Thứ năm, 16/05/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Con đò trôi xuôi 

Trên đường từ thành phố trở về Phú Linh, anh cứ nghĩ con đò xưa đã không còn, thay vào đó là xe cộ nườm nượp đôi bờ được làm đường thông thoáng.

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy

 

Trên đường từ thành phố trở về Phú Linh, anh cứ nghĩ con đò xưa đã không còn, thay vào đó là xe cộ nườm nượp đôi bờ được làm đường thông thoáng. Qua điện thoại, anh nói về nỗi nhớ con đò với Sang. Cô bé cười. Sang cũng sắp vào đại học. Lúc Sang còn nhỏ hay đòi anh cõng ra bờ sông bắt cào cào. Giờ tiếng cười của Sang vẫn trong trẻo không khác gì ngày em còn nhỏ. Sang nói: “Chừng nào anh về thì biết”.

Anh xuống xe. Chiều mưa lất phất. Bến đò vẫn còn.

- Cô ơi, có đò dọc về Phú Linh không cô? - Anh hỏi một người phụ nữ chắc cũng đang đợi đò.

- Có con! Ðợi chút đi. Ðò sắp đến rồi.

Anh gật đầu thay lời cảm ơn. Mưa không đủ làm ướt áo. Nhưng gió lạnh. Một cảm giác lạ đang len lỏi trong tâm hồn anh, có chút vui, chút buồn, cả chút chạnh lòng của kẻ bấy lâu xa cách, lúc nào cũng hoài nhớ
cố hương.

***

Ðò chầm chậm trôi.

Anh ngồi trên đò, phía bên kia là người phụ nữ lúc nãy cùng anh đợi đò trên bến. Anh mông lung suy nghĩ. Những tưởng chuyến đò dọc đưa anh đến trường mỗi ngày hơn mười năm trước giờ đã không còn. Nhưng không, đò vẫn chạy ngày hai chuyến qua lại trên dòng sông này. Xuôi về Phú Linh.

Cô gái đi đò cùng anh, ngồi ở phía trước, thi thoảng ngoái lại nhìn. Thấy cô bé có đôi mắt hồn nhiên, đoán nhỏ tuổi hơn mình, anh đùa: “Cô bé sao nhìn tôi hoài vậy? Bộ thấy quen hả?”. Cô bé trả lời: “Dạ, quen lắm! Hình như anh ở Phú Linh, phải không?”. Anh ngạc nhiên: “Tôi người Phú Linh, còn em?”. “Em học trường huyện, dưới anh hai khóa. Lúc anh học mười hai thì em học lớp mười. Chúng ta hay đi cùng chuyến đò...”.

Nghe cô bé nói vậy, chuyến đò xưa sượt ngang qua tâm trí của anh. Khi đó, đôi bờ con sông rực đỏ màu
hoa phượng.

Mãi nói chuyện thì đò đã vào đoạn sông chảy ngang qua đất Phú Linh. Ở đây sông chảy chậm hơn, đôi bờ phượng đã tàn hoa. Những gốc cây sừng sững với thời gian chứng kiến người ta dựng nhà, xây cầu, làm đường bê tông. Phú Linh khoác lên mình tấm áo mới. Chủ đò nói to: “Ai lên Phú Linh?”. Anh đứng dậy bước ra. Nước sông tạt vào người anh lành lạnh. Anh gật đầu chào cô gái và những người đi cùng chuyến đò dọc. Trước lúc bước ra mũi đò lên bến, anh còn kịp hỏi tên cô gái. Em là Phương, làm y tá ở trạm y tế xã. “Hẹn gặp lại” - Anh đứng trên bến nói. Chắc gió bạt mất lời anh nói khiến Phương không nghe thấy.

***

Ra đón anh là Sang và mấy đứa trẻ gần nhà.

- Má anh đòi ra đón anh nhưng em không cho. Chân má yếu lắm, nhức hoài. Ði bộ ra đây chắc chút nữa anh phải cõng về… - Sang cười.

Sang là cô bé hàng xóm nhưng thân với gia đình anh như ruột thịt. Lúc anh xa nhà, Sang vẫn thường sang nhà chăm sóc, trò chuyện với má. Anh gửi tiền về cho Sang, nói Sang mua cho má cái điện thoại được được, chủ yếu là có thể gọi thấy hình. Sang dắt má ra chợ huyện, mà má không chịu mua. Má nói chừng nào anh điện cho Sang thì chạy qua kêu má, má nghe.

