06/07/2025
x
+
aa
-

Cảnh báo lạm dụng 'trục hàn' để chữa bệnh

Trào lưu hướng dẫn tự 'trục hàn' bùng nổ thời gian gần đây trên mạng xã hội, thậm chí khẳng định đây là 'phép màu' trị được mọi bệnh, từ đau đầu, mất ngủ đến… ung thư.
Trào lưu hướng dẫn tự 'trục hàn' bùng nổ thời gian gần đây trên mạng xã hội, thậm chí khẳng định đây là "phép màu" trị được mọi bệnh, từ đau đầu, mất ngủ đến… ung thư.

Tuy nhiên, thực tế, việc áp dụng liệu pháp trục hàn (đưa cái lạnh ra ngoài cơ thể) một cách bừa bãi, thiếu hiểu biết về cơ địa và nguyên tắc chẩn trị của y học cổ truyền không những không mang lại lợi ích mà còn gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

Phải xác định được nguyên nhân gây hàn

Trong y học cổ truyền, hàn khí (khí lạnh) là một trong "lục khí" gây ảnh hưởng đến cơ thể. Hàn khí có thể xâm nhập từ môi trường (ngoại hàn), hoặc do chức năng tạng phủ suy yếu mà sinh ra (nội hàn). Hàn làm khí huyết ứ trệ, gây đau nhức, lạnh, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…

Các video hướng dẫn tự trục hàn chữa bệnh tận gốc. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, hiện nay trên mạng xã hội, hàn khí đang bị diễn giải sai lệch, được gán cho vai trò là "thủ phạm chính" gây ra mọi bệnh tật. Nhiều người tin rằng chỉ cần trục hàn bằng cách xông hơi, uống nước gừng hay đắp ngải cứu… là có thể giải quyết mọi vấn đề sức khỏe. Quan niệm sai lầm này dẫn đến việc tự ý trục hàn tại nhà mỗi ngày mà không phân biệt bệnh tật có thật sự do hàn khí hay không.

Th.S Nguyễn Văn Hùng, bác sĩ (BS) Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, cảnh báo: "Trục hàn thì phải xác định được nguyên nhân gây hàn. Không phải bệnh nào cũng có nguyên nhân từ hàn. Có những trường hợp bệnh lý nếu áp dụng trục hàn sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Thậm chí, một số bệnh nhân bị mất ngủ, nóng trong, cao huyết áp, nếu trục hàn sai cách có thể gặp biến chứng như bốc hỏa, khô miệng, tăng huyết áp đột ngột".

Hậu quả của trục hàn sai cách

Theo các BS y học cổ truyền, việc tự trục hàn tại nhà không theo chẩn đoán chuyên môn đang trở thành một mối đe dọa sức khỏe, lạm dụng sẽ càng làm cơ thể mất cân bằng, gia tăng tổn thương. Trong đó, việc lạm dụng uống gừng, liều dùng trên 5 gr gừng tươi mỗi ngày, thời gian dài có thể gây tăng triệu chứng ợ nóng, đầy hơi, đau bụng, thậm chí làm tăng nguy cơ chảy máu khi đang dùng thuốc chống đông hoặc hạ đường huyết quá mức nếu đang dùng thuốc điều trị tiểu đường. Lạm dụng xông hơi, cạo gió, giác hơi không đúng chỗ, không đúng cách sẽ khiến chính khí suy yếu, vệ khí hư nhược, càng dễ nhiễm lạnh, cảm lạnh…

Bệnh nhân (BN) N.T.B (48 tuổi, Đà Nẵng) bị đầy bụng khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị, người mệt mỏi do viêm loét dạ dày. BN đã tham khảo phương pháp uống nước gừng qua mạng xã hội để điều trị. Sau một thời gian cơ thể mệt mỏi, đại tiện phân đen, tình trạng nóng rát và đau tức thượng vị trở nên nghiêm trọng hơn. BS Hùng lưu ý, viêm loét dạ dày không nên sử dụng gừng, sẽ khiến bệnh trầm trọng thêm.

Các video hướng dẫn tự trục hàn chữa bệnh tận gốc. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Một BN khác là T.V.A (37 tuổi, ở Quảng Nam) tay chân lạnh, mệt mỏi, ăn uống kém, sinh lý suy giảm do nguyên nhân tỳ thận dương hư. Thay vì đến BS chuyên khoa để được khám, điều trị thì BN xem các phương pháp trục hàn trên mạng và áp dụng xông hơi. Sau một thời gian lạm dụng xông hơi, dương khí trong cơ thể suy yếu làm tình trạng bệnh nặng thêm. Trường hợp này nếu đến bệnh viện thì các BS y học cổ truyền sẽ cho dùng thuốc bổ để ôn ấm tỳ thận hoặc hỏa long cứu.

