Độc đáo nghệ thuật tranh nhôm
Anh Nguyễn Thanh Tùng (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) tận dụng vỏ lon bia, lon nước ngọt để sáng tạo ra dòng tranh nhôm
Không từ bỏ đam mê
Anh Tùng chia sẻ có niềm đam mê với mỹ thuật từ nhỏ nhưng đành gác lại ước mơ ngày bé để đi theo định hướng nghề nghiệp của gia đình. Anh theo học ngành Công nghệ thông tin và có hơn 10 năm gắn bó với công việc này. Tuy nhiên, niềm đam mê mỹ thuật ngày bé luôn được anh ấp ủ.
Với sự sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu, anh khát khao tạo ra sản phẩm từ các chất liệu tái chế. Ở tuổi 35, anh quyết định từ bỏ công việc đang làm và bắt đầu lại mọi thứ với con số 0.
Anh Tùng tận dụng vỏ lon bia, lon nước ngọt để sáng tạo ra dòng tranh nhôm - một trong những dòng tranh mới, rất ít người theo đuổi tại Long An. Năm 2022, anh đã đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.
“Để đến được hành trình này, mình cũng gặp nhiều sóng gió và sự ngăn cản của gia đình. Nhưng tình yêu nghệ thuật vẫn cháy bỏng, thời điểm đó, mình sẵn sàng bỏ tất cả công việc để đeo đuổi ước mơ. Mình đã nghiên cứu sản phẩm này đến nay tròn 10 năm nhưng bắt đầu phát triển trong vòng 3 năm trở lại đây. Mình cũng mất thời gian khá nhiều để phát triển nghề cũng như thuyết phục gia đình và hiện được gia đình ủng hộ” - anh Tùng nói.
Ban đầu, anh Tùng chỉ dùng những dụng cụ thô sơ để làm tranh nên tay của anh thường bị thương. Sau thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi, anh phát hiện ra dao phẫu thuật dùng trong y tế là dụng cụ phù hợp để thay thế lưỡi lam.
Theo anh, để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và mỗi công đoạn đều quan trọng như nhau, tạo thành một mắt xích chặt chẽ. Làm tranh nhôm đòi hỏi người làm phải vẽ chuẩn, uốn các chi tiết sắc sảo, đồng thời cắt và dán đúng kỹ thuật.
Chỉ với vài dụng cụ và chất liệu đơn giản tưởng chừng như bỏ đi nhưng anh Tùng đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đẹp mắt. Để tạo thêm màu sắc cho tranh nhôm, từ năm 2023 đến nay, anh nghiên cứu, sử dụng lá bồ đề để kết hợp làm tranh. Tùy thuộc vào kích thước và kiểu dáng tranh mà anh tốn khoảng thời gian khác nhau để hoàn thành tác phẩm. Có tranh chỉ làm trong nửa ngày nhưng cũng có tranh phải làm hàng tháng mới hoàn thành. Hiện tranh nhôm có giá dao động từ 180.000 đồng đến hàng chục triệu đồng/tranh. Lợi thế của dòng tranh này là độ bền cao và rất dễ bảo quản.
Sự khác biệt làm nên thành công
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dòng tranh như tranh màu nước, tranh đồng, tranh gạo,... đặc biệt là dòng tranh thêu đang rất được ưa chuộng. "Để tạo sự khác biệt với các dòng tranh trên thị trường, tôi đã hình thành ý tưởng sản xuất và kinh doanh các loại tranh nhôm từ những vật liệu là các phế thải như vỏ lon bia, nước ngọt,... trở thành những tác phẩm tinh xảo” - anh Tùng bộc bạch.
Những sản phẩm độc đáo từ tranh nhôm của anh Tùng
Những khách hàng ban đầu của anh Tùng là người thân, bạn bè. Thời gian qua, để nhiều người biết đến dòng tranh này, anh tận dụng những ưu thế của mạng xã hội để đăng tải nhiều thông tin về sản phẩm. Nhờ đó, anh tìm kiếm được lượng khách hàng mới trong và ngoài tỉnh.
Với sự nhạy bén, anh còn thường xuyên tham gia các buổi giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của thanh niên (TN) do cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức, qua đó, giới thiệu sản phẩm đến nhiều người.
Lần đầu tiên biết đến dòng tranh này qua Ngày hội TN khởi nghiệp, phát triển kinh tế gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2024, anh Nguyễn Thanh Chương (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) bày tỏ sự thích thú. “Tôi thấy loại tranh nhôm này khá mới ở Long An. Kỹ thuật rất đẹp, hơn nữa còn tận dụng những sản phẩm tái chế để làm nên bức tranh, góp phần bảo vệ môi trường” - anh Chương chia sẻ.
Có thể nói, thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong TN ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều TN dám nghĩ, dám làm, qua đó, tạo ra những mô hình kinh doanh mới có giá trị cho bản thân, gia đình, cộng đồng và anh Tùng chính là một minh chứng.
Theo Hội Liên hiệp TN Việt Nam huyện Bến Lức, từ phong trào TN khởi nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đa dạng trên các lĩnh vực do TN làm chủ. Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp TN Việt Nam huyện Bến Lức cũng tổ chức các buổi giao lưu để hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa TN tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để tư vấn, hỗ trợ TN khi có ý định khởi nghiệp và lập nghiệp. Gần đây, phong trào này có mô hình mới là khởi nghiệp từ tranh nhôm.
Đây cũng là một mô hình hay, sáng tạo, mang lại thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Với bàn tay khéo léo, anh Tùng đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh./.
Như Nguyệt