho hiệu quả kinh tế không cao bằng, nhất là so với mít và sầu riêng. Nguyên nhân măng cụt là loại cây không thể thu hoạch trái đồng loạt để xử lý chín mà phải chờ cho trái chín tự nhiên và phải lựa từng trái chín trên cây để thu hoạch bằng phương pháp thủ công, tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Hiện giá thuê mướn nhân công để thu hoạch lại ở mức rất cao, lên đến 400.000 đồng/ngày”. Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang, chủ một vựa thu mua trái cây ở huyện Phong Ðiền, năm nay, do măng cụt thất mùa nên lượng măng cụt được vựa thu mua hằng ngày cũng giảm mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, giá trái măng cụt lại không tăng. Măng cụt là loại cây ăn trái ít bị sâu bệnh nên hầu như nông dân ít phải sử thuốc bảo vệ thực vật trong quá trồng và thu hoạch, bảo quản trái. Tuy nhiên, trồng loại trái cây này, nông dân phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để thu hoạch trái. Với giá bán măng cụt như thời gian qua, những gia đình trồng măng cụt theo kiểu tận dụng nguồn lao động sẵn có trong gia đình thì đạt hiệu quả kinh tế tốt, chứ thuê mướn hoàn toàn thì nhà vườn không có được nguồn thu nhiều.
Để duy trì, phát triển bền vững cây măng cụt
Do giá bán chưa tương xứng với công sức bỏ ra và hiệu quả kinh tế mà cây măng cụt mang lại còn thấp nên thời gian qua có nhiều nông dân tại vùng ÐBSCL đã chặt bỏ cây măng cụt để chuyển sang những loại cây ăn trái khác giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân tại nhiều nơi cũng ít chịu phát triển trồng mới cây măng cụt vì nó kém sức hấp dẫn, cũng như do trồng “lâu ăn”, thường cây măng cụt trồng khoảng 7-8 năm tuổi trở lên mới cho trái. Ðáng chú ý, nông dân tại nhiều nơi đã chuyển từ măng cụt sang trồng cây sầu riêng. Tuy nhiên, việc ồ ạt chuyển từ nhiều loại cây ăn trái khác sang tập trung trồng sầu riêng dễ tạo ra các nguy cơ rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế cho thấy, cây măng cụt vốn có nhiều lợi thế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cần được quan tâm phát huy để giúp mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Ðặc biệt, cần chú ý phát triển trồng cây măng cụt gắn với phát triển du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm từ cây măng cụt. Bà Nguyễn Thị Mỹ Ái, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Ðiền, cho biết: “Phong Ðiền hiện là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất ở TP Cần Thơ. Toàn huyện hiện có khoảng 9.000ha cây ăn trái các loại, trong đó có 178ha trồng măng cụt, với 172ha đang cho trái. Hàng năm, sản lượng trái măng cụt tại huyện đạt từ 1.200-1.300 tấn. Cây măng cụt đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm trái cây ngon và đặc sản trên địa bàn huyện, tạo điều kiện để thu hút khách tham quan du lịch, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lạo động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vì vậy, huyện đã và đang tiếp tục quan tâm khuyến khích người dân duy trì, phát triển các diện tích trồng măng cụt để phục vụ phát triển du lịch, đưa huyện trở thành địa bàn trọng điểm phát triển du lịch sinh thái của Cần Thơ, góp phần xây dựng thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL...”. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 25.000ha cây ăn trái các loại, trong đó có hơn 300ha măng cụt. Hiện cây măng cụt được trồng tại nhiều quận, huyện của thành phố như Phong Ðiền, Thới Lai, Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy và Thốt Nốt.
Dù măng cụt có giá bán chưa cao như với mong muốn của nhiều nông dân, nhưng thời gian qua nhìn chung vẫn luôn duy trì ở mức khá cao so với nhiều loại trái cây khác và khá dễ tiêu thụ. Cây và trái măng cụt ít bị các loại sâu bệnh tấn công và trái măng cụt được thu hoạch khi chín tự nhiên. Quá trình canh tác măng cụt hầu như nông dân ít phải sử dụng các loại thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh, do vậy trái măng cụt “khá sạch” và an toàn cho sức khỏe con người. Măng cụt cũng là loại trái cây ngon, có nhiều vitamin và dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ trái măng cụt tại nhiều nơi còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và các bên có liên quan. Nông dân còn chủ yếu tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái và trái măng cụt bán ra thị trường chủ yếu ở dạng “tươi thô”, chưa có bao bì, thương hiệu... nên chưa tạo giá trị gia tăng cao. Do vậy, tới đây ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nông dân trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tiêu thụ tại nội địa ở những phân khúc và kênh bán hàng “cấp cao”. Ðặc biệt, ngoài tiêu thụ dạng trái chín, cần chú ý đẩy mạnh tiêu thụ trái măng cụt dạng trái tươi để phục vụ làm món gỏi măng cụt cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng và khu du lịch. Quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và các tiểu thương ưu tiên kinh doanh, tiêu dùng măng cụt trong nước và hạn chế sử dụng hàng nhập khẩu.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG