Chủ nhật, 19/05/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Ngành sản xuất phim trước những thách thức từ AI 

BẢO LAM (Tổng hợp từ Time, Collider, Hollywoodreporter)

Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế  mà trí tuệ nhân tạo (AI) đem đến cho ngành sản xuất phim Hollywood, nhưng những nguy cơ và tranh cãi do AI cũng nhiều không kém...

Phim ngắn "Helmet City" do Jahmel Reynolds sử dụng công cụ AI tạo nên.

Đạo diễn Marvel Joe Russo dự đoán trong hai năm nữa AI sẽ làm được phim. Thực tế, các nhà làm phim đã thử nghiệm năng lực sáng tạo nhân vật điện ảnh của AI và đạt thành công ngoài mong đợi. Đạo diễn Martin Haerlin cho biết ông chỉ dùng 3 ngày để thực hiện video "Me in AI". Trong video, Martin Haerlin từ hình tượng một quý tộc Anh thoắt biến thành con vượn biết nói hay nữ võ sĩ MMA trong vài giây. Tháng 8 vừa qua, các nhà làm phim cũng thử vận dụng AI để sáng tạo một phim dài 12 phút. Còn các phim sắp chiếu như "Captain America: Brave New World", "The Residence" đều có sử dụng AI.

Các công ty công nghệ đã phát triển nhiều AI chuyên dụng cho sản xuất phim như: Runway, Stability AI… Theo đó, các nhà làm phim chỉ cần nhập những câu lệnh văn bản là có thể tạo ra tất cả các loại hình ảnh thực tế để sản xuất phim. Việc này có lợi trong khâu sản xuất, nhất là những phim cần bối cảnh rộng, người đông; giúp giảm chi phí thuê diễn viên đóng vai quần chúng.

AI cũng được cho rằng mang lại nhiều lợi ích cho các nhà làm phim độc lập. Đạo diễn Haerlin sử dụng AI Runway và Elevenlabs để quay hình ảnh ông tại nhà, sau đó đưa đoạn phim vào Runway, yêu cầu AI đưa ông vào các khung cảnh lịch sử hoặc khoa học giả tưởng. Điều này giúp ông dễ hình dung trong xây dựng câu chuyện mà không phải chịu áp lực từ đoàn phim, nhà sản xuất. Tương tự, nhà làm phim Jahmel Reynolds cũng sử dụng AI để làm phim ngắn "Helmet City". Với Stable Diffusion và Runway, Jahmel Reynolds đã tạo ra những cảnh giả tưởng: những người máy khổng lồ, các băng đảng...

Thực ra, trước khi có các công cụ AI, Hollywood đã sử dụng CGI - kỹ thuật đồ họa vi tính truyền thống, để thay đổi ngoại hình của diễn viên. Công nghệ CGI thời điểm đó rất được chào đón bởi có thể làm những việc không tưởng. Ví như có thể tái hiện hình ảnh Carrie Fisher trong vai Công chúa Leia trong các phim "Star Wars", dựa trên những dữ liệu quay trước khi Carrie Fisher qua đời năm 2016. CGI cũng đã tạo nên những thước phim ấn tượng trong "Avatar". Tuy nhiên, CGI có quy trình phức tạp, kỹ thuật cao, chi phí đắt đỏ. Với AI hiện nay, mọi việc trở nên đơn giản, tốn ít thời gian và chi phí. Đó chính là lý do Nikola Todorovic và Tye Sheridan đồng sáng lập AI Wonder Dynamics để hỗ trợ các nhà làm phim nhỏ, độc lập.

Nikola Todorovic, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Wonder Dynamics, nói: "Với trường hợp của Carrie Fisher cần có một hãng làm kỹ xảo, ngân sách khổng lồ và hàng ngàn nghệ nhân đứng sau. Nhưng giờ AI có thể giải quyết nhiều thứ. Đó là lý do nhiều hãng phim yêu cầu quét hình ảnh diễn viên một lần". AI Wonder Dynamics cho phép người dùng quay một cảnh, sau đó thay thế diễn viên trên màn hình bằng một nhân vật khác, bất kể là nhân vật hoạt hình hay người ngoài hành tinh. Nhân vật đó bắt chước chuyển động, thậm chí cả nét mặt của diễn viên. AI Wonder Dynamics được sáng lập nhằm trao sức mạnh cho các nhà làm phim độc lập để họ có thể mơ lớn hơn, tạo ra những thế giới như "Avatar" hoặc "Ready Player One" mà không cần ngân sách lớn.

Sự ra đời của AI giải quyết nhiều vấn đề trong sản xuất phim nhưng cũng tạo nhiều nguy cơ. Rõ ràng nhất là các công cụ AI đang đe dọa sinh kế của diễn viên. Chính điều đó đã tạo nên những cuộc đình công của diễn viên từ mấy tháng nay. Fran Drescher, chủ tịch SAG-AFTRA, nói rằng các hãng phim muốn sử dụng công nghệ AI thay cho việc trả lương diễn viên toàn thời gian. Về mặt nào đó, những vai diễn phụ có khả năng bị thay thế bởi AI, nhưng những vai diễn này lại là cơ hội để các diễn viên trau dồi kỹ năng, tạo đột phá trong sự nghiệp, bên cạnh việc kiếm tiền. Việc sử dụng AI quá nhiều có thể gián tiếp làm mất đi những tài năng tương lai. Nhà làm phim Jahmel Reynolds nói: "AI tuyệt vời và cho người như tôi có quyền năng. Nhưng mặt trái là các công ty lớn hơn sử dụng nó để có lợi nhất cho họ, theo cách không công bằng cho các diễn viên". Kể cả Nikola Todorovic, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Wonder Dynamics, cũng cho rằng: "Công nghệ của Wonder Dynamics với mục đích cuối cùng là diễn xuất của diễn viên vẫn đóng vai trò trung tâm. Chúng tôi không muốn tham gia vào việc xây dựng một tương lai mà các diễn viên ngồi nhà, cấp phép sử dụng dáng vẻ ngoại hình của họ và tham gia nhiều phim cùng lúc".

Top