28/01/2025
x
+
aa
-

Duy trì, phát huy hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục 

Năm học vừa qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ đã đạt nhiều thành tựu trong giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn. Ðặc biệt, ngành có bước chuyển mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CÐS), góp phần nâng cao chất lượng hoạt động.

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức thực hiện thí điểm Mô hình “Thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ Căn cước công dân gắn chip” tại Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: B.NG

Ngành Giáo dục TP Cần Thơ hiện có 448 trường từ mầm non đến THPT (trong đó cấp mầm non có 170 trường), 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố, 9 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 9 Phòng GD&ÐT quận, huyện. Thời gian qua, lãnh đạo Sở GD&ÐT TP Cần Thơ luôn quan tâm thực hiện việc ứng dụng CNTT và nhận được sự đồng thuận của các Phòng GD&ÐT quận, huyện, các cơ sở giáo dục trực thuộc. Ðể đảm bảo công tác cải cách hành chính và CÐS phát huy hiệu quả, Sở GD&ÐT thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo CÐS ngành GD&ÐT, thành lập Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và CÐS của ngành, phụ trách lĩnh vực CÐS; Kế hoạch CÐS năm 2024 trong lĩnh vực GD&ÐT trên địa bàn...

Theo lãnh đạo Sở GD&ÐT thành phố, hầu hết cơ sở giáo dục đều được trang bị cơ bản các thiết bị CNTT, được kết nối Internet băng thông rộng phục vụ công tác quản lý, dạy và học. Ðội ngũ cán bộ phụ trách CNTT của cơ sở giáo dục có tinh thần trách nhiệm, học tập nâng cao trình độ chuyên môn... đáp ứng yêu cầu của công việc được giao. Năm học qua, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh triển khai nội dung CÐS, thực hiện giải pháp quản trị trường học thông qua việc ứng dụng CNTT trong quản lý học sinh phục vụ cho việc thống kê điểm số, học bạ và các thông tin liên quan đến học sinh. Cụ thể là “Ứng dụng Microsoft Teams trong quản lý và dạy học” của Trường THPT Châu Văn Liêm; “Phần mềm nhận diện gương mặt (điểm danh)” của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng…

Bên cạnh đó, việc các cơ sở giáo dục sử dụng thường xuyên thiết bị thông minh như tivi, máy tính, máy chiếu; xây dựng, phát triển các phòng học thông minh… đã góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT, CÐS trong giáo dục. Ðiển hình, Trường THCS Thị trấn Thới Lai được huyện đầu tư thí điểm xây dựng mô hình phòng học thông minh (3 phòng) vào năm 2023. Phòng học thông minh là phòng được trang bị các thiết bị như tivi tương tác màn hình 85 inch và bảng trượt thông minh; bục giảng tích hợp hệ thống micro, bộ xử lý âm thanh, loa, màn hình cảm ứng, máy tính; hệ thống camera ghi hình lại tiết dạy, máy tính đã được tích hợp sẵn các phần mềm, ứng dụng để phục vụ cho việc học; máy scan, wifi đường truyền tốc độ cao… Ðến nay, trường có 7 phòng học thông minh phục vụ 3 khối lớp. Năm học này, trường có khoảng 1.750 học sinh. Theo thầy Trần Quang Nhựt, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Thới Lai, so với phòng học truyền thống, việc dạy và học tại phòng học thông minh giúp học sinh tiếp cận môi trường học tập tiên tiến, hiện đại, tạo động lực cho các em tích cực tham gia học tập.

Ðiểm nổi bật khác trong ứng dụng CNTT và CÐS của ngành Giáo dục TP Cần Thơ năm học qua là 100% cơ sở giáo dục tiểu học, THCS, THPT có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số, theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và khả năng đáp ứng của đơn vị. Ở bậc tiểu học, năm học 2022-2023, TP Cần Thơ có 10 trường thuộc 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố được chọn triển khai thí điểm giáo dục STEM. Ðến nay, giáo dục STEM chính thức được đưa vào 100% trường tiểu học và triển khai dưới dạng chủ đề, để học sinh làm quen, tạo ra sản phẩm từ những kiến thức đã học để ứng dụng vào thực tế. Thành phố có 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt; 100% học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên có hồ sơ số về việc học tập cá nhân...

Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục đã được ngành và các cơ sở giáo dục triển khai từ nhiều năm trước trong quản lý, dạy và học. Ngành có hơn 1.000 cán bộ, giáo viên. Hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên của quận đã có kỹ năng rất tốt khi ứng dụng CNTT. Trước đây, việc ứng dụng CNTT chỉ trong những tiết thao giảng ở một số bộ môn; thì nay đã có trong từng tiết học, trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi giáo viên. Việc ứng dụng CNTT là phương tiện để giáo viên, học sinh có sự tương tác, kết nối thuận tiện, giúp chuyển tải các kiến thức đạt hiệu quả.

Nhiều năm qua, Sở GD&ÐT thành phố tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi và tra cứu kết quả Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng hình thức trực tuyến; các Phòng GD&ÐT quận, huyện đã triển khai tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình trực tuyến. Thực hiện Ðề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Sở tổ chức thí điểm 2 mô hình triển khai đề án là “Thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ Căn cước công dân gắn chip” và “Triển khai hệ thống quản lý trường học”...

* * *

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024; triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Sở GD&ÐT TP Cần Thơ tổ chức, đại biểu dự hội nghị đánh giá bên cạnh những kết quả nổi bật trong ứng dụng CNTT và CÐS, ngành vẫn còn một số khó khăn hạn chế về trường lớp, đội ngũ giáo viên. Trong thực hiện ứng dụng CNTT và CÐS giáo dục thì kinh phí thực hiện các chương trình, nội dung có liên quan CÐS chưa được bố trí kịp thời (kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, thư viện điện tử…); nhân sự phụ trách CÐS kiêm nhiệm, nên việc triển khai các nội dung có liên quan đến CÐS đôi khi chưa kịp thời.

Năm học 2024-2025, toàn ngành GD&ÐT thành phố tiếp tục tăng cường CÐS và ứng dụng CNTT trong GD&ÐT; tăng cường các điều kiện đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy - học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Tiếp tục xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung, triển khai thực hiện học bạ số, thư viện số. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực GD&ÐT. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết: Trong các nhiệm vụ trọng tâm năm học mới này, toàn ngành tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình CÐS giáo dục, các mô hình hiện đại, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

B.KIÊN

Other news

Người Việt đầu tiên được trao giải thưởng vũ trụ học của Hội Thiên văn học Mỹ
Một viện nghiên cứu ở Nhật và một đại học ở Mỹ đều đăng tin vui về công trình của một nhà khoa học Việt Nam được Hội Thiên văn học Mỹ (AAS) trao giải thưởng Buchalter về vũ trụ học 2024.
Trường Ðại học Cần Thơ mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo 
(CT)- Ngày 11-1, Hội đồng trường Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) tổ chức kỳ họp thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đa dạng, phong phú hình thức dạy và học 
Tại TP Cần Thơ, việc giáo dục học sinh không chỉ thực hiện trên lớp học, mà các trường còn tổ chức thực hành trải nghiệm kiến thức bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Xuất quân đội tuyển dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025 
(CT) - Lễ xuất quân đội tuyển học sinh giỏi (HSG) THPT TP Cần Thơ tham dự Kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT năm học 2024-2025, diễn ra vào sáng 22-12, tại Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng).
Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực 
Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện hiệu quả nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Top