“Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu”
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh chụp từ màn hình trực tuyến - HNV) |
Với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu”, Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thực hiện đã được công bố tại hội thảo diễn ra sáng 29/7/2021.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; Giám đốc quốc gia Quỹ FNF Việt Nam - Viện Friedrich Naumann Foundation; các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam; các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả; các cơ quan báo chí và đông đảo các nhà nghiên cứu, công chúng quan tâm.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 được công bố với các vấn đề đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều tầng lớp xã hội gồm: Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2020 và một số triển vọng 2021, trong đó tập trung vào một số nền kinh tế lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các gợi ý đối với Việt Nam; Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Lợi thế so sánh và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, trong đó đi sâu phân tích 2 ngành điện tử và thực phẩm; Năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt xét trên góc độ đóng góp của TFP, đi sâu vào 2 ngành điện tử và thực phẩm; Bối cảnh toàn cầu mới và khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2021 và định vị lại Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, cho biết, Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các viện nghiên cứu và trường đại học tham gia. Báo cáo nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế, trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Đánh giá tổng quan về kinh tế thế giới năm 2020, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Viện trưởng VEPR nhận định, trong bối cảnh biến động toàn cầu vài năm gần đây và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và khó dự đoán. Theo đó, mức giảm ước tính là 4,3% trong năm 2020 mà ở đó, các nền kinh tế phát triển chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức sụt giảm ít hơn và riêng Trung Quốc lại tăng trưởng dương. Đại dịch cũng làm giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xét trong cả thập kỷ 2020 - 2029. Tương ứng với sự thu hẹp trong sản lượng toàn cầu, việc làm và thu nhập cũng giảm mạnh. Thương mại và đầu tư quốc tế cũng bị ảnh hưởng sâu sắc và suy giảm trầm trọng. Cả thương mại hàng hoá và dịch vụ đều giảm tốc trong năm 2020, tương ứng là -7% và -20%, đặc biệt là ngành du lịch và vận chuyển....
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế. (Ảnh chụp từ màn hình trực tuyến - HNV) |
Trong bối cảnh ấy, nền kinh tế Việt Nam cũng đã khép lại năm 2020 đầy sóng gió với kết quả tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP cả năm ở mức 2,91% và là một trong số hiếm hoi các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát và khu vực sản xuất cũng như tiêu dùng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ tăng chậm lại ở cả ba khu vực; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng nhanh...
Đề cập tới triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, TS Vũ Thanh Hương, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế bình luận, bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ sáng hơn trong năm 2021 nhưng không đồng đều giữa các khu vực và vẫn còn nhiều bất định. Đáng chú ý, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, VEPR cho rằng, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào kiểm soát dịch bệnh, tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả, phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.
Dựa trên tình hình thực tiễn, VEPR cũng đưa ra các kịch bản dự báo với giả định rằng, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vaccine vào đầu quý IV/2021 và khống chế được tình trạng tái bùng phát; hoạt động kinh tế được khôi phục. Trong khi đó, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.
Theo đó, VEPR cũng xây dựng kịch bản cơ sở là nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối qúy III/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức từ 4,5 - 5,1%.
Nếu theo kịch bản thuận lợi là khi dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức từ 5,4 - 6,1%.
Tuy nhiên, cần chủ động ứng phó nếu gặp phải kịch bản bất lợi. Đó là khi dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới qúy IV, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4%.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao tính chuyên môn và chất lượng của báo cáo; nhất là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, báo cáo cần đưa ra nhóm các giải pháp cụ thể hơn nữa, mang tính cập nhật, thời sự hơn, nhất là với tình hình dịch COVID-19 và những quyết sách mới nhất mà Quốc hội đang tiến hành.
Theo các đại biểu là các chuyên gia kinh tế: Võ Trí Thành, Cấn Văn Lực, để định vị lại hiệu quả, chúng ta phải tạo lập những tiền đề nhất định (thương mại đầu tư, các FTA đã ký kết, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao… TS, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đồng ý việc tiếp cận, nhìn nhận vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu mà nhóm nghiên cứu VEPR tiếp cận nhưng ông cũng cảnh báo, cần chú ý tới cơ sở khoa học và tính đúng đắn cũng như hạn chế của các bộ chỉ số mà Việt Nam tiếp cận để có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, dịch bệnh đang có những tác động mạnh mẽ, làm đảo lộn và thay đổi mọi dự báo chỉ trong vòng 1 tháng. Theo TS Cấn Văn Lực, trên thế giới đến thời điểm hiện nay, đa số các quốc gia đều thay đổi phương thức điều hành kinh tế theo hướng tập trung vào nhóm, khối thay vì đại trà và song phương, đặc biệt thay đổi nhiều về tài khóa và tín dụng, trong đó phải kể đến các gói hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 cũng như sự gia tăng quản lý, định hướng trong vai trò của chính phủ, xu hướng tăng trưởng xanh...
Trong khi đó, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngoài các tiêu chí nhận định của nhóm nghiên cứu và một số chuyên gia đã đóng góp, cần bổ sung, trao đổi, thảo luận thêm về ảnh hưởng của các gói kích thích hỗ trợ do dịch bệnh COVID-19, đặc biệt với kinh tế Việt Nam như thế nào cũng như phân tích thêm về những thay đổi nhanh chóng của logictics trong thời buổi dịch bệnh, nhất là làm thay đổi mặt bằng giá, thậm chí tạo ra mặt bằng giá mới cho các sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần chú trọng và chú ý cuối cùng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp – nhân tố quan trọng của nền kinh tế. TS Trần Toàn Thắng cũng khuyến cáo cần thận trọng với các chỉ số đánh giá, đồng thời phải thay đổi tư duy quản lý trong bối cảnh COVID-19 để có điều chỉnh chính sách phù hợp và hiệu quả với thực tế.
Báo cáo là sản phẩm được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành và liên tục xuất bản, công bố trong 12 năm qua, kể từ năm 2009 đến nay. Báo cáo tập trung phân tích độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển. Từ đó, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam. |