08/09/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo mô hình carbon thấp

(ĐCSVN) - Chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa gạo carbon thấp là một chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững và nằm trong nỗ lực để Việt Nam thực hiện tiến trình đưa phát thải ròng về 0.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (không) trong giai đoạn 2030 - 2050. Nông nghiệp là lĩnh vực chiếm 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính Việt Nam vào năm 2023, tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực trong đó có sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, lúa là cây trồng chính của Việt Nam và có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh lương thực, do đó, việc cắt giảm sản lượng lúa là một thách thức. Thay vào đó, chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa gạo carbon thấp là một chiến  lược phát triển nông nghiệp bền vững và nằm trong nỗ lực để Việt  Nam thực hiện tiến trình đưa phát thải ròng về 0.

Nhân rộng các mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (Ảnh: PV) 

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi sang mô hình này gồm có:

Một là, triển khai cơ chế bù trừ và trao đổi tín chỉ carbon cho các mô hình trồng lúa carbon thấp.

Cơ chế trao đổi tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon sẽ mang lại nhiều nguồn lợi thúc đẩy việc chuyển đổi sang mô hình trồng lúa carbon thấp. Doanh thu từ việc trao đổi giấy phép carbon có thể dùng để tái đầu tư vào mô hình sản xuất. Theo đó, cấp địa phương cần nhận thức rõ ràng, thị trường carbon với quy mô và phạm vi rộng và phức tạp thường sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn nhưng đồng thời đòi hỏi sự chuẩn bị và cơ sở pháp lý, kỹ thuật chi tiết và chặt chẽ. Để triển khai thị trường carbon, cần có một hệ thống thuế, phí và mua bán hạn ngạch và việc này đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài.

Ở giai đoạn ban đầu, Việt Nam cần cân nhắc về mức độ quy mô khi thiết lập thị trường, có thể thí điểm ở quy mô ngành (như Liên minh châu Âu) hoặc dạng tự nguyện (như Thái Lan), hoặc cơ chế cấp địa phương (như Trung Quốc). Việt Nam có thể áp dụng bài học từ Thái Lan khi thiết lập các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện trước khi triển khai thị trường carbon bắt buộc. Chương trình bù đắp carbon sẽ có thể tận dụng được sự đóng góp của các bên tham gia (tổ chức trong nước và quốc tế, các quỹ carbon) để hỗ trợ các hoạt động giảm phát khí thải trong nước. Trong thời gian ngắn, việc bù đắp carbon sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Một thuận lợi khác của Việt Nam là đã có nhiều năm kinh nghiệm và hoạt động tích cực trong các cơ chế tạo tín chỉ song phương và đa phương như CDM và JCM.

Xem xét đưa ra lộ trình tham gia thị trường carbon cụ thể đối với mô hình trồng lúa carbon thấp. Hoàn thiện khung pháp lý để người nông dân có thể tiếp cận các nguồn doanh thu và đầu tư thông qua các chương trình trao đổi và thương mại tín chỉ carbon.

Nghị định số 06/2022/ND-CP ngày 07/01/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đưa ra lộ trình triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2027 sẽ tập trung xây dựng các hệ thống pháp lý để quản lý tín chỉ, trao đổi và vận hàng trên sàn giao dịch. Từ năm 2028 trở đi sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức. Việt Nam cần sớm thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo quy định tại Điều 6 Thảo thuận Paris về thành lập và vận hành thị trường carbon trong nước. Đối với mô hình trồng lúa carbon thấp, cần phải đưa ra một lộ trình cụ thể tương ứng với thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước nói chung. Lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng có thể thực hiện các chính sách đơn giản hơn khi mức độ sẵn sàng tham gia giao dịch là thấp và tăng dần lên các hệ thống phức tạp hơn theo thời gian.

Phát triển Hệ thống Đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV), thu thập và thử nghiệm dữ liệu từ việc để các khu vực tự nguyên thiết lập và phân bổ mục tiêu. Bất kỳ thị trường carbon nào cũng cần phải xây dựng hệ thống MRV. Triển khai thành công hệ thống MRV có thể xem là một trong những bước đầu tiên để tiến tới hình thành thị trường carbon trong nước. Phương pháp đo lường và đánh giá phát thải là một quy trình ràng buộc bởi các cam kết của quốc gia để tạo thành các khuôn khổ pháp lý cho hệ thống MRV. Vì vậy, đối với các mô hình trồng lúa carbon thấp, trước hết cần xây dựng hệ thống MRV đối với lĩnh vực này với các quy định, quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm định rõ ràng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ của các cơ quan về công tác đo đạc, báo cáo và thẩm định. Việc xây dựng hệ thống MRV có thể lấy kinh nghiệm từ dự án thí điểm VnSAT và các dự án CDM, JCM đã thực hiện ở Việt Nam. Hệ thống MRV có thể giúp nhà quản lý xây dựng được hệ thống dữ liệu thử nghiệm đối với lượng giảm thải carbon ở mô hình trồng lúa carbon thấp trên các khu vực.

Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người nông dân về tín chỉ carbon và cách thức vận hành của các cơ chế bù trừ cũng như trao đổi carbon. Thị trường carbon và các cơ chế bù trừ tín chỉ carbon là lĩnh vực rất mới, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng. Vì vậy, nâng cao nhận thức của người nông dân về lợi ích của việc tham gia vào các chương trình này là những bước quan trọng. Thứ nhất, cần cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp và người nông dân. Thứ hai, cần triển khai các hệ thống đo lường, giám sát, các cơ sở hạ tầng kĩ thuật  để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận tín chỉ carbon.

Hai là, tạo các điều kiện thúc đẩy tài chính hướng tới mô hình trồng lúa carbon thấp. Các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý, các tiêu chí cụ thể để đưa các mô hình lúa gạo carbon thấp vào danh mục được cấp tín dụng xanh. Trong nỗ lực hướng đến các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 do Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều kế hoạch và Chương trình hành động, trong đó có tăng tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Mặc dù mức tăng trưởng dư nợ đối với các lĩnh vực xanh khá cao (khoảng 23%/năm trong giai đoạn 2017 - 2022), tập trung chủ yếu vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, tuy nhiên, hiện nay chưa có khung pháp lý, tiêu chí môi trường, danh mục dự án xanh nên chưa xây dựng được căn cứ và tiêu chí cụ thể để phân loại dự án xanh. Điều này gây ra nhiều hạn chế cho quá trình thẩm định cấp tín dụng xanh. Vì vậy, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và NHNN cần phối hợp để hoàn thiện các khung pháp lý, hướng dẫn về các tiêu chí môi trường  và việc xác nhận mô hình trồng lúa carbon thấp là phù hợp với phân ngành kinh tế, quy định về tiêu chí để tạo điều kiện và căn cứ cho quá trình thẩm định, đánh giá và giám sát của các tổ chức tín dụng khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Khuyến khích người nông dân đầu tư vào mô hình lúa gạo carbon thấp thông qua nâng cao hiểu biết và chính sách hỗ trợ Hệ thống và các trung tâm khuyến nông cần tuyên truyền, hỗ trợ người nông dân trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính ngân hàng, tín dụng vi mô và các nguồn tín dụng chính thức. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng có thể phối hợp cùng trung tâm khuyến nông để mở các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về các nguồn vốn và vai trò của tín dụng trong các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững. Nông dân cần được cập nhật các thông tin về các hình thức thế chấp khác nhau khi vay vốn, chương trình vay tín dụng tiêu dùng không cần thế chấp, vay thấu chi tại thị trường nông thôn.

Ở Việt Nam, hiện nay, nhiều giải pháp canh tác lúa carbon thấp đã được giới thiệu, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực và chứng minh được tính khả thi về kinh tế (Ảnh: PV)

Ngân hàng Nhà nước cần tăng khả năng cung ứng vốn cho các nông dân. Kéo dài thời gian vay, cơ chế bảo lãnh đặc thù và thiết kế các điều kiện vay phù hợp với mô hình trồng lúa carbon thấp. Ngoài ra, Bộ TN&MT cần có cơ chế định giá đất trồng lúa với các địa phương áp dụng mô hình trồng lúa carbon thấp nói riêng và nông nghiệp bền vững nói chung để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân bảo lãnh các khoản vay.

Ba là, xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất (quy trình sản xuất) và người tiêu dùng (thị trường) thông qua chứng nhận chất lượng về lúa gạo trồng theo mô hình carbon thấp liên kết giữa thị trường và sản xuất đối với lúa gạo carbon thấp có thể thúc đẩy người nông dân chuyển sang mô hình trồng lúa carbon thấp. Theo đó, người nông dân có động lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất carbon thấp khi thị trường công nhận và có nhu cầu về loại lúa này. Một trong những cách thức để nông dân có thể tiếp cận các cơ hội thị trường là bằng cách thông qua các chứng nhận chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, tạo ra mối liên kết giữa quy trình sản xuất và thị trường. Bộ NN&PTNT cần thống nhất và đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với quy trình sản xuất lúa gạo carbon thấp.

Hiện nay, nhiều giải pháp canh tác lúa carbon thấp đã được giới thiệu, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực và chứng minh được tính khả thi về kinh tế. Một số chương trình như kỹ thuật “1 phải 5 giảm” được áp dụng trong dự án VnSAT, Quy chuẩn canh tác bền vững SRP được áp dụng trong “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, chương trình “3 giảm 3 tăng”, một số kỹ thuật được áp dụng riêng lẻ của từng tỉnh như kỹ thuật “1 phải 6 giảm” áp dụng tại Kiên Giang. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các quy trình trồng lúa bền vững áp dụng riêng cho doanh nghiệp. Trên thực tế, việc đưa ra một mô hình chung và thống nhất còn gặp nhiều khó khăn cho điều kiện khí hậu, canh tác và tài nguyên của mỗi khu vực đều khác nhau. Vì vậy, để có thể đưa ra chứng nhận chất lượng đối với các mô hình lúa gạo carbon thấp, các chuyên gia cần nghiên cứu và thống nhất bộ tiêu chuẩn.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cập nhật và tích hợp các tiêu chuẩn về lúa gạo carbon thấp vào các chứng nhận chất lượng hiện có và đưa ra các chứng nhận chất lượng mới.

