Kế hoạch tăng tỷ lệ sinh của Nhật sẽ khả thi?
Trong nỗ lực ngăn chặn đà sụt giảm đáng báo động về tỷ lệ sinh quốc gia, Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch trợ cấp thêm 80.000 yen (592 USD) cho các cặp vợ chồng sinh con. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ thêm tiền thì không đủ để thuyết phục người dân sinh con, trong bối cảnh vật giá leo thang, còn thu nhập thì bấp bênh.
Áp lực kinh tế khiến nhiều người Nhật ngại sinh con.
Hiện tại, các cặp vợ chồng ở Nhật Bản được nhận khoản trợ cấp một lần khi sinh con là 420.000 yen. Mới đây, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này đề xuất tăng mức trợ cấp lên 500.000 yen và dự kiến sẽ được thực thi vào năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1-4-2023. Sáng kiến này được đưa ra sau một loạt báo cáo thống kê đáng lo ngại về dân số. Cụ thể, tổng dân số Nhật năm 2021 ước tính là 125,7 triệu người - giảm mạnh so với mức cao nhất hồi năm 2017 là 128 triệu người. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí The Lancet thậm chí dự đoán dân số Nhật sẽ giảm còn 53 triệu người vào cuối thế kỷ 21.
Trong những thập niên gần đây, người Nhật kết hôn trễ hơn và sinh ít con hơn, mà nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại về tài chính. Theo số liệu công bố hồi giữa tháng 9 từ Bộ Y tế Nhật, chỉ có 384.942 trẻ sơ sinh được sinh ra trong 6 tháng đầu năm 2022, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ này dự đoán rằng tổng số trẻ mới sinh trong cả năm 2022 sẽ ít hơn 811.604 trẻ chào đời năm ngoái và có thể chưa tới mức 800.000 trẻ.
Ðược biết, giới chức khắp xứ hoa anh đào đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khuyến khích người dân sinh con - bao gồm tặng xe hơi và miễn phí thuê nhà ở các vùng nông thôn đang bị sụt giảm dân số nghiêm trọng nhất. Tuy vậy, Giáo sư Noriko Hama tại Ðại học Doshisha cho rằng đây là cách tiếp cận không giúp giải quyết được các vấn đề lớn hơn đối với các cặp vợ chồng trẻ. Chẳng hạn, bà Hama chỉ ra rằng Nhật Bản vốn thiếu các nhà trẻ trông con cho các bậc phụ huynh đang đi làm, trong khi chi phí tham gia các sự kiện ở trường học và các đội nhóm khác cho trẻ cũng khá tốn kém. Ngoài ra, chi phí học đại học có thể là một gánh nặng lớn với các gia đình. Trong khi đó, mức lương hầu như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua và chi phí sinh hoạt tăng lên cùng với lạm phát đang trở thành áp lực kinh tế lớn đối với họ.
NGUYỆT CÁT (Theo DW)