Th.S-BS Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều BN sau khi tự trục hàn thì có các biểu hiện: mất nước, khô họng, mệt mỏi kéo dài, tiểu đêm, hoa mắt chóng mặt… Trong số đó, có người xông ngải cứu mỗi ngày, có người uống nước gừng đậm đặc suốt nhiều tuần".

Thận trọng trước các trào lưu trên mạng xã hội

Các chuyên gia y học cổ truyền đều khẳng định trục hàn chỉ là một liệu pháp hỗ trợ, và được chỉ định sau khi có chẩn đoán rõ ràng. Người bệnh cần tránh áp dụng theo cảm tính hoặc theo các video trên mạng mà không hiểu rõ nguyên lý điều trị. Việc sử dụng gừng, quế, ngải cứu cũng cần được điều chỉnh về liều lượng, thời gian, cách dùng cho phù hợp với từng thể bệnh, cơ địa.

BS Hùng khuyến cáo: "Nếu sau khi trục hàn có các biểu hiện như đau đầu, khô họng, bốc hỏa, mất ngủ, nổi mẩn… cần dừng ngay và đến gặp BS để được đánh giá lại. Không nên cố tiếp tục vì nghĩ đó là phản ứng "thải độc". Điều này hoàn toàn sai lệch với nguyên tắc điều trị của y học cổ truyền".

Các BS y học cổ truyền cũng lưu ý thêm: Trục hàn là một phương pháp giá trị trong chăm sóc sức khỏe, với điều kiện áp dụng đúng cách, đúng người, đúng bệnh. Nếu lạm dụng, nó có thể trở thành con dao hai lưỡi, gây tổn hại cho cơ thể. Trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp nào, điều quan trọng nhất là hiểu rõ cơ thể mình, tham khảo ý kiến chuyên môn, và không "thần thánh hóa" các trào lưu được cổ xúy trên mạng. Hiểu cơ thể - Làm đúng phương pháp - Lắng nghe phản ứng - đó mới là cách sử dụng y học cổ truyền một cách an toàn và hiệu quả./.

Biện chứng luận trị - nền tảng của y học cổ truyền - đòi hỏi người thầy thuốc phải xem xét tổng thể: thể trạng, tạng phủ, triệu chứng cụ thể và nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới quyết định phương pháp trị liệu phù hợp. Trục hàn chỉ là một trong nhiều phương pháp, và chỉ nên được áp dụng khi thực sự cần thiết.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/canh-bao-lam-dung-truc-han-de-chua-benh-185250621210552818.htm

Other news

Cẩn trọng với các triệu chứng nhầm lẫn giữa bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng 
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện (BV) Ðại học Nam Cần Thơ cảnh báo một số triệu chứng có thể gây nhầm lẫn giữa bệnh trĩ và giai đoạn sớm của bệnh lý nghiêm trọng hơn - ung thư đại trực tràng.
Mối liên hệ bất ngờ giữa bữa ăn tối và nguy cơ gặp ác mộng 
Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí Frontiers in Psychology, việc tiêu thụ một số thực phẩm nhất định - gồm các chế phẩm từ sữa, món tráng miệng/đồ ngọt, thức ăn cay, thịt và ngũ cốc - vào buổi tối
Lưu ý chăm sóc bàn chân của người bệnh đái tháo đường 
Theo các thống kê, khoảng 5-7% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng loét bàn chân. Cứ mỗi 30 giây, thế giới có 1 người bệnh đái tháo đường bị cắt cụt chân.
Vinmec khai trương phòng khám đa khoa quốc tế hiện đại tại Vinhomes Grand Park 
Ngày 5/7/2025, Hệ thống Y tế Vinmec chính thức khai trương Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Grand Park tại Tầng L2, TTTM Vincom Mega Mall, khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.HCM).
Nhu cầu tuyển dụng khối ngành sức khỏe tại các bệnh viện ra sao?
Tại ngày hội việc làm khối ngành sức khỏe do một trường ĐH tổ chức, đại diện các bệnh viện, hệ thống nhà thuốc đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng trong thời điểm hiện tại và chia sẻ các kiến thức, kỹ năng sinh viên cần rèn luyện.
Top