Mấy anh em cùng về nhà. Ðường không xa. Qua mấy cánh đồng là đến. Anh nhìn ngắm đồng quê thanh bình, mấy cây rơm sừng sững sau mùa suốt lúa. Mưa lâm thâm, không ướt nhưng đủ khơi những kỷ niệm trong sâu thẳm lòng anh. Cũng đã nhiều năm rồi, kể từ ngày anh nhận được học bổng du học. Làm việc ở nước ngoài vài năm, anh xin chuyển công tác về nước. Ngày về, anh đón má lên nhà anh ở thành phố. Má chịu lên với điều kiện: “Cho Sang cùng lên thành phố cho biết, chừng nữa đi học nó khỏi bỡ ngỡ. Giờ Sang đang nghỉ hè”. Dù vậy, ở với anh không bao lâu thì má đòi về quê vì nhớ nhà. Khi đó Sang vẫn chưa hết kỳ nghỉ hè.

Chuyến này anh về, má mừng rưng rưng nước mắt. Không phải anh quên hay không muốn về quê mình, mà vì guồng quay phải luôn vươn lên giữa xứ người, đã kéo anh mỗi ngày một xa cái mảnh đất Phú Linh. Quãng thời gian xa cách không quá dài nhưng đủ để làm thay đổi một vùng quê, thay đổi một con người. Anh đã lang thang ở đâu trong chừng ấy năm?

- Chuyến này con về ở được
bao lâu?

Anh dụi đầu vào má.

- Chừng nào má đuổi thì con đi.

Má cười:

- Cha bây! Má chỉ mong bây ở lại càng lâu càng tốt...

Má làm cho anh ăn đủ món ngon, toàn những món quê năm xưa đã nuôi anh khôn lớn. Ba mất rồi, chỉ còn mỗi mình má. Cánh chim trời đã bay về tổ ấm sau bao năm cánh đã mỏi, chân đã chùn…

***

Anh, Sang và đám con nít rủ nhau ra bờ sông chơi.

Dòng sông chảy ngang qua đất Phú Linh đêm ngày vẫn rào rạt nước. Khi đám con nít mải mê tìm cỏ non bắt cào cào, đợi đò dọc về ngang để ngắm những lớp sóng nhấp nhô khỏa vào hai bờ đất, anh hỏi Sang:

- Em còn nhớ cô chủ đò dọc mà hồi xưa anh hay kể cho em nghe không?

- Nhớ chứ! Ngày đó anh tương tư người ta, còn lén má viết thư nhưng không dám gửi… Nhát như thỏ đế!

Sang cười, nhưng anh đang chìm đắm trong một nỗi buồn chỉ một mình anh hiểu.

- Không biết cô chủ đò dọc giờ sao rồi. Anh về chuyến này, định bụng…

Anh chưa kịp nói hết lời thì Sang đã cắt ngang:

- Cô ấy đã có chồng rồi! Năm ngoái, ngay mùa phượng nở. Nhà chồng cổ ở bên kia kìa, anh thấy không?

Vừa nói, Sang vừa chỉ tay qua cái bến bên kia sông. Ở đó có những chiếc áo mới được đem ra phơi trong nắng, sắc xanh, đỏ, tím, vàng… loang loáng cả bờ sông, loáng cả mắt anh.

Anh vẫn nhớ tháng năm nào đó xa xưa anh đem lòng thương mến cô gái chạy đò dọc. Cô không đi học, nhưng cô đã đưa những chuyến đò, trên đò có những người học trò nghèo áo trắng đến trường, viết tiếp ước mơ… Rồi từ chuyến đò năm xưa, từ bến sông quê mùa hè lại nở đầy hoa phượng, biết bao người đi xa lập nghiệp, bao người xa xứ nỗ lực để thành công, sau lưng là cố hương thương nhớ từng ngày. Ðến khi trở về, vừa vui vừa buồn khi đời người thay đổi. Như một dòng sông trôi. Chỉ có đôi bờ rực màu hoa phượng vẫn vẹn nguyên trong ký ức...

63 tỉnh, thành tổ chức Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(ĐCSVN) - Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019 sẽ được tổ chức tại tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại cho đội ngũ cán bộ Tuyên giáo

(ĐCSVN) - Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ Tuyên giáo cơ sở để tuyên truyền, vận động tổ chức cơ sở đảng, đến nhân dân về tầm vóc, vị thế của đất nước trong tình hình thế giới hết sức biến động.

Tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại cho đội ngũ cán bộ Tuyên giáo

(ĐCSVN) - Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ Tuyên giáo cơ sở để tuyên truyền, vận động tổ chức cơ sở đảng, đến nhân dân về tầm vóc, vị thế của đất nước trong tình hình thế giới hết sức biến động.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng thi đua thực hiện văn hóa công sở

(ĐCSVN) - Nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ, công chức, viên chức Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng là chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức lối sống…

Nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lai Châu

(ĐCSVN) - Chương trình kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh sẽ diễn ra tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu vào tối 5/10. Bên cạnh đó là các chương trình biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên và Sìn Hồ; triển lãm “Lai Châu trên con đường phát triển”...
Top