Sữa lạc đà “lên ngôi” tại Kenya
NGUYỆT CÁT (Theo CNN)
Mặc dù trà có thể là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Kenya, nhưng cà phê sữa lạc đà - thức uống pha chế từ cà phê và sữa lạc đà - là loại thức uống mới đang được yêu thích tại quốc gia này.
Cà phê sữa lạc đà được ưa chuộng vì là thức uống tốt cho sức khỏe.
Tại nhà hàng nổi tiếng CJ ở trung tâm thủ đô Nairobi, quản lý Omar Shariff nhận thấy ngày càng có nhiều người chọn sữa lạc đà, vì thế ông đã bổ sung các món mới chứa thành phần sữa lạc đà như “camel-ccino” và “camelatte”, đồng thời có kế hoạch giới thiệu các món ăn khác như bánh mì kẹp thịt lạc đà. Shariff cho biết xu hướng khách hàng ưa chuộng sữa lạc đà ngày một tăng - bao gồm những người có ý thức về sức khỏe - đã thúc đẩy các cơ sở như CJ phục vụ loại sữa này. Ông nói: “Chúng tôi có nhiều khách - từ huấn luyện viên thể dục cho đến chuyên gia dinh dưỡng - nói rằng họ đã tìm thấy rất nhiều điều thú vị và lợi ích sức khỏe của sữa lạc đà”.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, sữa lạc đà chứa lượng vitamin C cao gấp 3 lần sữa bò. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy loại sữa này giúp làm giảm mức cholesterol và cải thiện rối loạn tiêu hóa. Mặt khác, giữa lúc phần lớn miền Ðông châu Phi tiếp tục hứng chịu hạn hán kéo dài và khắc nghiệt hơn, sữa lạc đà cũng nổi lên như một nguồn thực phẩm thay thế thân thiện với khí hậu. Khác với bò và cừu, lạc đà có thể đi 100 dặm mà không cần uống nước và có thể duy trì thân nhiệt mát mẻ khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 48 độ C. Ðặc điểm này giúp bảo vệ cơ thể lạc đà trong thời tiết khô hạn và giúp chúng tiếp tục tạo ra sữa.
Ðược biết, châu Phi là nơi sinh trưởng của 80% số lạc đà trên thế giới, trong đó khoảng 60% sống tại khu vực Ðông Phi. Riêng tại Kenya, số lạc đà được thả nuôi là hơn 4 triệu con, tăng gấp 4 lần kể từ năm 1999 - theo Hiệp hội Lạc đà Kenya. Sữa lạc đà được tiêu thụ khắp thế giới - nhiều ở Trung Ðông, một số vùng ở châu Á và Úc, nhưng phổ biến nhất là ở Ðông Phi. Gần đây, mối quan tâm về sữa lạc đà bắt đầu tăng trên toàn cầu, khiến giá sữa cũng tăng theo, đến nỗi nhiều người ví loại sữa này như là “vàng trắng”. Ông David Hewett, quản lý trang trại của Trung tâm Nghiên cứu Mpala (Kenya), cho biết: “Sữa lạc đà trên thị trường quốc tế cực kỳ có giá. Nửa lít sữa thành phẩm có giá từ 10-20 USD, trong khi giá nửa lít sữa bò thông thường ở Mỹ chỉ vào khoảng 50 xu”.
Tuy sữa lạc đà lâu nay là mặt hàng chủ lực hằng ngày đối với người dân khắp vùng, nhưng sản phẩm này chưa được đưa vào chuỗi cung ứng chính thức trên thị trường, mà thường chỉ được mua bán ở các chợ trời của Kenya. Dù vậy, chuyên gia Khalif Abey thuộc Hiệp hội Lạc đà Kenya cho biết sữa lạc đà đóng góp 10-12 tỉ shilling Kenya (khoảng 90-108 triệu USD) hằng năm cho nền kinh tế. Nếu có cơ sở hạ tầng thích hợp, ngành này có thể đạt giá trị 200 triệu USD mỗi năm và mang lại thu nhập cho từ 10-12 triệu gia đình có sinh kế dựa vào lạc đà ở miền Bắc Kenya. Ngoài hạn chế về đường sá, thì thiếu thốn cơ sở hạ tầng và kho lạnh phục vụ cho sản xuất quy mô lớn và phân phối sữa là những thách thức lớn của nước này. Hơn nữa, với mạng lưới trang trại gia đình quy mô nhỏ lẻ, việc phát triển ngành công nghiệp sữa hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài cũng gặp một số trở ngại nhất định, chẳng hạn như tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và kiểm soát dịch bệnh.
Hiện tại, nhà nông Kenya vẫn đang nỗ lực tìm cách đưa sữa lạc đà đến gần hơn với đại chúng, từ tạo ra sữa chua đến các loại cà phê làm từ sữa lạc đà, như “camel-ccino” và “camelatte”. Ðối với White Gold Camel Milk - một trong những nhà sản xuất sữa lạc đà lớn nhất Ðông Phi, cơ hội tăng trưởng của ngành này rất lớn. Do đó, công ty đã và đang tạo ra thêm nhiều sản phẩm mới - như sữa lạc đà có hương vị và sữa chua - để đáp ứng nhu cầu thị trường.