24/05/2025
x
+
aa
-

Giải ngân đầu tư công ước đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao 

(CTO) - Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30-4-2025 là 128.512,9 tỉ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao.

(CTO) -  Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến ngày 30-4-2025 là 128.512,9 tỉ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao.

Bộ Tài chính vừa có công văn 5587/BTC-ĐT báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công NSNN 3 tháng, ước 4 tháng năm 2025 gửi Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tổng vốn đầu tư công năm 2025, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ, cơ quan trung ương và địa phương 825.922,3 tỉ đồng (chưa giao 3.443,2 tỉ đồng là vốn Chương trình mục tiêu quốc gia); trong đó, vốn ngân sách trung ương 350.195 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 475.727 tỉ đồng.

Giải ngân thấp hơn cùng kỳ

Theo Bộ Tài chính, ước đến ngày 30-4-2025, đã giải ngân vốn NSNN 128.512,9 tỉ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ 2024 (4 tháng năm 2024 giải ngân đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng giao). So với tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm nay đã bắt đầu có sự tăng tốc.

Cùng theo Bộ Tài chính, kết quả trong 4 tháng đầu năm 2025 có 10/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng giao đạt trên mức bình quân cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn 9 bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân, hoặc giải ngân rất thấp (15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 5%) và 12 địa phương giải ngân dưới 10%.

Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thảm nhựa cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, đoạn qua địa bàn Hậu Giang. Ảnh: AN CHI

Một trong những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách quy định chưa cụ thể về việc xác lập, xác định chi phí làm quản lý dự án, chi phí tư vấn của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng,… Luật đất đai 2024 mới có hiệu lực thi hành; các quy định, hướng dẫn về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh cũng được ban hành mới với nhiều nội dung thay đổi, quy định chưa rõ nên ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện, chưa thực sự chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị phê duyệt nhiệm vụ, hoàn thiện thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập dự toán, kế hoạch dẫn đến chưa phân bổ hết kế hoạch Thủ tướng giao. Tính đến thời điểm báo cáo còn khoảng 27.861,8 tỉ đồng chưa phân bổ, chiếm 3,37% kế hoạch Thủ tướng giao.

Một phần khó khăn trong giải ngân đầu tư công còn do ảnh hướng của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; một số dự án ODA giải ngân chậm do đang điều chỉnh chủ trương đầu tư, hoặc chờ gian gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chậm do chưa đạt thỏa thuận với người dân, chậm bàn giao mặt bằng; nguồn cung một số nguyên vật liệu hạn chế (đất, cát…)…

Các dự án giao thông trọng điểm giải ngân thấp hơn bình quân cả nước

Theo Bộ Tài chính, tình hình giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải cũng gặp nhiều khó khăn. Các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết toàn bộ 11/11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải với tổng số vốn 87.533,1 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 74.538,7 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.994,4 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã kịp thời duyệt dự toán để đảm bảo vốn cho các dự án. Tính đến hết ngày 31-3-2025, tổng vốn giải ngân của 11 dự án là 4.812,7 tỉ đồng, đạt 5,5% kế hoạch được giao; trong đó, vốn ngân sách trung ương là 3.950,3 tỉ đồng (đạt 5,3% kế hoạch), vốn ngân sách địa phương là 862,5 tỉ đồng (đạt 6,6%).

Như vậy, 3 tháng đầu năm nay, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải tiếp tục thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước (9,72%).

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua các địa phương, các chủ đầu tư đã nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và vật liệu xây dựng cần tiếp tục tập trung tháo gỡ.

Thi công dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang thuộc cao tốc Cần Thơ- Cà Mau. Ảnh: AN CHI

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo số 203/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các bộ, địa hương về tình hình đầu tư phát triển hệ thống giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thông báo khẳng định, việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc khu vực phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm cụ thể các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc triển khai đồng bộ các phương thức giao thông để thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tiếp tục hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua 500 ngày đêm nhằm mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc năm 2025; trong đó đến năm 2026, vùng ĐBSCL có khoảng 600km đường cao tốc.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương còn vướng GPMB phải xúc tiến nhanh bàn giao để thi công. Các cơ quan chủ quản các dự án chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu bám sát tiến độ (nhất là các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025); xác định rõ đường “găng tiến độ”, có giải pháp phù hợp để bù lại khối lượng đã chậm, tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính; tập trung thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra.

Về vốn bố trí bổ sung cho các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính bố trí đủ vốn trung hạn 2021-2025 và vốn năm 2025 cho Dự án Mỹ An - Cao Lãnh (150 tỉ đồng), bổ sung khoảng 426 tỉ đồng để hoàn thành dự án Cầu Rạch Miễu 2 (vào tháng 9-2025) và các dự án khác có nhu cầu bổ sung vốn để hoàn thành trong năm 2025.

Các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL khi hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Giải pháp trọng tâm để tăng tốc giải ngân

Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu 100% kế hoạch Thủ tướng giao, Bộ Tài chính kiến nghị với số vốn đã phân bổ, tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các văn bản của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… Đối với vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15-3-2025, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất phương án xử lý đối với số vốn chưa phân bổ này.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện các dự án ODA, kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án và giải ngân; phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời trao đổi với các nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh.

Đối với các dự án vốn ngân sách địa phương, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn.

Bộ Tài chính đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phân công phân nhiệm rõ ràng giữa các cấp, các ngành để đảm bảo khoa học, hiệu quả trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn… Tập trung cho các dự án cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

Cầu Rạch Miễu 2 sẽ hoàn thành trong tháng 9-2025. Ảnh: AN CHI

Song song đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần báo cáo cụ thể những vướng mắc, khó khăn của từng dự án và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, thẩm quyền xử lý vướng mắc. Xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ theo từng tháng, quý làm cơ sở rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược… Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% năm 2025.

GIA BẢO

Other news

VinVentures đồng hành cùng NIC tổ chức diễn đàn “Venture Forum 2025” 
VinVentures, Quỹ đầu tư công nghệ thuộc Tập đoàn Vingroup sẽ phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Diễn đàn đầu tư công nghệ cấp cao Venture Forum 2025 với chủ đề “Tái định nghĩa nguồn vốn” (Rethinking Capital).
Doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam: “Luật không cấm, tư duy đừng cản” 
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC, nêu quan điểm về việc để doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân
Ngoài chăm lo về cơ sở vật chất, nhiều Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp trong tỉnh còn quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, lao động.
Ông Ngô Văn Đông tái đắc cử chức vụ Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền     
Đảng bộ Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức thành công Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tăng tốc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền 
Việc triển khai hóa đơn điện tử (HÐÐT) khởi tạo từ máy tính tiền (MTT) có kết nối với cơ quan Thuế góp phần hiện đại hóa công tác quản lý thuế, giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý doanh thu của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Top