Bảo vệ sức khỏe từ những lựa chọn đơn giản
Hạn chế sử dụng đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe
Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu người sống chung với tăng huyết áp; 4,6 triệu người từ 18-69 tuổi sống chung với bệnh tiểu đường; hơn 180.000 ca ung thư mắc mới với hơn 120.000 ca tử vong mỗi năm; 9,4% trẻ em dưới 5 tuổi và 19% trẻ em từ 5 tuổi trở lên bị thừa cân béo phì;...
Theo WHO, việc tiêu thụ quá 25g đường tự do mỗi ngày (khoảng 6 muỗng cà phê) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, đường trong đồ uống ngọt được cơ thể hấp thụ nhanh, gây tăng đường huyết đột ngột, làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ nội tạng và kháng insulin - những yếu tố then chốt dẫn đến tiểu đường type 2.
Tình trạng gia tăng bệnh tiểu đường tại Việt Nam đang trở thành vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và KT-XH. Các chuyên gia y tế và tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế tiêu thụ đường. WHO khuyến nghị tăng giá đồ uống có đường ít nhất 20%, tương ứng thuế xuất xưởng khoảng 40%. Thực tế tại các nước như Thái Lan, Mexico cho thấy mức thuế này giúp giảm tiêu thụ 2-6%, tỷ lệ béo phì giảm rõ rệt.
Việc hạn chế đồ uống có đường bằng những biện pháp như tăng thuế, hạn chế quảng cáo, truyền thông rộng rãi và giáo dục dinh dưỡng là hướng đi hiệu quả, được nhiều quốc gia triển khai. Quan trọng hơn, mỗi người có thể thay đổi từ những thói quen đơn giản như giảm đường trong đồ uống, chọn nước lọc hoặc trà không đường, kết hợp vận động đều đặn.
Chị Lê Thị Bích Hạnh (xã An Lục Long) chia sẻ: “Trước đây, tôi uống trà sữa mỗi ngày, giờ đã chuyển sang trà không đường hoặc tự pha tại nhà. Tôi cảm thấy khỏe hơn, không mệt mỏi”.
Cũng như chị Hạnh, anh Trương Quốc Tuấn - nhân viên giao hàng tại phường Long An, cho biết: “Do thường xuyên làm việc ở ngoài trời nắng nóng nên tôi uống nước ngọt để giải khát mỗi ngày. Một lần đi khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ nói tôi bị đường huyết cao. Từ đó đến nay, tôi giảm lượng đường trong chế độ ăn uống. Nhờ vậy, tôi giảm được cân và cải thiện đường huyết”.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người dân nên kiểm tra đường huyết và sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, tránh biến chứng, đồng thời thực hiện chế độ ăn cân đối - ít đường: Ưu tiên rau xanh, hạn chế đường thêm vào đồ uống và thực phẩm. Ngoài ra, cần tăng vận động thể chất như đi bộ, chơi thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Trong bối cảnh bệnh tiểu đường, béo phì và tim mạch đang ngày càng trẻ hóa, việc hạn chế đồ uống có đường không còn là lời khuyên xa xôi mà là hành động cần thiết ngay hôm nay. Mỗi người dân hãy bắt đầu từ lựa chọn đơn giản nhất: Uống ít đường hơn - sống khỏe hơn./.
Thùy Minh