31/10/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Thủ tướng Anh trước sức ép từ chức khi bầu cử châu Âu đang tới gần

Trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May hiện cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi người đứng đầu chính phủ Anh.

Dù khả năng Anh tham gia các cuộc bầu cử châu Âu sắp tới vẫn chưa rõ ràng, song một số đảng phái, trong đó có đảng mới được thành lập mang tên “Thay đổi nước Anh”, có tư tưởng chống Brexit cũng đang rậm rịch chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Cuộc bầu cử được xem là phép thử quan trọng đối với Thủ tướng Anh, trong bối cảnh bà Theresa May tới nay vẫn chưa thể đạt được một lộ trình rõ ràng cho việc Anh rời Liên minh châu Âu và một lần nữa phải đối mặt với những yêu cầu từ chức. 

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Sky News
Một tháng trước cuộc bầu cử châu Âu, dự kiến vào ngày 23/5 tới, đảng Thay đổi nước Anh, có lập trường ủng hộ châu Âu và do những nhân vật “nổi loạn” trong cả đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đang đối lập thành lập nên, hôm 23/4 đã công bố danh sách các ứng cử viên tại thành phố Bristol, miền Tây nước Anh.

Những cái tên được nêu trong danh sách này khá đa dạng, thuộc đủ thành phần từ nghị sĩ Bảo thủ Rachel Johnson đến cựu Ngoại trưởng Boris Johnson ủng hộ Brexit cứng hay cựu phóng viên BBC Gavin Esler...

Lãnh đạo lâm thời đảng Thay đổi nước Anh Heidi Allen tuyên bố: “Với một Quốc hội bế tắc và các cuộc bầu cử châu Âu đang tới gần, chúng tôi ở đây để nói rằng, chúng tôi đã sẵn sàng. Bởi những cuộc bỏ phiếu này là cơ hội để gửi đi thông điệp rõ ràng nhất. Chúng tôi yêu cầu một cuộc bỏ phiếu của nhân dân và mọi người vẫn có quyền lựa chọn ở lại Liên minh châu Âu”.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 23/4 của Hội đồng các Bộ trưởng vẫn tin tưởng có thể giúp nước Anh không phải tham gia những cuộc bầu cử này, với nỗ lực thúc đẩy Nghị viện thông qua thỏa thuận chia tay từ nay tới ngày 22/5. Từ đầu tháng này, bà May đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập nhằm tìm kiếm một sự thỏa hiệp. Các cuộc thảo luận đã được nối lại ngày hôm qua sau hơn 10 ngày tạm nghỉ. Tuy nhiên, không một đột phá nào đạt được.

Cũng giống như những lần trước đó, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn trách cứ chính phủ không chịu bỏ qua “những giới hạn đỏ”, dù đã bị Nghị viện bác bỏ tới 3 lần. Theo phó Thủ tướng David Lidington, nếu không thể tìm ra giải pháp, Chính phủ sẽ đề xuất một loạt lựa chọn về Brexit, trong đó có đề xuất bắt buộc Nghị viện phải đưa ra một lựa chọn thay vì bỏ phiếu chống lại tất cả.

Về phía đảng Bảo thủ, mọi con mắt hiện đều đổ dồn về Ủy ban 1922, chịu trách nhiệm về tổ chức nội bộ của đảng. Theo báo chí Anh, ủy ban này sẽ sớm nhóm họp để thảo luận về sự ra đi của Thủ tướng Theresa May. Tuy nhiên, yêu cầu bà Theresa May từ chức ngay lập tức chỉ có thể đạt được nếu Ủy ban 1922 thông qua một sửa đổi về quy tắc. Bởi hồi cuối năm ngoái, bà Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng, đồng nghĩa với việc bà có thêm thời hạn 12 tháng trước khi có thêm bất kỳ nỗ lực mới nào hòng buộc bà phải từ chức.

Hiện trong đảng Bảo thủ, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi người đứng đầu chính phủ đang trở nên cấp bách hơn lúc nào hết./.

Thu Hoài/VOV.VN

Top