Thứ bảy, 27/04/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Nhạc sĩ Trịnh Hùng: Lời nhạc cũng là tiếng lòng

Nhạc sĩ Trịnh Hùng. Ảnh: Quế Lâm

Nhạc sĩ Trịnh Hùng. Ảnh: Quế Lâm

Dạt dào tình yêu quê hương, đất nước

Nhạc sĩ Trịnh Hùng đi vào con đường nghệ thuật từ đội măng non xã Tân Phú (năm 1961). Năm 1962, anh thoát ly theo Đoàn Văn công Giải phóng miền Nam ở R (Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam). Ở đây, anh được nhạc sĩ Vũ Thành dạy violon, để rồi 2 năm sau đó, anh trở thành nhạc công cho chính Đoàn văn công này đến năm 1970.

Cũng từ năm 1970, những đóng góp của anh cho văn học - nghệ thuật (VHNT) chuyển sang một hướng mới khi được Đoàn Văn công giải phóng miền Nam cử ra miền Bắc trị bệnh và học tập. Thời gian này, anh học trường Âm nhạc Việt Nam do thầy Bích Ngọc dạy violon. Năm 1977, anh về Long An và gia nhập Đoàn ca múa Long An. Chỉ chưa đầy 1 năm, anh được đề bạt làm Phó Trưởng đoàn, đến năm 1982 thì đoàn này giải thể.

Năm 1983, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh thành lập. Anh được phân công về đây cùng với nhà thơ Đinh Thị Thu Vân và một số nhà thơ, nhà văn khác. Có thể nói, dù ở vị trí nào, hoàn cảnh nào, nhạc sĩ Trịnh Hùng vẫn luôn “cháy hết mình”, cống hiến cho sự nghiệp VHNT của tỉnh. Chính vì điều đó mà từ năm 1990-1997, anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh; từ năm 1998-2008 làm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh. Sau đó, anh nghỉ hưu và được giao nhiệm vụ mới là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh.

Nhạc sĩ Trịnh Hùng sáng tác khoảng 100 tác phẩm, phần lớn mang âm hưởng dân ca với giai điệu tự hào, sâu lắng, mượt mà,… Anh sáng tác là để trải lòng mình với vạn vật, cỏ cây quê hương mình, để qua đó mong mọi người yêu quê hương Long An và đất nước hơn. Điều này thể hiện qua ca khúc Con đường tình yêu và miền đất mới với những giai điệu “Miền đất yêu thương rừng tràm xanh bát ngát. Đường mới thênh thang gợi nhớ bao ngày. Đường xe qua đồng xanh cây lúa. Yêu quê mình, càng yêu những con đường…”. Ca khúc ra đời khi tỉnh Long An chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười, tiến hành đắp Tỉnh lộ 49, nay là Quốc lộ 62. Hay ca khúc Con đường quê có đoạn: “Ôi những con đường về khắp những miền quê. Đường ta mới xây về cánh đồng lúa vàng…”.

Về đề tài lịch sử, anh cũng có nhiều tác phẩm đi vào tâm tư, tình cảm bao thế hệ như ca khúc Khúc hát quê hương ca ngợi Bà Hoàng hậu đỏ - Anh hùng Nguyễn Thị Bảy, người con của quê hương Cần Giuộc. Nhạc sĩ Trịnh Hùng nhớ lại: “Khi đến thăm Cần Giuộc và thăm ngôi trường mang tên Anh hùng Nguyễn Thị Bảy, thăm nơi chị bị xử bắn, cảm xúc trào dâng trong tôi”. Và chỉ trong buổi sáng, nhạc sĩ Trịnh Hùng đã sáng tác được 4 câu nhạc, với câu mở đầu: “Ngày xưa ấy có người con gái, vì yêu quê hương hiến trọn đời mình. Ngàn đời sau vẫn còn nhắc mãi gương chị Bảy anh hùng người cộng sản kiên trung…”, đến ngày hôm sau thì anh hoàn thành ca khúc này. Bài hát này đoạt Huy chương Vàng trong một hội diễn văn nghệ của tỉnh, được nhiều người hát và đã trở thành bài hát truyền thống của quê hương Cần Giuộc.

