Giải pháp an toàn phòng, chống ngập lụt, bảo vệ môi trường
Hằng năm, vào mùa nước nổi (từ tháng 9, 10 và 11), TP Cần Thơ cũng như nhiều địa phương vùng ĐBSCL chịu cảnh ngập lụt bởi những cơn thủy triều đầu và giữa tháng. Tình trạng này không những ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, mà còn đe dọa tính mạng, sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường đô thị… Tìm giải pháp phòng, chống ngập lụt, bảo vệ môi trường đang được TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác trong vùng ĐBSCL nỗ lực thực hiện
Âu thuyền Cái Khế - công trình vừa có tác dụng phòng, chống ngập lụt do triều cường cho vùng lõi TP Cần Thơ, vừa tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch.
Dự báo ngập lụt
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo: tháng 9-2024, tại khu vực thượng lưu và hạ lưu sông Mekong có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5-15%; tại khu vực trung lưu phổ biến cao hơn từ 15-30% so với TBNN và cùng thời kỳ năm 2023. Từ tháng 10 đến 11-2024, tổng lượng mưa ở khu vực thượng lưu thấp hơn từ 5-20%, khu vực trung lưu và hạ lưu cao hơn từ 10-20% so với TBNN. Tình hình nguồn nước bắt đầu có nhiều thay đổi, đỉnh lũ chính vụ thượng nguồn ÐBSCL năm 2024 có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, cụ thể đỉnh lũ tại Tân Châu dao động ở mức 3,2-3,5m (tương đương báo động 1), đỉnh lũ tại Châu Ðốc dao động ở mức 2,9-3,2m (xấp xỉ báo động 1). Lũ nội đồng đạt đỉnh ở mức xấp xỉ và lớn hơn báo động 1 trên vùng thượng nguồn; ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 3 xuất hiện ở vùng giữa và ven biển ÐBSCL.
Cụ thể, tại vùng thượng mực nước có xu thế cao ở khu vực đầu nguồn ven sông chính, thấp dần về phía khu vực cuối nguồn xa sông chính và về phía bên trong nội đồng. Mực nước ở mức cao từ 2,25-4,2m tập trung ở các huyện An Phú, thị xã Tân Châu, TP Châu Ðốc, huyện Phú Tân, TP Long Xuyên, huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, huyện Tam Nông của tỉnh Ðồng Tháp, các khu vực ở phía dưới, xa sông chính mực nước ở mức dưới 2,25m. Vùng giữa ÐBSCL, đỉnh lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động 2, báo động 3 và một số trạm trên mức báo động 3 từ 3-25cm. Khu vực trung tâm TP Cần Thơ, mực nước dự báo cao nhất có thể đạt 2,13m (tại Cần Thơ, cao hơn báo động 3 là 0,13m vào đợt triều cường đầu và giữa tháng 10-2024). Vùng ven biển ÐBSCL, đỉnh lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động 2, báo động 3 và một số trạm trên mức báo động 3 từ 3-30cm.
Trước tình hình trên, các bộ, ngành chức năng yêu cầu: đối với vùng giữa ÐBSCL, các địa phương cần lưu ý tình trạng ngập úng, ngập do triều có thể xảy ra ở mức cao trên những khu vực có địa hình thấp thuộc các tỉnh, thành như khu vực ven sông Tiền và sông Hậu của tỉnh Ðồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Trong đó nguy cơ bị ngập do triều cao nhất là trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Ðối với khu vực ven Biển Ðông tuy ít bị ảnh hưởng bởi lũ đầu nguồn nhưng do triều cường được dự báo ở mức khá cao, nên vẫn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập do triều trên những khu vực có địa hình thấp tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, một phần nằm gần biển Ðông của tỉnh Cà Mau. Ðối với khu vực ven biển Tây là vùng ít bị ảnh hưởng bởi lũ đầu nguồn, nhưng do địa hình thấp trũng, mưa tập trung lớn kết hợp triều cường, nên nguy cơ ngập do triều cường và mưa lớn ở vùng có địa hình thấp, như trên địa bàn TP Cà Mau và các khu dân cư có địa hình trũng thấp thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gồm địa bàn các huyện An Minh, An Biên, Châu Thành, TP Rạch Giá, huyện Giồng Riềng, Gò Quao của tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, khu vực trung tâm vùng Bán đảo Cà Mau thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cần đặc biệt lưu ý nguy cơ ngập úng khi mưa lớn xảy ra trong các kỳ triều cường tháng 9, 10, 11-2024.
Giải pháp ứng phó
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương vùng ÐBSCL theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, khuyến cáo về kế hoạch sử dụng nước do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp; xây dựng kế hoạch phòng, chống ngập lụt, ngập úng với các kịch bản có khả năng xảy ra để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp. Các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước, cân đối để bố trí việc sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa, nuôi trồng thủy sản phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của ngập lụt, ngập úng ảnh hưởng đến năng suất sản xuất nông nghiệp. Tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp yếu, đặc biệt các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước; tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, lũ nội đồng tới người dân, tổ chức liên quan để chủ động đề phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và sử dụng nước hiệu quả.
Ðối với ngập lũ nội đồng, các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, xác định cụ thể các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy sự cố trong mùa lũ; khoanh vùng cây trồng trọng điểm cần tăng cường bảo vệ (cây ăn trái, cây có giá trị kinh tế cao…). Chỉ xuống giống vụ thu đông ở các vùng có ô bao kiểm soát lũ cả năm đảm bảo cao trình, tăng cường gia cố đê bao, bờ bao xung yếu. Ðối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng.
Tại TP Cần Thơ, Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được đầu tư xây dựng các công trình chống ngập, như hệ thống kè, hệ thống cống, âu thuyền... đảm bảo ngăn triều cường, lũ thượng nguồn và khi mưa có cường độ lớn gây ngập cho thành phố. Các công trình trên còn đảm bảo tiêu thoát nước cho vùng lõi, kiểm soát mực nước, vừa tạo được cảnh quan môi trường, vừa tạo được hệ sinh thái phục vụ cho du lịch. Ðồng thời đảm bảo vận hành đồng bộ, không gây ngập cho các công trình hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội của thành phố. Ðến nay, nhiều công trình kè, âu thuyền đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần chỉnh trang đô thị và chống ngập vùng lõi trung tâm TP Cần Thơ… Gần đây, tại buổi kiểm tra công trình âu thuyền Cái Khế và hệ thống chống ngập cho TP Cần Thơ, đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Công trình nào đã thi công hoàn thành thì Ban Quản lý dự án ODA (chủ đầu tư) tham mưu cho UBND thành phố theo trình tự, đảm bảo tính pháp lý để bàn giao về cho địa phương quản lý, khai thác. Mùa triều cường năm 2024 đảm bảo vận hành hệ thống cống hiệu quả để chống ngập cho vùng lõi đô thị của TP Cần Thơ…”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN