30/04/2025
x
+
aa
-

Độc đáo mô hình nông nghiệp tuần hoàn không xả thải

Mô hình Aquaponic mang lại giá trị kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm thực phẩm an toàn, tươi, sạch.
Đối với Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Công nghệ Sinh học Mega - Nguyễn Ngọc Thạnh (tổ 16, ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), chuyện nuôi mực, nuôi cá ngay tại đô thị không phải là việc khó bởi ông đã nghiên cứu, ứng dụng thành công mô hình Aquaponic. Mô hình này mang lại giá trị kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm thực phẩm an toàn, tươi, sạch.

Là một kỹ sư thủy sản, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, ông Thạnh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, ông ứng dụng công nghệ Aquaponic trong sản xuất. Đây là mô hình kết hợp giữa trồng cây thủy canh và nuôi thủy sản tuần hoàn.

Theo đó, chất thải hữu cơ trong quá trình nuôi cá (thức ăn thừa, phân cá,...) qua hệ thống vi sinh vật sẽ được chuyển hóa thành các chất vô cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Thạnh (tổ 16, ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) cho cá ăn

Ban đầu, ông Thạnh áp dụng thành công với các loài thủy sản nước ngọt như cá chình, cá chạch lấu, cá lăng vàng, cá heo nước ngọt,… và một số loại rau, cây ăn trái.

Thấy được hiệu quả, năm 2022, ông tiếp tục nghiên cứu và triển khai công nghệ Aquaponic nước mặn. Aquaponic nước mặn hiện nay chưa có nhiều đơn vị làm, đặc biệt là những nơi quá xa biển. Những địa phương này không chủ động được nguồn nước biển và chưa có loại rau, tảo nào ứng dụng hiệu quả trong môi trường nuôi thủy sản nước mặn và tuần hoàn.

Trước tình hình trên, ông Thạnh sáng tạo công thức pha nước biển. Theo đó, thủy sản biển như cua, cá, tôm, mực,… có thể nuôi được bất kỳ nơi nào mà không cần ra biển đem nước về.

Nguyên liệu dùng để làm nước biển nhân tạo là nguồn nước tự nhiên. Ông ước tính giá 1.000 lít nước biển nhân tạo là 250.000 đồng. Loại nước này được xử lý bằng công thức đặc biệt, bước vào trại nuôi không ngửi thấy mùi tanh. Rau thủy canh trồng bằng nước này phát triển xanh tốt, ít sâu, bệnh, chất lượng và an toàn.

Rau thủy canh nước mặn trong mô hình của ông Nguyễn Ngọc Thạnh

Hiện tại, trại nuôi Phước Lý có nhiều loài độc, lạ nhưng nổi bật và nhiều nhất là mực lá. Trứng mực được thu mua từ biển miền Trung đem về, trong vòng 24 giờ sẽ đưa vào bể ấp, tùy theo trứng non hay già mà có thể nở sau vài ngày hoặc kéo dài đến 2 tuần.

Sau khi nở, mực non được đưa vào bể ươm chạy tuần hoàn Aquaponic, cho ăn tôm sú, tôm thẻ, cá con,... cho đến khi thu hoạch. Hiện ông bắt mực giống tự nhiên (từ 20-50g/con) về nuôi vì giá thành tốt hơn so với ấp trứng mực.

Theo ông Thạnh, mô hình Aquaponic là xu hướng của nông nghiệp đô thị khi không xả thải ra môi trường bên ngoài, không gây ô nhiễm. Mô hình cũng không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; thủy sản và rau bảo đảm sạch, an toàn. Người nuôi chỉ cần diện tích khoảng 5m2 là có thể triển khai mô hình.

Năng suất cao cũng là một điểm cộng của mô hình. Theo tính toán, cá có thể đạt 80kg/m3/vụ nuôi, rau có thể đạt 2,5kg/m2/tháng.

Ngoài ra, hệ thống Aquaponic không đòi hỏi người giám sát và vận hành có trình độ kỹ thuật cao, công việc chính cần phải làm là cho cá ăn, thu hoạch rau, bổ sung cây con.

Ông Thạnh chia sẻ: “Lúc trước, do mô hình mới nên tìm kênh tiêu thụ là một trong những vấn đề nan giải. Nhưng khi người tiêu dùng hiểu được giá trị sản phẩm, hiểu được Aquaponic thì ủng hộ vì giá trị cao mà nó mang lại. Sắp tới, chúng tôi hoàn thiện các khâu, nhân rộng cho một số nhà đầu tư quan tâm. Đến lúc thích hợp, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ nông dân”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lý - Đoàn Quốc Thông, xã thuận lợi để phát triển các mô hình kinh tế ven đô. Trong đó, Cty TNHH Công nghệ Sinh học Mega là một trong những đơn vị điển hình.

Với vai trò chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thạnh đã đồng hành với địa phương trong các công tác an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho 20 lao động.

Mong rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của doanh nghiệp và địa phương, mô hình Aquaponic của ông Nguyễn Ngọc Thạnh sẽ phát triển ngày càng lớn mạnh, tạo tiền đề, hướng đi mới cho nền nông nghiệp./.

Huỳnh Thông - Hoàng Tuân

Other news

Đổi mới tư duy về kinh tế tập thể
Trải qua nửa thế kỷ phát triển, từ buổi ban đầu còn nhiều khó khăn, đến nay, khu vực kinh tế tập thể có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy liên kết sản xuất.
Cần Thơ tổ chức phát động ra quân tiêm phòng bệnh cho gia súc 
(CT) - Ngày 26-4, tại phường Châu Văn Liêm thuộc quận Ô Môn, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) TP Cần Thơ phối hợp với UBND quận Ô Môn tổ chức lễ phát động ra quân
'Cây lành, trái ngọt' sau 50 năm phát triển nông nghiệp
Nhờ nắm bắt thời cơ, tận dụng những lợi thế và khai thác tốt tiềm năng, ngành Nông nghiệp tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều dấu ấn và đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh.
'Hái ra tiền' nhờ thiết bị bay không người lái
Nhanh, gọn, hiệu quả và an toàn là ưu điểm của thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp.
Giải pháp quản lý rơm rạ trên đồng ruộng kết hợp cơ giới hóa, cải thiện sức khỏe đất 
(CT) - Ngày 24-4, tại Viện Lúa ĐBSCL ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, diễn ra chuỗi sự kiện hội thảo giải pháp quản lý rơm rạ trên đồng ruộng kết hợp cơ giới hóa, cải thiện sức khỏe đất và ra mắt nhãn hiệu gạo Việt xanh phát thải thấp, cùng lễ khởi động dự án “Triển khai dự án phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa”.
Top