Với tình yêu đôi lứa, ca khúc Hãy đến với em ra đời với giai điệu mượt mà, sâu lắng và cũng đầy chất thơ, lãng mạn:

Bao giờ anh đau khổ hãy tìm đến với em

Chút hương đời dịu ngọt hòa trong mảnh thơ riêng

Đâu chỉ có mùa xuân mới vàng hoa rực rỡ

Đâu chỉ riêng mặt trời xua tan đi giông tố…

Đoạn mở đầu ca khúc Hãy đến với em do nhạc sĩ Trịnh Hùng phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Song Hảo thật dạt dào cảm xúc! Theo nhạc sĩ Trịnh Hùng kể, trong một lần tình cờ đọc Báo Văn nghệ tỉnh Vĩnh Long, anh bắt gặp bài thơ Hãy đến với em của nhà thơ Song Hảo, cảm thấy hay và lạ.

Tuy nhiên, lúc đó, anh chưa tiếp cận nhiều đề tài về tình yêu lứa đôi nên chưa mạnh dạn sáng tác. “Nhưng rồi sau này, tự nhiên mình khoái, mình thích đề tài tình yêu, nhất là khi bắt gặp được chất âm nhạc trong bài thơ. Thế là, bài thơ được phổ nhạc” - nhạc sĩ Trịnh Hùng nói vui.

Khi sáng tác là được trải lòng mình

Khi hỏi về sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Trịnh Hùng bộc bạch: “Mình vẫn còn muốn sáng tác, vì khi sáng tác là được trải lòng mình”. Anh cho biết đang hoàn thành vài tác phẩm để tham gia liên hoan nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Và khi hỏi về lực lượng sáng tác trẻ, đội ngũ kế thừa của tỉnh hiện nay như thế nào, nhạc sĩ Trịnh Hùng cho biết: “Hiện nay, có nhiều nhạc sĩ trẻ có kiến thức, tâm huyết và yêu nghề như Thanh Hải, Lê Long Phiên, Tuấn An,...Tôi tin rằng, các nhạc sĩ trẻ này sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm tốt, hay, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và sự phát triển của đất nước, trong đó có Long An”.

Nhạc sĩ Trịnh Hùng bộc bạch: “Mình vẫn còn muốn sáng tác, vì khi sáng tác là được trải lòng mình”. Ảnh: Thùy Hương

Nhạc sĩ Trịnh Hùng bộc bạch: “Mình vẫn còn muốn sáng tác, vì khi sáng tác là được trải lòng mình”. Ảnh: Thùy Hương

Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Trịnh Hùng còn làm thêm những công trình khác, coi như “nghề tay trái” nhưng cũng đạt kết quả cao và được người dân đón nhận, được các nhà xuất bản in và phát hành trên toàn quốc. Các công trình như 500 câu hát đưa em, sau đó là 1.000 câu hát đưa em, tiếp sau đó là công trình Những câu hò trên quê hương Long An.

Đây là những công trình do anh lặn lội xuống tận vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, gặp các mẹ, các chị và những nghệ nhân dân gian ghi chép tỉ mỉ, đối chiếu và tham khảo nhiều nguồn  rồi gửi đến cơ quan chức năng thẩm định. Có thể nói, đây là tư liệu quý giá về thơ ca dân gian ở Long An mà nhạc sĩ Trịnh Hùng đã dày công đúc kết lại.

Với nhạc sĩ Trịnh Hùng, hạnh phúc của người làm văn hóa, văn nghệ là “khi nhắm mắt xuôi tay còn để lại tác phẩm cho đời…”. Quả đúng như vậy, đối với anh, anh không chỉ cống hiến bằng cả quá trình công tác miệt mài, những sáng tác đầy sáng tạo mà còn để lại các công trình văn nghệ dân gian, nhất là một số ca khúc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, sống mãi với thời gian./.

Việt Sơn

"Tuần lễ Đan Mạch - Các giải pháp thành phố bền vững" ở Việt Nam

(ĐCSVN) – Từ ngày 12 - 17/12/2017, Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam sẽ khởi động một loạt sự kiện dưới chủ đề "Tuần lễ Đan Mạch - Các giải pháp thành phố bền vững" tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

"Tuần lễ Đan Mạch - Các giải pháp thành phố bền vững" ở Việt Nam

(ĐCSVN) – Từ ngày 12 - 17/12/2017, Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam sẽ khởi động một loạt sự kiện dưới chủ đề "Tuần lễ Đan Mạch - Các giải pháp thành phố bền vững" tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm việc tại Hà Nam

Ngày 8/12, Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

(ĐCSVN) - Ngày 8/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì (lần thứ hai) cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

Nghiên cứu mở tour du lịch kết nối Lăng Bác với các điểm di tích

(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Lăng và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc mở một tour du lịch, với trung tâm là Lăng Bác, kết nối với các điểm di tích có giá trị trong khu vực như Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích K9 để người dân có điều kiện tham quan, viếng Bác.
Top