Thứ năm, 09/05/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Dùng ngôn ngữ thời trang lan tỏa văn hóa ẩm thực Nam Bộ 

Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI năm 2024, bộ sưu tập (BST) trang phục làm từ bánh dân gian và chiếc “đầm công chúa bánh xèo” của nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Minh Công là một trong những hoạt động điểm nhấn thu hút du khách.

Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI năm 2024, bộ sưu tập (BST) trang phục làm từ bánh dân gian và chiếc “đầm công chúa bánh xèo” của nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Minh Công là một trong những hoạt động điểm nhấn thu hút du khách.

NTK Nguyễn Minh Công và "Đầm công chúa bánh xèo" phiên bản thực. Ảnh: NVCC

Hiện thực hóa ước mơ

Tại không gian trưng bày triển lãm của Lễ hội, nổi bật có chiếc váy bồng bềnh ánh kim, duyên dáng với chiếc nơ ấn tượng bên trên và chân váy cách điệu màu xanh mát. Đó là chiếc “đầm công chúa bánh xèo” phiên bản thực từ thiết kế “váy bánh xèo” - 1 trong 20 tác phẩm của BST thời trang mini với chất liệu từ bánh dân gian từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục cho NTK Nguyễn Minh Công, nội dung “Người đầu tiên tại Việt Nam sáng tạo nên bộ sưu tập thời trang mini với chất liệu từ các món ăn của ẩm thực miền Tây Nam Bộ”.

NTK Nguyễn Minh Công cho biết: “Tôi đã ấp ủ 3 năm để hiện thực hóa ước mơ đưa những thiết kế trong BST thành phiên bản thật. Đây là lời hứa với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, cũng là lời hứa với chính bản thân tôi làm điều gì đó ý nghĩa cho những chiếc bánh quê Nam Bộ - nơi tôi sinh ra và lớn lên”. NTK Minh Công lựa chọn hiện thực hóa chiếc “đầm công chúa bánh xèo” vì bánh xèo là món ăn thân thuộc trong cuộc sống người dân miền Tây, đồng thời cũng góp phần lan tỏa dấu ấn về bánh xèo khi Ban tổ chức Lễ hội làm chiếc bánh xèo kỷ lục đường kính 3m. Để hoàn thành chiếc đầm bánh xèo, cần đến 3.000m vải, sử dụng kỹ thuật in 3D và 10.000 viên đá Swarovski.

Với thời gian chuẩn bị và hoàn thành trong 1 tháng (từ thời điểm NTK Minh Công được mời làm Đại sứ truyền cảm hứng của Lễ hội - PV), việc hiện thực hóa chiếc đầm gặp những áp lực về thời gian, tài chính, nhân lực… Theo NTK Minh Công, khó nhất là kỹ thuật, phải làm sao để chiếc đầm sống động, vừa nhìn là có thể nhận ra dấu ấn thân quen mang tên bánh xèo. Anh đã vẽ, thử nghiệm liên tục, chiên từng chiếc bánh, chụp hình lại và đưa lên đồ họa mô phỏng. Từ đó, lựa chọn vật liệu phù hợp đảm bảo về màu sắc, độ tự nhiên, sống động của chiếc đầm.

Chiếc “đầm công chúa bánh xèo” được hoàn thành và trưng bày tại Lễ hội. Du khách dễ dàng nhận ra màu vàng ấn tượng lấp lánh ánh kim với 10.000 viên đá Swarovski đính dọc thân váy tạo sự chuyển màu tinh tế, sống động, mang đến cảm giác giòn rụm của vỏ bánh xèo. NTK Minh Công nói vui: “Có lẽ khi nhìn chiếc đầm với màu vàng loang như thế mọi người nghĩ là bánh xèo khét, nhưng với tôi đó là sự cần thiết để mang đến cảm giác mùi vị. Với chiếc đầm, tôi không chỉ muốn đảm bảo về độ mỹ quan mà còn muốn tạo xúc cảm về vị giác”.

Tình yêu đặc biệt với văn hóa ẩm thực

Dõi theo NTK Minh Công trong những lần trình diễn BST thời trang từ bánh dân gian, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh ấm áp gia đình 3 người cùng nhau thực hiện. NTK Minh Công phụ trách chính và cha mẹ anh luôn bên cạnh hỗ trợ. “Thời điểm dịch COVID-19, mọi công việc của tôi đều bị đình trệ và tôi bị stress. Lúc đó, mẹ luôn làm bánh ngon cho tôi, như một cách nâng đỡ tinh thần. Từ đó, tôi có ý tưởng đưa bánh dân gian vào thiết kế thời trang” - NTK Minh Công nhớ lại.

