18 năm truyền lửa tự hào
Giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường là công tác phối hợp thường xuyên mỗi năm học, được duy trì suốt 18 năm qua của ngành Văn hóa và ngành Giáo dục TP Cần Thơ. Ðó là hành trình truyền lửa tự hào, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong các em học sinh.
Học sinh quận Ninh Kiều tham quan, tìm hiểu tại Di tích quốc gia Đình Bình Thủy.
Năm 2007, cán bộ Bảo tàng TP Cần Thơ lên ý tưởng về một chương trình giáo dục truyền thống và di sản văn hóa cho học sinh. Chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các trường học. Thứ hai hằng tuần, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, các em học sinh được cán bộ Bảo tàng thành phố tuyên truyền về các ngày lễ, kỷ niệm quan trọng, về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương. Những trường tham gia chương trình từ những ngày đầu và duy trì đến nay là THPT Nguyễn Việt Hồng, THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Ninh Kiều)… Ðến năm 2008, Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương thực hiện các hoạt động giới thiệu di sản, truyền thống cho học sinh, sinh viên. Từ cú hích này, ngành Văn hóa và ngành Giáo dục thành phố đã phối hợp nhịp nhàng, phát triển chương trình giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường trở thành điểm sáng.
Ngoài tuyên truyền trực tiếp tại trường, Bảo tàng thành phố còn xây dựng nhiều chương trình giáo dục, trải nghiệm như Tiết học Sử tại Bảo tàng, Một ngày làm nông dân, Em tập làm thuyết minh Bảo tàng, Em làm nghệ nhân, Học cùng nghệ nhân, Vui hè học Sử, Vui học Sử Việt, Tuổi trẻ học đường hướng về biển đảo quê hương, Tự hào người Cần Thơ… Mỗi chương trình là một dấu ấn cho nỗ lực nối dài hành trình truyền lửa tự hào và quan trọng hơn hết, mỗi học sinh tham gia có thêm một ký ức và ấn tượng đẹp về quê hương, đất nước.
Cô Nguyễn Lê Thu Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Ðạo (quận Ninh Kiều), cho biết: Trong giáo dục học sinh nói chung và trong dạy học các môn học nói riêng, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm luôn được nhà trường quan tâm, coi trọng. Hoạt động trải nghiệm ngoài khuôn viên nhà trường giúp nâng cao chất lượng chương trình chính khóa, trong đó các chuyến trải nghiệm tìm hiểu di tích, di sản là hình thức hay. Thời gian qua, Bảo tàng thành phố và nhà trường đã đổi mới về nội dung các chuyến trải nghiệm, để Bảo tàng thực sự là không gian “giáo dục trải nghiệm” bổ ích, lý thú cho học sinh.
Thầy Nguyễn Duy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Long (quận Ô Môn), chia sẻ: Từ hiệu quả của chương trình trong nhiều năm qua, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng thành phố nhằm mang đến cho học sinh nhiều hoạt động hay, ý nghĩa. Một số kết quả nổi bật trong năm học 2023-2024 như sinh hoạt chủ đề “Người thầy Châu Văn Liêm”; tuyên truyền chủ đề “Ðại tướng Võ Nguyên Giáp”; tuyên truyền kỷ niệm Ngày Học sinh - Sinh viên và tấm gương Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn; sinh hoạt chủ đề “Một số phong tục ngày Tết của người Việt”; giao lưu chủ đề “Cần Thơ - Những câu chuyện nhỏ”… “Ðặc biệt, chương trình “Tự hào người Cần Thơ” do Bảo tàng thực hiện tại trường đã giúp học sinh hiểu hơn về bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và 6 tiêu chuẩn xây dựng người Cần Thơ, với cách truyền đạt hấp dẫn, hiệu quả” - thầy Linh cho biết.
Cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy (quận Bình Thủy), kể rằng: Mỗi giờ sinh hoạt dưới cờ, các em học sinh rất háo hức khi được cung cấp kiến thức về lịch sử địa phương, về các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm... Qua đó, các em hiểu và trân quý hơn truyền thống quý báu của ông cha. Trong những năm học tới, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp và mời cán bộ Bảo tàng TP Cần Thơ đến tuyên truyền, sinh hoạt các chủ đề thiết thực, chẳng hạn như tổ chức cho các em tham gia trải nghiệm chương trình “Sắc Xuân miệt vườn”.
Theo lãnh đạo Bảo tàng TP Cần Thơ, năm học 2023-2024, Bảo tàng đã ký kết phối hợp với 36 trường học ở 9 quận, huyện, với các nội dung: Giáo dục truyền thống, tuyên truyền về các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, tên đường và một số loại hình di sản văn hóa của địa phương… Qua đó, Bảo tàng đã đón gần 35.000 lượt khách, trong đó có 139 lượt trường học (221 đoàn) trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Các di tích được xếp hạng, công trình văn hóa, tưởng niệm danh nhân cũng thu hút lượng khách tham quan là học sinh, sinh viên rất lớn. Những con số ấy cho thấy hiệu quả và sức lan tỏa của công tác giáo dục truyền thống, di sản văn hóa trong học đường.
Năm học 2024-2025, ngành Văn hóa và ngành Giáo dục thành phố xác định chủ đề là “Số hóa trong công tác đưa di sản văn hóa đến thế hệ trẻ”. Theo đó, cơ quan chuyên môn tích cực đẩy mạnh số hóa nội dung tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động, mô hình quảng bá di sản. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, yêu cầu Bảo tàng thành phố tăng cường chủ động phối hợp với các trường học ở huyện ngoại thành, xa trung tâm thành phố để công tác này ngày càng lan tỏa. Ngoài ra, công tác tuyên truyền trên trang web bảo tàng thành phố, ứng dụng số hóa và nghiên cứu đầu tư sáng tạo nhiều chương trình mới, hấp dẫn bổ ích và phù hợp lứa tuổi, cấp học, thu hút học sinh “chơi mà học, học mà chơi”, cũng cần được quan tâm, nghiên cứu.
Bài, ảnh: DUY KHÔI