21/11/2024
x
+
aa
-

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm hướng đi mới English Edition

Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh gặp khó khi xuất khẩu gạo sang thị trường truyền thống và tích cực mở rộng sang nhiều thị trường mới tiềm năng hơn.
Hiện nay, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo của tỉnh gặp khó khi xuất khẩu gạo sang thị trường truyền thống và tích cực mở rộng sang nhiều thị trường mới tiềm năng hơn.

Sụt giảm xuất khẩu sang thị trường truyền thống

Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Dương Vũ (xã Bình Thạnh, Thủ Thừa, tỉnh Long An) - Nguyễn Quang Hòa cho biết: Từ năm 2023 trở về trước, thị trường xuất khẩu phần lớn của Cty là Trung Quốc với mặt hàng nếp. Thế nhưng, từ năm 2024, thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu nếp từ Việt Nam. Trước sự sụt giảm nhập khẩu mặt hàng nếp từ Trung Quốc, Cty giảm xuất khẩu đến thị trường này từ 400-500% so với năm 2023.

Theo ông Hòa, 6 tháng đầu năm 2024, Cty xuất khẩu được 160.000 tấn gạo, nếp. Sự thay đổi bất ngờ về thị trường của Trung Quốc dẫn đến sản lượng xuất khẩu của Cty sụt giảm mạnh.

Nhiều doanh nghiệp hiện chuyển hướng thị trường xuất khẩu gạo

Giám đốc Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến (xã Khánh Hậu, TP.Tân An) - Nguyễn Thành Mười nhận định, năm 2023-2024, giá gạo bán ra khá ổn định, nông dân được mùa, được giá. Tuy giá xuất khẩu tốt nhưng DN tham gia chế biến, xuất khẩu không gặp thuận lợi bởi còn lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bản thân DN của ông cũng gặp khó trong xuất khẩu và phải chuyển hướng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Singapore, Philippin, Indonesia, Malaysia,...

Hiện nay, bình quân 1 tháng, Cty Tân Đồng Tiến xuất khẩu hàng trăm tấn gạo thành phẩm, trong đó thị trường Malaysia chiếm ưu thế. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, nếu như trước năm 2024, Cty xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn/tháng, nay chỉ còn hơn 10.000 tấn/tháng.

Phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, một số khó khăn khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm do hàng năm nước này ban hành hạn ngạch nhập khẩu đối với gạo, siết chặt hạn ngạch nhập khẩu, giới hạn DN xuất chính ngạch.

Ngoài ra, Trung Quốc hạn chế số lượng DN gạo được phép xuất khẩu sang; nâng tiêu chuẩn về chất lượng gạo lên so với trước từ chất lượng cho đến mẫu mã bao bì.

Nhiều DN còn nhận định, Trung Quốc có chính sách dự trữ gạo quốc gia khá tốt. Do đó, thương nhân ngành gạo ở quốc gia này chủ yếu mua vào khi giá gạo thế giới xuống thấp. Chưa kể hiện nay, giá các loại gạo nếp, gạo tẻ xuất khẩu của Việt Nam đều cao hơn so với giá các mặt hàng gạo cùng loại của Trung Quốc. Vì thế, mặc dù số lượng các DN xuất khẩu vào thị trường này được tăng thêm nhưng sẽ khó tỷ lệ thuận với việc kim ngạch xuất khẩu gạo vào Trung Quốc tăng lên tương ứng.

Thay đổi để thích ứng

Theo ông Nguyễn Quang Hòa, việc thay đổi thị trường xuất khẩu mới, Cty phải thay đổi nhiều công nghệ chế biến, xay xát, thậm chí phải thay đổi tất cả các chủng loại lúa gạo để xuất sang các nước này. Nếu như trước năm 2023, Cty Dương Vũ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 90% sản lượng nếp chế biến thì hiện nay, thị trường này không nhập khẩu nếp nữa. Vì vậy, Cty chuyển sang thị trường khác như Philippin, Singapore, Malaysia,... Giống lúa, gạo các thị trường này cần là 5451, Đài thơm 8,... Để thích ứng với tình cảnh xuất khẩu mới, Cty đang hướng nông dân đa dạng hóa giống lúa phù hợp cho xuất khẩu.

Tương tự, Cty Dương Vũ, Tân Đồng Tiến cũng chuyển hướng xuất khẩu sang nhiều thị trường mới nhiều tiềm năng. Theo nhận xét của ông Nguyễn Thành Mười, điểm cộng ở các thị trường mới là tất cả DN tham gia nhập khẩu gạo đều nhập khẩu theo đường chính ngạch. Hiện nay, Malaysia là thị trường chính của Cty, ngoài ra còn có Indonesia, Singapore và các thị trường khác.

Theo lãnh đạo Cty Lương thực Long An, ngoài cố gắng duy trì và giữ vững thị trường cũng như khách hàng truyền thống, Cty tiếp tục phát triển thêm các khách hàng mới trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thị trường trong nước và ngoài nước. 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng bán ra của Cty là trên 86.999 tấn, đạt hơn 47% so với kế hoạch bán ra 180.000 tấn. Trong số lượng sản phẩm bán ra, có hơn 30% dành cho xuất khẩu, phần còn lại bán nội địa.

Trước tình trạng thị trường xuất khẩu gạo của DN có nhiều thay đổi, gặp không ít khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Long An; UBND các huyện, thị xã, thành phố; thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ theo Công văn số 4377/VPCP-KTTH, ngày 24/6/2024 của Văn phòng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, quí I-2024 và dự báo xuất khẩu trong thời gian tới.

UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình hoạt động của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là việc duy trì điều kiện kinh doanh, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đối với các vấn đề phát sinh. Các cơ quan cấp tỉnh phải thường xuyên phối hợp các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại ở nước ngoài hỗ trợ DN thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gạo thông qua các hội chợ, diễn đàn, hội thảo, hội nghị về xúc tiến thương mại, kết nối giao thương,… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho mặt hàng gạo./.

Mai Hương

Top