01/11/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Đắk Nông huy động mọi nguồn lực giảm nghèo bền vững

(ĐCSVN) - Công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở ở Đắk Nông quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Thành tựu ấn tượng

Đắk Nông có 7 huyện và thành phố Gia Nghĩa, 71 xã, phường, thị trấn, trong đó có 27 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Là một trong những tỉnh nghèo, sau 17 năm thành lập (từ 2004 đến 2021), thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đời sống nhân dân tỉnh Đắk Nông ngày càng được cải thiện, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có cuộc sống cơ bản ổn định; các chính sách về giảm nghèo đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu như cuối năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh là 19,20%, trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 40,38%, hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 53,79% thì đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 6,98% tổng số hộ của cả tỉnh, với gần 11.800 hộ, 56.600 nhân khẩu. Như vậy, mỗi năm, tỉnh Đắk Nông giảm được trên 3% số hộ nghèo, chỉ tiêu hộ nghèo giảm bình quân hằng năm vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 27-7-2016 của Tỉnh ủy đề ra.

 Người dân huyện Đắk Song nuôi gà công nghiệp đạt giá trị kinh tế cao. Ảnh: QC

Những năm qua, các dự án của chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ 2016 - 2020 đến nay, các dự án giảm nghèo đã được tỉnh huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng 65 công trình giao thông, 38 trường học, 8 công trình nước sinh hoạt tập trung, 92 nhà sinh hoạt cộng đồng với kinh phí trên 80 tỷ đồng, đầu tư xây mới và nâng cấp được 232 km đường giao thông, trong đó có 17 km quốc lộ, 42 km đường huyện, 161 km đường xã, thôn, bon, 12 km đường đô thị, nâng tỉ lệ cứng hóa đường giao thông toàn tỉnh từ 53% lên trên 60% hiện nay.

Đối với huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”, huyện Đắk Glong được ngân sách Trung ương đầu tư 14,7 tỷ đồng, xây dựng được 3 công trình đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, gồm: đường giao thông liên thôn thôn 4 và 5, xã Đắk Hà; đường giao thông liên xã Đắk Som - Đắk R'Măng; đường giao thông vào bệnh viện đa khoa huyện và trường trung học cơ sở Quảng Hòa để bảo đảm chuẩn hóa về giáo dục. Theo Quyết định số 275/QĐ-TTg, ngày 7-3- 2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020”, tỉnh Đắk Nông có 2 huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP là huyện Tuy Đức và Đắk Glong.

Một yếu tố quan trọng giúp Đắk Nông vươn lên trong công tác giảm nghèo là thực hiện tốt các chính sách về tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo. Các chính sách giảm nghèo đặc thù về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng cho huyện nghèo, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo từng bước triển khai có hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ hội và động lực cho nhiều hộ nghèo, người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Nổi bật và hiệu quả nhất là nguồn vốn tín dụng chính sách cho người nghèo vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo. Doanh số cho vay đến hết năm 2020 đạt trên 2.793 tỷ đồng với 100.280  lượt hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở, cải thiện đời sống, trong đó có 40.330 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo được vay vốn hỗ trợ sản xuất; đã có 22.293 lượt hộ nghèo, 10.034 lượt hộ cận nghèo, 8.003 lượt hộ mới thoát nghèo thông qua vốn tín dụng chính sách. Cũng từ nguồn vốn này đã giúp giảm nghèo cho 451 lao động nghèo, cận nghèo nhờ phát huy các nghề như dệt thổ cẩm, tin học văn phòng, nấu ăn, điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, thú y, trồng trọt...

Mô hình trồng cà phê sạch tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh: QC

