Thứ bảy, 11/05/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Có một lớp học tình thương nơi biên giới

Chiều biên giới Vĩnh Hưng, con đường trải dài hai hàng cây rợp bóng, từng cơn gió thổi mát nhẹ. Phía xa, trên khoảng sân rộng của điểm Trường Tiểu học Tuyên Bình, có một lớp học tình thương do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Tuyên Bình, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Long An đang phụ trách đứng lớp. Những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên đủ mọi lứa tuổi đang nô đùa, thoăn thoắt bước từng tốp vào lớp học.

Những người thầy giáo “quân hàm xanh” hàng ngày vẫn cần mẫn rèn từng nét chữ cho học sinh

Đều đặn hơn 10 năm qua, mỗi ngày, từ 18 đến 20 giờ, tiếng ê a tập đọc của các em nhỏ tại lớp học tình thương lại vang lên. Gương mặt các em rám nắng, đen nhẻm bởi những nhọc nhằn từ cuộc sống mưu sinh. Đa số học sinh tại lớp học tình thương đều là con của các gia đình gốc Việt, di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống. Không giấy tờ, không nhà cửa, ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định, gia đình các em cùng chung cảnh nghèo khó, thiếu trước, hụt sau. Cũng vì lẽ đó mà con đường đến trường tìm chữ của các em trở nên khó khăn, xa vời.

Thấu hiểu được hoàn cảnh các em, ĐBP Tuyên Bình tham mưu Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập lớp học tình thương. Và từ đây, những thầy giáo “quân hàm xanh” cũng bén duyên với công việc “gieo con chữ” trên vùng biên giới còn nhiều khó khăn.

Đại úy Nguyễn Đình Thông - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, ĐBP Tuyên Bình, đưa chúng tôi đến thăm hỏi, gặp gỡ gia đình em Võ Thị My - học sinh lớp học tình thương, đang sinh sống tại khu dân cư thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng. Đây cũng là nơi mà nhiều hộ gia đình khác từ Biển Hồ di cư tự do về sinh sống. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các gia đình được hỗ trợ nơi ở tại khu dân cư này. Hàng ngày, các gia đình chủ yếu thả lưới, đánh cá ven các con kênh, rạch, đan lục bình, làm thuê hay bán vé số,... trang trải cuộc sống.

Gác lại việc bếp núc chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình, chị Cao Thị Phước - mẹ của My, niềm nở đón chúng tôi trong căn nhà mái lợp tôn. Được biết, chị Phước bị bệnh tim, phải ở nhà, không thể làm việc nặng; chồng chị không nghề nghiệp nên ai thuê gì làm nấy. Gia đình có 6 người con, My là con út trong gia đình.

Cách đó không xa, gia đình chị Ngô Thị Ánh có 2 con là Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Sáng cũng đang theo học tại lớp học tình thương. Không việc làm ổn định, hàng ngày, vợ chồng trang trải cuộc sống bằng chiếc ghe, bơi dọc theo các con sông, kênh, rạch để cắt lục bình, bán kiếm tiền. Với chị, các con được đi học để biết cái chữ là niềm mơ ước. Chị Ánh chia sẻ: "Từ khi về đây sinh sống, được BĐBP đến tuyên truyền, vận động cho con đi học để biết chữ nghĩa, tôi vui và đồng ý ngay. Cảm ơn các chú bộ đội rất nhiều vì đã dạy cho con cái chữ, còn tặng nhiều đồ dùng học tập cho các con".

Trở lại lớp học tình thương, thấy chúng tôi, bọn trẻ nhanh nhẹn khoanh tay: “Con chào thầy, chào chú ạ!”. Chúng tôi đứng phía cuối lớp học, bên ngoài, không gian yên ắng của một vùng quê biên giới bao trùm, dường như nhường chỗ cho tiếng đánh vần ê a của bọn trẻ, tiếng gõ bảng hướng dẫn phát âm của thầy giáo "quân hàm xanh". Chốc chốc, người thầy ấy lại xuống tận bàn, cầm tay bọn trẻ nắn nót viết từng con chữ.

Lau vội giọt mồ hôi trên trán khi vừa kết thúc tiết dạy, thầy giáo "quân hàm xanh" Nguyễn Đình Thông chia sẻ: "Ngoài thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, cùng đồng đội tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, những người thầy của lớp học tình thương luôn bảo đảm duy trì xuyên suốt các buổi học cho bọn trẻ".

Sau những buổi dạy học là nhiệm vụ bảo vệ biên giới của những thầy giáo "quân hàm xanh”

Vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vừa duy trì lớp học tình thương, xóa mù chữ cho các em là điều không dễ dàng. Nhưng theo Đại úy Nguyễn Đình Thông, nhìn thấy hoàn cảnh các em như vậy, thấy các em biết đọc, biết viết từng ngày, không gì hạnh phúc bằng. Điều đó càng thôi thúc thầy giáo "quân hàm xanh" “gieo chữ” với mong muốn có thể dạy kiến thức và kỹ năng sống cho các em được nhiều hơn.