Thế là cả nhà cùng bắt tay vào làm. Cha chọc dừa, chẻ củi, đốn lá…; mẹ thì chuẩn bị nguyên liệu để làm các loại bánh. Cô Nguyễn Thị Ghi - mẹ của NTK Minh Công, chia sẻ: “Thời gian đầu khá vất vả bởi đưa bánh vào thiết kế thời trang không dễ. Nếu mình ăn bánh xèo bình thường thì da giòn là được nhưng khi làm thành thiết kế thời trang thì khác. Chiếc bánh phải có độ giòn, độ dai vừa phải, đảm bảo có thể bẻ nhún, tạo dáng theo đúng ý tưởng. Vì thế, tôi điều chỉnh, thay đổi công thức sao cho phù hợp”. Với bánh xèo dùng làm thiết kế, cô Ghi phải thử nghiệm nhiều lần mới thành công.

Cô Ghi có thể làm trên 40 loại bánh dân gian nhờ học từ nội ngoại hai bên và các mẹ, các dì trong những dịp giỗ chạp. Khi cô làm bánh, NTK Minh Công phụ một tay và nghe cô kể chuyện xưa về bánh. Có lẽ nhờ đó, tình yêu những chiếc bánh quê được nuôi dưỡng và NTK đã đưa chúng vào thời trang. NTK Minh Công nói: “Ban đầu khi thực hiện những thiết kế này tôi chỉ muốn chia sẻ bánh quê nhà làm; không ngờ sở thích, ý tưởng nhỏ được công nhận theo cách đặc biệt. Điều đó trở thành động lực để tôi sáng tạo và lan tỏa văn hóa ẩm thực Nam Bộ qua ngôn ngữ thời trang”.

Hai lần đồng hành cùng Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, lần này với vai trò Đại sứ truyền cảm hứng, NTK Minh Công đã mang đến điều mới mẻ, đặc biệt hơn khi hiện thực hóa chiếc “đầm công chúa bánh xèo”. Đó cũng là tiền đề để anh thực hiện tiếp các thiết kế còn lại trong BST, để các thiết kế xuất hiện trên sàn diễn nhân kỷ niệm 10 năm sự nghiệp của mình. “Tôi rất vui vì có thể góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng về tình yêu thời trang, văn hóa ẩm thực đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Trong khả năng của bản thân, tôi sẽ dùng hết sức mình để kết hợp văn hóa ẩm thực Nam Bộ với thời trang, để quảng bá giá trị tinh thần, đặc sản quê hương không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn cả quốc tế” - NTK Nguyễn Minh Công chia sẻ.

ÁI LAM

Đầu tư trên 220 tỷ đồng bảo tồn trang phục các dân tộc thiểu số

(ĐCSVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định phê duyệt đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay với tổng kinh phí là 222,9 tỉ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 51,2 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 171,7 tỉ đồng.

"Cơ hội lịch sử" cho ngành du lịch Việt Nam

(ĐCSVN) - Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên được tổ chức tại thủ đô Hà Nội sẽ là “cơ hội lịch sử” để du lịch Việt Nam quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và điểm đến hấp dẫn thông qua truyền thông, báo chí quốc tế.

Mở nhiều tour miễn phí cho các phóng viên quốc tế

(ĐCSVN) – Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên được tổ chức tại Hà Nội, nhiều đơn vị lữ hành đã tổ chức những gói du lịch miễn phí cho các phóng viên quốc tế.

Hà Nội - Thành phố vì hòa bình

(ĐCSVN) - Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã góp phần nâng cao hơn nữa niềm tự hào của người dân Hà Nội, cổ vũ, động viên nhân dân đóng góp vào việc xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh, thanh lịch.

Nhiều điểm mới tại Giải Búa liềm vàng năm 2019

(ĐCSVN) - Điểm mới của giải Giải Búa liềm vàng năm 2019 có số lượng và cơ cấu tiếp tục tăng lên. Giải Búa liềm vàng năm nay có 61 giải cho tác phẩm; có thêm một giải để khuyến khích các tác giả sáng tác tác phẩm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Top