Việc đưa các tiêu chuẩn về trồng lúa carbon thấp vào chứng nhận chất lượng có thể: (i) thúc đẩy sản xuất xanh bằng cách kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp tại nguồn; và (ii) nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường của các sản phẩm lúa gạo carbon thấp và thúc đẩy tăng trưởng thu nhập của nông dân, từ đó thúc đẩy nông dân thực hành sản xuất lúa gạo carbon thấp.

Hiện nay, Việt Nam đã có một số chứng nhận chất lượng cho lúa gạo, ví dụ: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN về nông nghiệp hữu cơ cho lúa gạo, Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu, Global GAP (tiêu chuẩn chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu); ISO 22000 (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm); HACCP (hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu); Chứng nhận JAS (tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản, áp dụng cho dòng gạo hữu cơ). Có thể tích hợp tiêu chuẩn của các chứng nhận chất lượng này cho các mô hình trồng lúa carbon thấp. Bên cạnh đó, có thể đưa ra các khung tiêu chuẩn quốc gia và chứng nhận về mô hình trồng lúa carbon thấp. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cần tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng về lợi ích của các sản phẩm sản xuất theo quy trình giảm phát thải nói chung và lúa gạo carbon thấp nói riêng, nhằm tăng độ nhận diện và từng bước thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng, từ đó có thể tạo lập và phát triển thị trường lúa gạo carbon thấp, thúc đẩy mô hình sản xuất lúa gạo này.

Nhóm chuyên gia cũng đề xuất, dựa vào nguồn tài nguyên bản địa, Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo dựa trên thương hiệu và kết hợp các đặc điểm về văn hóa, lịch sử, địa lý của khu vực để thúc đẩy cộng đồng trồng lúa phát triển bền vững./.

 

Lê Anh

Liên quan

Hơn 110 chuyến bay của Vietnam Airlines điều chỉnh lịch do ảnh hưởng của bão Yagi
(ĐCSVN) – Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3 – Yagi và yêu cầu đóng cửa một số sân bay của Cục Hàng không, dự kiến hơn 110 chuyến bay của Vietnam Airlines sẽ bị hủy và điều chỉnh giờ khai thác.
Rút nhân sự vận hành tại trạm BOT chịu ảnh hưởng bão số 3
(ĐCSVN) – Trạm thu phí BOT tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3 (Bão Yagai) được phép rút nhân sự vận hành, mở barie để tự đi qua.
Giá vàng hôm nay 7/9/2024: Vàng nhẫn giảm 200.000 đồng một lượng
Giá vàng miếng đứng yên nhưng vàng nhẫn giảm 200.000 đồng khi thế giới rớt dưới ngưỡng 2.500 USD/ounce.
Trao giải thiết kế gian hàng đẹp nhất tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh
(ĐCSVN) - Ngày 6/9, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 18, năm 2024 (ITE HCMC 2024), Ban tổ chức đã trao giải Thiết kế gian hàng đẹp nhất nhằm vinh danh các đơn vị trong nước và quốc tế có nhiều đóng góp tích cực cho Hội chợ năm nay.
Vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân bằng 0%
(ĐCSVN) - Bộ Tài chính vừa cho biết, trong 8 tháng qua có 13 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của nước. Đặc biệt, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân bằng 0%.

Hơn 20,52 tỉ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam 

* 8 tháng, khu vực FDI xuất siêu hơn 32,8 tỉ USD

Nuôi tôm công nghệ cao gặp nhiều khó khăn 

Dù diện tích nuôi thực tế chỉ chiếm 20-25% tổng diện tích, nhưng nếu xét về giá trị lợi nhuận tuyệt đối trên một đơn vị diện tích thì mô hình nuôi tôm công nghệ cao (hay còn gọi là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao) là vô đối.

Từ 1-9, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô trong 3 tháng 

(CT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2024/NÐ-CP, ngày 29-8-2024, quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

TP.Tân An và các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ có khoảng 4.750 doanh nghiệp đăng ký hoạt động   

Theo số liệu của UBND tỉnh, TP.Tân An và 3 huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ có khoảng 4.750 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vốn đăng ký 144.526 tỉ đồng.

WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 

Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 8-2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, các chuyên gia nhận định, triển vọng kinh tế của Việt Nam là tích cực, cơ hội và rủi ro ở thế cân bằng.
Top