Ra mắt cuốn sách “Ngô Văn Dụ - Người Làng Rau”
Chiều 27/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn chính thức giới thiệu ra mắt cuốn hồi ký “Ngô Văn Dụ - Người Làng Rau” được sáng tác bởi nhà văn, nhà thơ Trần Quang Quý.
Dự Lễ ra mắt cuốn hồi ký có đồng chí: Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.
Cuốn sách “Ngô Văn Dụ - Người Làng Rau” viết về cuộc đời thời tuổi trẻ (từ lúc nhỏ tới năm 36 tuổi) của đồng chí Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Dưới ngòi bút tài hoa của một nhà văn lão luyện trong nghề, chân dung trong quá khứ một cán bộ lớn của Đảng hiện lên sinh động, chân xác, đẹp đẽ nhưng vẫn vô cùng bình dị, gần gũi. Cuốn sách giúp độc giả biết về cuộc đời đồng chí Ngô Văn Dụ với những mốc quan trọng, bắt đầu từ tuổi thơ, học phổ thông, đến học đại học Kinh tế Quốc dân, ra giảng dạy, trải qua hơn 10 năm làm người lính Trường Sơn từ 1973 đến 1983, ra quân về công tác tại Bộ Nông nghiệp.
Cuốn hồi ký ghi lại từ tuổi lên ba, lên bốn ông đã ngồi thúng mẹ gánh tản cư chạy giặc Pháp. Sáu tuổi mồ côi cha. Nhà và làng bị Pháp dốt trụi, phải đi ở nhờ lều tranh nhà hàng xóm. Mẹ đồng chí Ngô Văn Dụ - người mẹ tảo tần khi ấy mới 39 tuổi, gia đình bên nội, bên ngoại, họ hàng thân thích đều ở xa và mẹ đã ở vậy một mình, tảo tần ruộng vườn, chạy chợ, rau cháo nuôi bốn anh em trai ông nên người.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, nhưng những năm học cấp I,II,III trường Trần Phú, Vĩnh Yên, rồi đại học Kinh tế Quốc dân nơi sơ tán ở Tân Yên, Bắc Giang là quá trình vượt qua mặc cảm nghèo khó, thể lực, những chuyện buồn của gia đình,…đồng chí Ngô Văn Dụ vẫn bền bỉ, vững tin vào bản thân mình, có ý chí vươn lên trong học tập, liên tục là học sinh giỏi các cấp. Đặc biệt năm lớp 10 (năm cuối cấp III hệ 10/10 lúc bấy giờ), ông giành giải Nhất thi giỏi môn Văn tỉnh Vĩnh Phúc, luận văn tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân đạt loại xuất sắc.
Tuổi thơ và tuổi trẻ đầy mơ ước của đồng chí Ngô Văn Dụ, đã góp phần hun đúc nên những phẩm chất lớn của đồng chí sau này. Cuốn sách không chỉ làm hiện rõ chân dung một con người sớm có lý tưởng sống, có nghị lực và ý chí vươn lên ngay từ tuổi học trò, mà còn cho thấy một Ngô Văn Dụ có đời sống tâm hồn phong phú, lãng mạn và hồn hậu. Qua hồi ký bạn đọc sẽ được biết, ngay từ thời học cấp III, bạn bè đã gọi ông là “nhà văn trẻ”, với những lời chúc ông trở thành “nhà văn tương lai”. Tuy nhiên, vì sự nghiệp và những nhiệm vụ to lớn của cách mạng, ông đã phải quên đi nhiều ước vọng thời tuổi trẻ. Tuy không trở thành nhà văn nhưng cả quá trình sống, từ cậu học sinh, sau này thành sinh viên đến khi là người lính đường ống xăng dầu Trường Sơn gian khổ những năm cuối của chiến tranh, đặc biệt sau giải phóng lại ở đơn vị bộ đội làm kinh tế lâm nghiệp, trồng cà phê, kết hợp hợp với tiễu trừ Phun-rô và bảo vệ biên giới Tây Nam,.. vô cùng khó khăn, ông vẫn giữ được cho mình một tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thương đồng đội, sống có trách nhiệm, có tình, nhân hậu với bạn bè, đồng nghiệp.
Cuốn sách “Ngô Văn Dụ - Người Làng Rau”, sự bình dị của cái tên sách cho thấy, ngay cả khi đã trở thành người cán bộ lãnh đạo, Ngô Văn Dụ vẫn luôn rất gần với bạn đọc, luôn đồng hành cùng nhân dân mà ông đã gắn bó suốt cuộc đời.
Tại lễ ra mắt, Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: Văn học Việt Nam trong vài thập niên gần đây xuất hiện một mảng hồi ký, nhật ký, tự truyện, ký chân dung thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của bạn đọc. Nhiều cuốn hồi ký thực sự là nguồn sử liệu quan trọng cho các thế hệ mai sau khi tìm hiểu về cuộc đời đấu tranh oanh liệt của cha anh. Không ít cuốn hồi ký đã mang đến cho bạn đọc sự hiểu biết sâu rộng về thời cuộc, lịch sử và đất nước. Đóng góp của mảng sách này cho văn học nói riêng và cho cuộc sống nói chung là điều rất đáng được ghi nhận./.