Lớp học tình thương được duy trì từ năm 2013 đến nay, hiện có 4 thầy giáo “quân hàm xanh” tham gia giảng dạy 2 lớp với 36 học sinh. Các em được học 2 môn chính là Tiếng Việt và Toán theo chương trình chính quy từ lớp 1 đến lớp 5. Với 2 phòng học chính, các “thầy giáo” luân phiên nhau giảng dạy, trong đó, một phòng dành giảng dạy cho các em trình độ lớp 1, phòng còn lại dạy cho tất cả các em với trình độ lớp 2 đến lớp 5.

Để có được sự đồng thuận từ cha mẹ các em học sinh, ngoài thời gian giảng dạy tại lớp và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị, Đại úy Nguyễn Đình Thông còn tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, đến nhà vận động, nắm tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh để kịp thời động viên, không để các em phải bỏ học giữa chừng. Đồng hành, san sẻ khó khăn với các gia đình, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình cố gắng vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ quần áo, sách vở, bánh kẹo cho các em trong lớp học tình thương vào các dịp lễ, tết, nhằm tạo niềm vui, động lực học tập cho các em.

Đồn Biên phòng Tuyên Bình tặng quà của mạnh thường quân cho các em ở lớp học tình thương

Hơn 10 năm qua, hàng trăm học sinh trải qua lớp học đặc biệt này đã biết đọc, biết viết. Những người lính BP nơi đây vẫn cần mẫn “gieo chữ”, giúp các em không có điều kiện đến trường được xóa mù chữ, biết đọc, biết viết, biết làm toán. Có em đã tiếp tục học tại các trường chính quy vì điều kiện kinh tế gia đình có phần cải thiện hơn trước.

Chia tay Đại úy Nguyễn Đình Thông khi kết thúc buổi học. Đêm trăng tròn mùa này, gió mát vờn nhẹ, lao xao trên những tán cây dọc hai bên đường biên giới. Nụ cười nhẹ nhàng của người thầy giáo “quân hàm xanh” ấy đan xen hình ảnh lớp học tình thương hiện rõ trong tâm trí chúng tôi. Cảm ơn các anh, những người chiến sĩ “quân hàm xanh” với những đôi chân không mỏi, cảm ơn vì những điều tốt đẹp mà các anh đã mang lại, ngày mang súng và đêm cầm phấn, gieo tâm mình trên những trang vở của các em.

Ngày mai, buổi học tình thương lại bắt đầu trên miền biên viễn.../.

Minh Luận - Đinh Quân

Thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 

(CT) - Thực hiện Quyết định số 1266/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc phê duyệt Phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ có ý kiến

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục 

Trong thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý và dạy học được xem là giải pháp đột phá. Tại TP Cần Thơ, việc ứng dụng CNTT đã giúp toàn ngành

Ngày hội trải nghiệm, tham quan và nhận quà "Ngôi sao Summer Camp” tại Trường Tiểu học Ngôi Sao 

Thực hiện hoạt động giáo dục chuẩn bị cho năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Ngôi Sao hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, tạo sân chơi bổ ích cho trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” tăng cường phối hợp giữa cha mẹ trẻ và nhà trường

Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học 

(CT) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị giao ban với phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc Sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.

Vinh danh các bác sĩ Việt Nam trúng tuyển chương trình bác sĩ nội trú Hoa Kỳ năm 2024 

(CT) - Ngày 6-5-2024, Trường Ðại học Nam Cần Thơ long trọng tổ chức Chương trình vinh danh các bác sĩ Việt Nam trúng tuyển chương trình bác sĩ nội trú Hoa Kỳ năm 2024.

7.000 giáo viên nghỉ việc: Sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi vẫn làm ngành khác

Mới đây, dư luận chú ý với số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024 có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó ở bậc mầm non, khoảng 1.600 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường dành riêng chỉ tiêu cho thí sinh không thi tốt nghiệp do dịch

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, cả nước có khoảng gần 15.000 thí sinh không thể thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thực hư thông tin thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT 2022 lan truyền trên mạng

Mới đây một số trang mạng xã hội đăng thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ quay về hình thức thi tự luận, thi trên máy tính, các trường đại học đồng loạt thi riêng... gây hoang mang dư luận.

Đề thi Lịch sử khó

Kết thúc buổi thi sáng nay, môn Vật lý có 65 thí sinh vắng, Hóa học có 63 thí sinh vắng, Sinh học có 62 thí sinh vắng, Lịch sử có 86 thí sinh vắng, Địa lý có 80 thí sinh vắng, Giáo dục công dân có 66 thí sinh vắng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Long An khép lại an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Long An chính thức khép lại an toàn, thành công. Toàn tỉnh không có cán bộ, giáo viên, thí sinh vi phạm quy chế.
Top