Chạy đua triển khai vũ khí laser
Trong khi ở Trung Đông đang hình thành cuộc đua triển khai các hệ thống phòng không laser mới để khắc chế các bầy máy bay không người lái (UAV) khó chịu, Mỹ và Trung Quốc không ngừng bổ sung loại vũ khí này.
Vá lỗ hổng phòng không với chi phí thấp
Các cuộc xung đột gần đây đã thay đổi động lực chiến tranh ở Trung Đông. Những nhóm vũ trang thân Iran như phiến quân Houthi ở Yemen đã tung ồ ạt các UAV giá rẻ nhằm gây quá tải cho các hệ thống đánh chặn bằng tên lửa của Mỹ và đồng minh Israel. Mục đích cuối cùng của Houthi là dùng UAV tấn công các tàu hải quân và tàu thương mại trên Biển Đỏ.
Trung Quốc trưng bày các hệ thống chống UAV mới nhất tại triển lãm vũ khí ở UAE đầu tháng 3-2025. Ảnh: AFP
Từ Lebanon, nhóm dân quân Hezbollah cũng đã trút mưa UAV vào hệ thống Vòm sắt của Israel, vốn được thiết kế để kết liễu tên lửa đạn đạo chứ không phải UAV tầm thấp. Iran thì nỗ lực áp đảo lá chắn này bằng các đòn tập kích UAV và tên lửa hồi năm ngoái.
Trong bối cảnh trên, các nước tại khu vực đang tập trung vào việc sử dụng loại vũ khí hạng nhẹ như laser để tiêu diệt UAV và tên lửa, qua đó giảm bớt áp lực cho tên lửa dẫn đường vốn có cùng nhiệm vụ.
Israel sắp trở thành quốc gia đầu tiên tại Trung Đông triển khai hệ thống phòng không laser mới, mang tên Iron Beam. Hệ thống trị giá 500 triệu USD này sẽ tiếp sức cho Vòm sắt và các hệ thống phòng không hiện hành khác của Israel.
Tháng rồi, tờ Defense News đưa tin Rafael, công ty phát triển vũ khí laser của Israel, đã phát tín hiệu họ có thể sẵn sàng bán công nghệ phòng không sử dụng laser cho các cường quốc khác trong khu vực. Saudi Arabia cũng đang phát triển năng lực phòng không laser bằng cách sử dụng các hệ thống của Trung Quốc, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tìm cách tự chế tạo hệ thống laser.
“Việc dễ dàng tiếp cận các công nghệ UAV thương mại và tái sử dụng chúng cho mục đích quân sự đã cho phép các tác nhân nhà nước và phi nhà nước triển khai các hệ thống tấn công như vậy với số lượng ngày càng tăng”, James Black, trợ lý giám đốc tại tập đoàn RAND châu Âu, nói.
Vũ khí laser mang đến một giải pháp phòng không chi phí thấp và chính xác. Trong khi UAV có giá chỉ 2.000USD, thì tên lửa dùng để hạ gục chúng có thể lên tới 2 triệu USD. Trong khi đó, chi phí mỗi lần bắn vũ khí laser có thể chỉ vài chục USD.
Mỹ - Trung so kè
Quân đội Mỹ mới đây đã chọn công ty Huntington Ingalls làm đối tác phát triển và thử nghiệm nguyên mẫu vũ khí laser chống UAV. Theo đó, hệ thống vũ khí laser năng lượng cao (HEL) được thiết kế để bắn hạ các UAV từ kích cỡ nhỏ đến các mẫu trinh sát lớn hơn.
Hệ thống này có thể đánh chặn UAV nặng tới 600kg và bay với tốc độ 463km/h ở độ cao 5.500m. Quân đội Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 20 hệ thống vào quý 3 của năm tài chính 2026.
Thực tế, Mỹ đã sở hữu vũ khí laser LOCUST có khả năng vô hiệu hóa UAV kể từ năm 2022. LOCUST tung đòn “tiêu diệt cứng” bằng chùm tia 20 kilowatt, tức đủ sức hạ gục UAV về mặt vật lý khi đang bay.
Về phần mình, Trung Quốc nhận thấy tầm quan trọng của các loại đạn dược lơ lửng trên không và hệ thống tự hành khác trong chiến tranh hiện đại, như đã được chứng minh trong xung đột Nga - Ukraine.
Mỹ có ý định triển khai các hệ thống tự hành nhỏ trên quy mô lớn để bao vây các hệ thống phòng không của quân đội Trung Quốc, qua đó làm suy yếu khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của đối phương. Để đạt mục đích này, Lầu Năm Góc sẵn sàng chi 1 tỉ USD cho một phi đội UAV trong năm tài chính 2025.
Trước tình hình trên, Bắc Kinh đã ưu tiên phát triển vũ khí năng lượng định hướng nhằm đối phó các mối đe dọa tự hành. Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) đã đề xuất một hệ thống tích hợp khả năng chống UAV nhỏ, trong đó kết hợp các tia laser cơ động cao với các tài sản phòng không thông thường.
Vào cuối năm ngoái, CASIC đã công bố 4 vũ khí laser mới nhất được thiết kế để loại bỏ các UAV nhỏ, tầm thấp. Vũ khí mới thuộc loạt laser Light Arrow và Sky Shield.
Việc bổ sung vũ khí laser Light Arrow và Sky Shield sẽ cung cấp cho các đơn vị phòng không Trung Quốc những nền tảng mới, từ đó nâng cao hiệu quả về chi phí và độ sát thương của hệ thống chống UAV nhỏ mới nổi của nước này.
Không phải “viên đạn bạc”
Tia laser có thể là vũ khí tiêu diệt UAV hiệu quả hơn tên lửa đánh chặn, song vũ khí này vẫn chưa được triển khai ở quy mô lớn và đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Laser được thiết kế để hướng một chùm ánh sáng mạnh sử dụng nhiệt xuyên phá mục tiêu. Nhưng tia laser phải có độ chính xác cao và bám trụ đủ lâu trên một điểm để đốt cháy mục tiêu - một nhiệm vụ không dễ dàng khi đối đầu với tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh. Nếu không, tia laser phải có đủ năng lượng để nhanh chóng thiêu đốt mục tiêu. Một thách thức nữa là tên lửa có thể được chế tạo bằng loại nhựa và kim loại với khả năng chống tia laser tốt hơn.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)