Bầu cử Mỹ trước các nỗ lực gây ảnh hưởng bằng AI
Thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khuếch đại thuyết âm mưu cùng những chủ đề gây chia rẽ xã hội, giới chức Mỹ xác định Nga hiện là tác nhân nước ngoài có ảnh hưởng lớn nhất đối với cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Nga bị tố sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo được AI hỗ trợ khiến cử tri lẫn lộn thông tin giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ảnh: NYT
Theo ghi nhận của cộng đồng tình báo Mỹ, Nga đã phát tán hình ảnh, video, các tệp âm thanh và văn bản tổng hợp trực tuyến thường do AI chỉnh sửa, nội dung chủ yếu liên quan các nhân vật nổi tiếng xứ cờ hoa và vấn đề gây chia rẽ sâu sắc như nhập cư. Hoạt động bị cho nhằm thúc đẩy sự ủng hộ đối với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump, người từng tuyên bố “hòa thuận” với Nga cũng như Trung Quốc nếu đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Để hạ thấp Phó Tổng thống Kamala Harris, Mát-xcơ-va bị cho đứng sau các video đã chỉnh sửa để tạo ra nội dung sai sự thật liên quan những bài phát biểu của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ. Nhằm tăng hiệu quả lan truyền, Nga còn sử dụng những công nghệ thấp hơn. Chẳng hạn như gần đây, những người Nga có ảnh hưởng đã dàn dựng video thu hút hàng triệu lượt xem về một phụ nữ tự nhận là nạn nhân trong vụ bà Harris gây tai nạn rồi bỏ chạy vào năm 2011. Không có bằng chứng nào cho thấy sự việc như vậy từng xảy ra, tập đoàn công nghệ Microsoft tuần rồi cũng xác nhận Mát-xcơ-va đứng sau đoạn video nói trên, vốn do trang web tự nhận là đài truyền hình địa phương không tồn tại ở San Francisco phát tán. Đầu tháng này, Bộ Tư pháp Mỹ còn cáo buộc đài truyền hình nhà nước Nga RT thông qua công ty truyền thông ở bang Tennessee chuyển gần 10 triệu USD cho những người cánh hữu nổi tiếng để họ đăng các video có lợi với Nga. Không chỉ lợi dụng người Mỹ vô tình hoặc cố ý truyền bá thông điệp cho mình, Mát-xcơ-va còn sử dụng bình luận của cư dân mạng để hướng truy cập tới các bài viết do AI tạo ra trên một số trang web giả dạng những hãng truyền thông uy tín. “Nga là thế lực tinh vi hơn nhiều trong không gian ảnh hưởng nói chung, họ hiểu rõ cách thức bầu cử ở Mỹ cũng như những tiểu bang nào cần nhắm tới” - một quan chức của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) cho biết.
Trong khi đó, Iran đang khai thác AI để làm suy yếu chiến dịch vận động tranh cử năm 2024 của phe Cộng hòa. Họ cũng tạo bài đăng trên mạng xã hội hoặc đưa tin sai lệch ở web giả mạo những hãng truyền thông nổi tiếng. Nhờ vào AI, họ dễ dàng tạo ra nội dung bằng tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha với mục tiêu là người Mỹ quan tâm các vấn đề chính trị gây bất hòa như cuộc chiến ở Gaza.
Tương tự, mối đe dọa nước ngoài lớn thứ 3 với bầu cử Mỹ, Trung Quốc cũng đang sử dụng AI để khai thác các vấn đề nóng hổi làm trầm trọng thêm chia rẽ xã hội như sử dụng ma túy, nhập cư và phá thai. Bắc Kinh còn có những hoạt động gây ảnh hưởng rộng lớn nhằm định hình quan điểm toàn cầu về nước này.
Mối đe dọa từ hoạt động thông tin
Giới chức Mỹ cho biết công nghệ tiên tiến đang giúp Nga, Iran và Trung Quốc dễ dàng sáng tạo hoặc điều chỉnh nội dung kích động chia rẽ và phá hoại nền dân chủ, có thể tác động nhanh tới cử tri Mỹ theo những cách thuyết phục hơn. Trong đó, AI tuy chưa được coi là công cụ gây ảnh hưởng đáng tin cậy nhưng là “chất xúc tác” quan trọng của hoạt động gây rối thông tin. “AI từng được sử dụng trong các cuộc bầu cử ở nước ngoài và xu hướng này đang xảy ra ở Mỹ” - một quan chức ODNI cho biết.
Với bối cảnh như trên, nhiều quan chức, nhà lập pháp, công ty công nghệ và nhà nghiên cứu lo ngại khả năng thao túng bằng AI có thể làm đảo lộn chiến dịch bầu cử Mỹ năm nay. Nhưng ở hiện tại, giới chức trong động thái trấn an cho biết họ chưa xác định bất kỳ hoạt động nào do AI hỗ trợ nhắm vào kết quả bỏ phiếu.
Bà Harris nới rộng khoảng cách so với ông Trump Theo phóng viên TTXVN tại Washington, kết quả thăm dò do Reuters/Ipsos công bố ngày 24-9 cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris - ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - đang dẫn trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ 47%-40%. Các số liệu khảo sát cho thấy bà Harris dường như đang làm giảm lợi thế của ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng liên quan đến kinh tế và việc làm. Cụ thể, bà Harris dẫn trước 6 điểm phần trăm khi nhận được sự ủng hộ từ 46,61% cử tri đã đăng ký, trong khi ông Trump được 40,48% ủng hộ. Như vậy, khoảng cách dẫn trước của ứng cử viên đảng Dân chủ nhỉnh hơn một chút so với lợi thế 5 điểm trước đối thủ Trump trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos tiến hành từ ngày 11-12/9. Khi được hỏi ứng cử viên nào có cách tiếp cận tốt hơn về “nền kinh tế, thất nghiệp và việc làm”, khoảng 43% cử tri trong cuộc thăm dò đã chọn ông Trump và 41% chọn bà Harris. Lợi thế dẫn trước 2 điểm của ông Trump về chủ đề này giảm nhẹ so với lợi thế 3 điểm trong cuộc thăm dò hồi tháng 8 và giảm mạnh so với khoảng cách 11 điểm vào cuối tháng 7 ngay sau khi bà Harris phát động chiến dịch tranh cử. ĐOÀN HÙNG |
MAI QUYÊN (Theo NPR, ABC News)