12/07/2025
x
+
aa
-

Chàng trai đưa cây sả xuất ngoại 

Thuê 20ha đất trồng, chàng trai Nguyễn Hoài An (31 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã liên kết với nhiều công ty để đẩy mạnh việc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Malaysia, châu Âu…

Anh An trồng sả trên diện tích 20ha.

Dẫn chúng tôi tham quan mảnh đất trồng sả rộng mênh mông, xanh mướt mắt, anh An chia sẻ đầy tâm huyết, sự am hiểu về loại cây trồng này. Anh An kể, sinh ra và lớn lên ở vùng đất mà người dân chủ yếu trồng cam sành. Từ nhỏ, anh An đã trăn trở khi thấy nhiều bà con có thu nhập bấp bênh khi làm nông nghiệp, chịu cảnh thương lái ép giá.

Lớn lên, anh An học ngành quản trị kinh doanh, rồi quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản để kiếm vốn, học tập kinh nghiệm. Anh luôn mang trong mình khát vọng trở về khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, tạo công ăn việc làm cho bà con. Nhận thấy những loại nông sản ở quê hương trồng rất nhiều, thậm chí là bỏ hoang nhưng ra nước ngoài rất được ưa chuộng, giá trị lại rất cao. Trong đó, nổi bật là cây sả vừa dễ trồng, nguồn hàng ổn định nên anh luôn ấp ủ khởi nghiệp từ loại cây này.

"Tuy chọn con đường đi xuất khẩu lao động, nhưng tôi luôn ấp ủ việc làm giàu từ nông nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà. Thời gian nhiều năm ở Nhật, tôi biết cây sả bên đây có giá bán đắt đỏ không chỉ ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và cả các nước châu Âu. Từ đó, tôi quyết định chọn cây sả để nghiên cứu trồng khi trở về nước", anh An kể. Năm 2019, anh quyết định dồn số tiền tích cóp được sau nhiều năm làm việc để thuê 20ha đất trồng sả tại huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long). Sau đó, thành lập công ty để làm ra chuỗi giá trị sản phẩm từ cây sả.

Thời điểm đầu, hành trình khởi nghiệp của anh An cũng lắm gian nan, chịu nhiều lời bàn tán khi quyết định chọn hướng đi khác biệt, trồng sả ngay tại "thủ phủ" khoai lang Bình Tân. Thời điểm đầu, anh gặp khó về đầu ra, hàng tấn sả thu hoạch xong không bán được phải đem bỏ không sao đếm xuể. Để giải quyết khó khăn, anh phải lặn lội khắp các điểm đầu mối trong và ngoài tỉnh mong tìm đầu ra cho cây sả. Nhờ kiên trì và nguồn hàng chất lượng, anh tìm được đầu ra ổn định cho nông sản của mình. Hiện ngoài cung ứng mỗi ngày gần 2 tấn sả cây cho thị trường trong nước, anh còn liên kết một số công ty để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Malaysia… từ 5-10 tấn sả/tháng. Sả xuất khẩu đều đáp ứng được các tiêu chí hết sức khắt khe về kích cỡ, vệ sinh, đóng gói, bao bì. Nhờ đó, giúp anh An có nguồn thu nhập khá.

"Đối với thị trường trong nước thì cơ sở của tôi đã đáp ứng được một số thị trường cơ bản tại các chợ tại vùng Tây Nam Bộ. Còn xuất khẩu tôi vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu số lượng lớn, hiện tại chỉ nhận gia công xuất bán số lượng nhỏ sang thị trường ngoài nước", anh An  cho biết.

Nhận thấy cây sả khi thu hoạch và xuất bán ra thị trường vẫn chưa tận dụng được triệt để, khi số lượng lớn lá sả bỏ đi. Anh An đã mạnh dạn nghiên cứu theo hướng sản xuất tinh dầu sả. Hiện cơ sở của anh An còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Sắp tới, anh An mong muốn dự định mở rộng diện tích trồng sả lên thêm 15ha. Từ đó, ổn định thị trường sả nguyên liệu. Song song đó, anh phấn đấu xây dựng thêm các điều kiện để mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến từ cây sả, như sả sấy, sả bào, tinh dầu sả để đa dạng hóa sản phẩm cung ứng ra thị trường và tăng giá trị cho cây sả.

Bà Nguyễn Ngọc Xuân (65 tuổi, ngụ huyện Bình Tân) cho biết, do tuổi cao nên bà khó xin được công việc để kiếm thu nhập. May mắn nhờ anh An nhận vào làm việc, bà phụ trách chặt và rửa sả, giúp bà kiếm được thu nhập hơn 120.000 đồng/ngày.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Other news

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỉ USD 
(CT) - Theo Cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước tháng 6-2025 đạt 39,49 tỉ USD, giảm 0,3% so với tháng trước.
Cá giống bắt đầu tăng giá 
Thời điểm này, dù nước lũ chưa về và sức mua nhiều loại cá giống chưa tăng mạnh nhưng giá nhiều loại cá giống đã tăng đáng kể so với các tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại - nâng tầm sản phẩm địa phương
Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Chương trình OCOP đánh thức tiềm năng làng nghề truyền thống
Tại tỉnh Tây Ninh, chương trình OCOP đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, quảng bá du lịch địa phương, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các nghề và làng nghề truyền thống.
Giá xăng dầu hôm nay 11/7: Đảo chiều giảm mạnh trước chính sách thuế quan Mỹ
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể áp thuế tới 50% đối với hàng hóa từ Brazil đẩy giá dầu giảm mạnh. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước vừa được điều chỉnh tăng đồng loạt.
Top