26/04/2025
x
+
aa
-

Bủn rủn tay chân, không đi lại được sau thi là bệnh gì?

Mùa thi đang diễn ra. Sau thi có bé bị bủn rủn tay chân, không thể đi lại... làm phụ huynh lo lắng, đó là bệnh gì, cách phòng tránh ra sao?

Nên cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn trong mùa thi - Ảnh: T.CHIẾN

Mới đây nữ sinh P.T.P.L., 16 tuổi, vừa thi xong một môn thi tại một trường THPT ở quận 4 (TP.HCM) thì bị bủn rủn tay chân, không đi lại được, ói nhiều lần, đi vệ sinh không tự chủ. Thiếu nữ này được đưa vào phòng y tế trường. 

Khi gia đình đến đón, đưa bệnh nhân đến một phòng khám quen thì được bác sĩ chẩn đoán bị hạ đường huyết. Bác sĩ dặn người nhà cho uống nước đường, nghỉ ngơi sẽ bình phục lại.

Gia đình nữ sinh kể do lo lắng trong thi cử nên bé đã nhịn ăn bữa sáng, ăn uống sơ sài vào bữa trưa.

TS Phạm Ngọc Thạnh, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trẻ ăn uống không đầy đủ, căng thẳng quá mức cũng là nguyên nhân gây hạ đường huyết.

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu hạ dưới mức 70 mg/dL. Mức đường huyết bình thường của cơ thể trước khi ăn dao động từ 90 - 130mg/dL, giữa bữa ăn 70 mg/dL - 100 mg/dL, sau khi ăn 1-2 giờ phải dưới 180 mg/dL.

Để phòng ngừa tình trạng hạ đường huyết, đặc biệt là trong mùa thi cử căng thẳng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạnh khuyên các bậc phụ huynh và các em học sinh nên chú ý những điểm sau:

Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và đúng bữa: Không bao giờ bỏ bữa sáng vì bữa sáng rất quan trọng, cung cấp năng lượng khởi đầu cho cả một ngày dài học tập và thi cử.

Hãy cho trẻ ăn một bữa sáng đủ chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin) như cơm tấm, phở, bún, xôi, bánh mì ốp la.

Ngoài ra cũng cần đảm bảo để trẻ ăn đủ bữa trưa và bữa tối với thực đơn cân đối, đa dạng. Nếu khoảng cách giữa các bữa chính quá dài (hơn 4-5 tiếng) hoặc trẻ có hoạt động thể chất/trí óc nhiều (như ôn thi), nên có thêm bữa phụ lành mạnh vào giữa buổi sáng hoặc giữa buổi chiều. 

Các lựa chọn tốt bao gồm: trái cây tươi, sữa chua, các loại hạt, bánh quy nguyên cám... 

Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, nước ngọt có gas, thức ăn chế biến sẵn. Những loại này có thể làm đường huyết tăng nhanh nhưng cũng giảm nhanh ngay sau đó, dễ gây hạ đường huyết phản ứng. Nên ưu tiên các loại tinh bột hấp thu chậm (gạo lứt, bánh mì nguyên cám, ngũ cốc...) giúp duy trì năng lượng ổn định hơn. 

Cơ thể cần đủ nước để hoạt động hiệu quả. Khuyến khích trẻ uống đủ nước lọc hoặc nước trái cây không đường trong ngày. 

Trẻ cần ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ làm cơ thể mệt mỏi, căng thẳng hơn và cũng ảnh hưởng đến việc điều hòa đường huyết. Học sinh, đặc biệt trong mùa thi, cần ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm. 

Chuẩn bị bài vở kỹ lưỡng sẽ giúp các em tự tin hơn, giảm bớt áp lực thi cử. Tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, yoga... giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả. 

Khuyến khích trẻ chia sẻ những lo lắng, áp lực với cha mẹ, thầy cô hoặc bạn bè. Sự động viên, lắng nghe từ gia đình rất quan trọng. 

Đừng bắt trẻ học quá sức. Cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn giữa các giờ học căng thẳng. Cha mẹ và giáo viên nên để ý các dấu hiệu sớm của hạ đường huyết ở trẻ như: run tay chân, vã mồ hôi, mệt mỏi, yếu sức, hoa mắt, chóng mặt, da tái xanh, đói cồn cào, tim đập nhanh, hồi hộp, khó tập trung, lơ mơ (nặng hơn có thể lú lẫn, co giật, hôn mê)./.

Xử trí nhanh khi có dấu hiệu hạ đường huyết sau thi

Ngay khi trẻ có dấu hiệu, cần cho trẻ ăn hoặc uống ngay một thứ gì đó chứa đường hấp thu nhanh (khoảng 15g carbohydrate), ví dụ nửa ly nước ép trái cây hoặc nước ngọt (loại có đường), 2-3 viên kẹo, ngậm 1 muỗng canh đường hoặc mật ong pha với nước.

Cho trẻ ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi. Sau khoảng 10-15 phút, kiểm tra lại xem trẻ đã đỡ hơn chưa. Nếu chưa, có thể lặp lại liều đường như trên.

Khi trẻ tỉnh táo và đỡ mệt hơn, nên cho ăn thêm một bữa ăn nhẹ có chứa cả tinh bột phức và đạm (như bánh mì sandwich, bánh quy mặn) để giúp ổn định đường huyết lâu dài hơn.

Nếu trẻ lơ mơ, không nuốt được hoặc các triệu chứng không cải thiện, nặng hơn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.

Bằng việc chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và quản lý căng thẳng, hoàn toàn có thể giúp các em học sinh phòng tránh hiệu quả tình trạng hạ đường huyết, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho việc học tập và thi cử.

 Theo Tuổi Trẻ

Nguồn:https://tuoitre.vn/bun-run-tay-chan-khong-di-lai-duoc-sau-thi-la-benh-gi-20250424094338481.htm

Other news

Điện thoại trên bàn ăn có phải thủ phạm âm thầm với sức khỏe trẻ nhỏ?
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện diện sâu trong đời sống gia đình, nhiều bậc phụ huynh đã quen với việc đưa điện thoại cho con trong bữa ăn với mong muốn trẻ 'ngoan ngoãn ngồi yên' và 'ăn được nhiều hơn'.
Ngộ độc, biến chứng do tự ý uống thuốc nam, đắp lá cây khi bị bệnh, chấn thương 
(CTO) - Theo Y học cổ truyền, các cây, cỏ trong vườn nhà có thể là những vị thuốc nam quý giá, giúp điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, dù là thuốc đông y hay tây y đều cần có sự thăm khám, chẩn bệnh và hướng dẫn điều trị từ cán bộ y tế.
Bộ Y tế ban hành kế hoạch truyền thông phòng chống dịch bệnh năm 2025 
(CTO) - Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch truyền thông phòng, chống dịch bệnh năm 2025 nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo nền tảng vững chắc cho công tác phòng, chống dịch trong tương lai.
Hơn 40 ngày đêm chăm chút 3 bé trai sinh non tháng 
(CTO) - Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ vừa chia sẻ niềm vui về việc nuôi sống thành công 3 đứa trẻ sinh non của một trường hợp mang tam thai tự nhiên hiếm gặp.
Dưỡng sinh Cô Ba: Gìn giữ giá trị gừng Việt trong chăm sóc sức khỏe 
Hiện nay, khi các vấn đề sức khỏe như đau nhức cơ xương khớp ngày càng phổ biến, những phương pháp chăm sóc tự nhiên đang dần được quan tâm trở lại.
Top