01/11/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Học Văn, rèn Sử trên sân khấu 

“Lỡ rồi! Ðằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!”, lời của y tá Mây, người phụ nữ trở về sau chiến tranh, nói với người mình yêu, nhẹ nhàng mà đau đáu. Phía dưới khán phòng, gần 500 khán giả cũng chùng xuống trước lớp diễn quá hay này. Cứ vậy, hơn một tiếng đồng hồ, vở kịch “Người ở bến sông Châu” do các em học sinh biểu diễn cuốn hút người xem...

Vở “Người ở bến sông Châu” được dàn dựng công phu, nghệ thuật, với phần diễn xuất ấn tượng của học sinh. 

Vở kịch “Người ở bến sông Châu” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của tác giả Sương Nguyệt Minh, trong chương trình Ngữ văn lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều. Ðó là câu chuyện về nữ y tá tên Mây, mở đầu bằng cảnh cô tiễn người yêu đi nước ngoài, cô ở lại xung phong vào chiến trường Trường Sơn xông pha, dũng cảm làm nhiệm vụ cứu thương bộ đội. Ngày đất nước hòa bình, gia đình Mây nhận tin báo cô đã hy sinh, lập bàn thờ tưởng nhớ cô. Cha cô, vì thương bạn trai cô son sắt, hiền lành nên khuyên anh cưới vợ. Trớ trêu sao, ngày cưới của người yêu, Mây trở về… Nén nỗi đau vốn chỉ tại chiến tranh, cô trở về bến đò ven sông Châu, làm y tá ở trạm y tế. Quang, chàng bộ đội công binh Mây từng cứu chữa trong chiến tranh nay là kỹ sư cầu đường bắc cầu nối nhịp sông Châu. Vở kịch kết thúc, gợi ra một mối tình đẹp…

Vở kịch là kết quả của giai đoạn 2, chương trình Sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử do Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ và Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều) phối hợp thực hiện. Ở giai đoạn 1, chương trình thể hiện các hoạt cảnh, ca múa và trích đoạn cải lương trong giai đoạn lịch sử 1945-1954, thì ở giai đoạn 2, một vở kịch dài, đậm chất nghệ thuật, được các em học sinh diễn chỉn chu. Em Ngô Trúc Thy, học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), chia sẻ sau khi xem vở kịch: “Các bạn diễn rất hay và xúc động. Em cũng mong muốn có dịp được diễn lại các tác phẩm văn học đã được học”.

Cô Trần Thị Hồng Ngọc, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT An Khánh, cho biết: “Các giáo viên trong tổ đã họp để chọn những tình tiết trong tác phẩm văn học, cách chuyển thể để làm sao người xem dễ hiểu, dễ cảm nhận”. Là diễn viên đảm nhận vai chính trong vở kịch, em Nguyễn Ðỗ Tường Vy, học sinh lớp 11, Trường THPT An Khánh, nói: “Em rất vui và hạnh phúc khi thể hiện được vai Mây trong vở kịch. Ðây là tác phẩm em đã được học năm lớp 10 nên khá tự tin thể hiện. Chỉ có điều, có tuổi tác của em và nhân vật có cách biệt nên em cố gắng hình dung, cảm nhận và tìm đọc nhiều tài liệu để có thể vào vai tốt nhất có thể”.

Bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, cho biết: Ðể có được vở kịch chỉn chu trên sân khấu, thầy cô và hơn 50 học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ và Trường THPT An Khánh đã rất nỗ lực. Các công tác tập huấn kỹ năng chuyển thể, kỹ thuật biểu diễn, dàn dựng chương trình, viết kịch bản, lựa chọn âm nhạc, hóa trang, tư vấn trang phục, đạo cụ, cảnh trí… do giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng - Văn hóa Nghệ thuật đảm nhiệm. Thầy và trò hai trường đã trải qua gần 5 tháng luyện tập, trao đổi. Thời gian tập dợt dài, với lịch học tập và công việc dày; kỹ năng diễn xuất và bản lĩnh sân khấu của học sinh còn hạn chế…; nhưng với tinh thần đam mê, nhiệt huyết, “Người ở bến sông Châu” phiên bản sân khấu kịch đã ra đời. “Những buổi biểu diễn như thế này không chỉ là cơ hội để các em thể hiện tài năng và sáng tạo, mà còn là cơ hội để các em tìm hiểu sâu hơn, yêu thích hơn các tác phẩm văn học, lịch sử của đất nước”, bà Hoài Tâm nhấn mạnh. Ðồng thời, chương trình cũng là dịp để Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ tìm kiếm và phát hiện các tài năng nghệ thuật.

Có thể nói, sau 2 giai đoạn triển khai chương trình Sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử; thành công mang lại rõ nét, thể hiện qua tác phẩm dàn dựng trên sân khấu, sự hào hứng của học sinh. Những tác phẩm văn học, những bài học lịch sử không còn trên giấy mà được chính các em kể lại bằng ngôn ngữ sân khấu và bằng tình cảm, sự thấu cảm cá nhân. Qua đó, các em ghi khắc sâu hơn những kiến thức đã học. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, cho biết: Qua thực tế triển khai chương trình Sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử do Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ và Trường THPT An Khánh thực hiện, sẽ là cơ sở để nhân rộng ở các cơ sở giáo dục trong thời gian tới. Chương trình góp phần thành công trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhất là với môn Ngữ văn và môn Lịch sử, qua đó nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng cho học sinh trong bối cảnh hội nhập.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Other news

Hải Phòng: Diễn tập đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc
(ĐCSVN) - Ngày 26/9, Ban chỉ đạo 35 TP Hải Phòng đã tổ chức Diễn tập đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội năm 2024.
Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một
(ĐCSVN) - Ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ký Quyết định 2787/QÐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Kế hoạch và Dự toán tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS&MN năm 2024 của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Tri ân tấm gương yêu nước của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Nhân dân khắp nơi về thành phố Rạch Giá, nơi có đình thờ Nguyễn Trung Trực để chiêm bái, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân vị Anh hùng dân tộc.
Sớm hoàn thiện, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá
(ĐCSVN) - Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2025-2035 sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Những thanh âm Hà Nội trong sáng tác của Nguyễn Thành Trung
(ĐCSVN) - Với tác phẩm “Thanh âm Hà Nội” giới thiệu tới người yêu nhạc vào ngày 26/9, được phát hành trên nền tảng số của các kênh âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung gửi gắm lời tri ân và tình cảm của mình tới mảnh đất Thủ đô – nơi lắng hồn núi sông ngàn năm – nơi một người con Hà Nội như anh luôn có những hoài cảm trước một Hà Nội đổi thay từng ngày. Đồng thời cũng là món quà âm nhạc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của nhạc sĩ.
Top