Để nhân rộng các mô hình giảm nghèo, đầu năm 2016, tỉnh tập trung triển khai xây dựng 2 mô hình giảm nghèo nuôi bò sinh sản tại 2 xã Đắk Wer và xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R’Lấp) với tổng kinh phí 500 triệu đồng; 2 dự án mô hình giảm nghèo tại huyện Đắk Glong với tổng kinh phí 500 triệu đồng; các dự án mô hình giảm nghèo tại 2 huyện Đắk R’Lấp và Cư Jut. Việc triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo tận dụng và phát huy được năng lực cộng đồng, tự người dân vươn lên làm kinh tế, tạo niềm tin cho nông dân dám nghĩ, dám làm và áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng. Trong quá trình triển khai các mô hình thuộc dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo, tư duy của người dân được thay đổi, người dân đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động, tự lực vươn lên, tạo sinh kế thoát nghèo. Những hộ thoát nghèo từ tham gia các mô hình là những “điểm sáng” trong phong trào vươn lên thoát nghèo, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Tính đến nay, Đắk Nông có 64.019 lượt người nghèo, 13.593 lượt người cận nghèo và 121.345 lượt người đồng bào DTTS được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Về hỗ trợ hộ nghèo nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015” trên địa bàn, tỉnh hỗ trợ xây dựng 1.285 căn nhà với tổng kinh phí 70,675 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình từ chỗ không có nhà ở hoặc nhà tạm bợ nay có nhà ở khang trang và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế, nước sạch và tiếp cận thông tin cho hộ nghèo được quan tâm và triển khai có hiệu quả đến từng đối tượng cụ thể, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng có điều kiện đến trường học tập, nâng cao tỉ lệ đến trường của học sinh, sinh viên nghèo, góp phần giảm bớt chi phí cho các hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào DTTS với tổng kinh phí thực hiện là 25,550 tỷ đồng. Chương trình 30a/2008-NQ/CP của Chính phủ phát huy hiệu quả của đồng vốn được hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Theo đó, huyện Đắk Glong được Trung ương bố trí vốn đầu tư phát triển là 14,700 tỷ đồng, tỉnh đã triển khai thực hiện đầu tư 4 công trình chuyển tiếp gồm có 3 công trình đường giao thông nông thôn và 1 công trình chuẩn hóa về giáo dục đang phát huy hiệu quả.

Có thể khẳng định, công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 - 2020 góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo niềm tin vững chắc đối với nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là hộ nghèo ngày càng nhận thức đúng đắn, có ý thức tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, học hỏi cách làm ăn, thực hành tiết kiệm, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Để thực hiện thành công mục tiêu về giảm nghèo bền vững, Đắk Nông tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu hằng năm giảm từ 3,5% hộ nghèo trở lên (tương ứng giảm 5.900 hộ); trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm từ 4% và hộ nghèo là đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 5% trở lên; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập. Hướng tới mục tiêu cơ bản thực hiện hoàn thành đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết xong nhà ở cho hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Phấn đấu sớm để không còn hộ là người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông tập trung triển khai đồng bộ những giải pháp sau: 

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Công tác giảm nghèo phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội và đưa chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm vào đánh giá thi đua, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã phải đăng ký phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo theo các chỉ tiêu cam kết, đặc biệt là 2 huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao là Tuy Đức và Đắk Glong phải khảo sát, đánh giá, xác định hộ nghèo đúng thực tế. Các huyện còn lại đã ký cam kết phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo của đơn vị mình. Tỉnh ủy đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu các địa phương.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; đưa các hoạt động giảm nghèo đến với mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp dân cư nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức cho người nghèo về ý thức tự lực trong lao động sản xuất, thay đổi tư duy, thói quen canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Đắk Nông. Đặc biệt, phải coi trọng vai trò của cấp cơ sở, bảo đảm sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững./.

Nguyễn Văn Chiến

Other news

Viettel: Hỗ trợ người dân duy trì liên lạc trong lúc khẩn cấp
(ĐCSVN) - Hơn 1,3 triệu khách hàng chịu ảnh hưởng từ thiên tai được Viettel hỗ trợ 20.000 đồng/tài khoản (tương ứng khoảng 26 tỷ đồng) để duy trì liên lạc trong lúc khẩn cấp.
TP Hồ Chí Minh cử lực lượng ra Bắc hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3
(ĐCSVN) – Trong quá trình theo dõi tình hình, hỗ trợ các địa phương phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3; các cơ quan, đơn vị của thành phố Hồ Chí Minh khi tiếp nhận các đề nghị hỗ trợ của các địa phương, khẩn trương thông tin về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo ngay cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến chỉ đạo hỗ trợ kịp thời.
Biển Đông có nơi gió giật cấp 10 do bão Krathon, nhiều nơi ở miền Bắc sắp trở rét
Do ảnh hưởng của bão Krathon, từ đêm 29/9 ở phía đông của khu vực Bắc Biển Đông sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, phía bắc cấp 7, giật cấp 9-10, sau tăng lên cấp 8-10, giật cấp 12.
Kêu gọi cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên nhi đồng ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
(ĐCSVN) - Ban Bí thư Trung ương Đoàn kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, các cấp bộ đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong và ngoài nước chung tay ủng hộ đồng bào các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, thiên tai bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Cùng hỗ trợ để giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vượt qua khó khăn
(ĐCSVN) - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động và kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài chung tay, góp sức, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, cùng hỗ trợ để giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.
Top