21/11/2024
x
+
aa
-

Hệ thống FRMIS góp phần bảo vệ vùng lõi đô thị Cần Thơ 

Đến nay, hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) thuộc Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) đã cơ bản hoàn thành, vận hành. Hệ thống này góp phần chống ngập, bảo vệ vùng lõi đô thị Cần Thơ, nhất là khu vực quận Ninh Kiều - nơi có cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Âu thuyền Cái Khế, một trong những công trình phần cứng góp phần chống ngập cho vùng lõi đô thị Cần Thơ.

Lợi ích của hệ thống FRMIS

Theo đánh giá của các ngành chức năng, ngập lụt tại TP Cần Thơ do dòng chảy vào sông Hậu từ thượng nguồn, thủy triều dâng cao ở biển Đông, mưa lớn trên toàn thành phố. Cần Thơ đặc biệt dễ bị tổn thương do nằm ở vùng trũng và bị sụt lún; biến đổi khí hậu sẽ làm tăng mực nước thủy triều và có thể gây ra dòng chảy sông cao hơn và lượng mưa lớn hơn.

Gói thầu CT3-CS-TV08 thuộc Dự án 3: xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) cho TP Cần Thơ. Thành phần FRMIS gồm: mô hình thủy động lực học (vùng lõi, toàn thành phố); lập mô hình, vận hành cơ sở hạ tầng ô bao và dự báo ngập lụt; hệ thống cảnh báo sớm (trang web); bản đồ rủi ro ngập lụt; công cụ quy hoạch đô thị…

Do đó, FRMIS hỗ trợ TP Cần Thơ: quản lý tối ưu hoạt động của các cống và máy bơm mới trong vùng lõi thành phố để giảm thiểu ngập lụt trong mùa mưa lũ, duy trì mực nước tối thiểu cho cảnh quan và điều hướng giao thông thủy nội địa; dễ dàng tiếp cận các thông tin, dự báo ngập lụt mới nhất tại TP Cần Thơ để hỗ trợ cảnh báo sớm; giám sát chất lượng nước trong các kênh rạch và sông ngòi của thành phố; phát triển đô thị bền vững, tích hợp quản lý ngập lụt trong quy hoạch đô thị, cải thiện các quyết định đầu tư và quy hoạch đô thị. Quản lý rủi ro ngập lụt, tạo vùng ô bao cho Cần Thơ để “chống thấm” cho vùng lõi thành phố (bao gồm quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy, hơn 2.600ha) với các công trình kè, ngăn thủy triều xung quanh gồm: đường mới có chức năng như kè, 12 công trình mới với cống và 2 công trình âu thuyền, trạm bơm tại cống Đầu Sấu và Tham Tướng, 2 trạm bơm thoát nước nhỏ hơn trong hệ thống đường ống, cải thiện hệ thống thoát nước, hệ thống SCADA…

Đến nay, hệ thống FRMIS đã cơ bản hoàn thành. Vào cuối tháng 5-2024, tại nhà điều hành trung tâm - cống Cái Khế, Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ tổ chức buổi trình diễn vận hành hệ thống FRMIS.

Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, Dự án 3 có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP Cần Thơ, góp phần chỉnh trang đô thị, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển; đồng thời tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong tích hợp dữ liệu dùng chung cũng như việc quản lý rủi ro thiên tai, bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố (quận Ninh Kiều và Bình Thủy) trước rủi ro do ngập lụt. Đến nay, dự án đã hoàn thành cơ bản tuyến kè, cống, âu thuyền, trạm bơm bảo vệ dọc sông Cần Thơ; kè Cái Sơn - Mương khai với chiều dài khoảng 10km góp phần chống ngập cho khu vực lõi đô thị, tạo cảnh quan môi trường; các công trình cầu đường giao thông đã hoàn thành tạo thuận lợi cho giao thông, kết nối các trục giao thông đô thị, giảm thời gian di chuyển giữa các vùng khu vực trong thành phố.

Bên cạnh các công trình, việc xây dựng hệ thống FRMIS, thuộc hợp phần 3 hỗ trợ kỹ thuật dự án đã cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ phương pháp tiếp cận “thành phố thông minh” hiện đại hóa và tích hợp để quản lý rủi ro ngập đô thị. Hệ thống FRMIS gồm 4 chức năng chính: vận hành, kiểm soát nước, chống ngập; thông tin cảnh báo sớm; tạo bản đồ rủi ro ngập lụt và hỗ trợ công tác lập quy hoạch đô thị.

Bảo vệ vùng lõi đô thị 

Tại buổi trình diễn vận hành hệ thống FRMIS, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập của Dự án 3 có công nghệ hiện đại, thông minh. Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan, các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp tốt với các chuyên gia, Ban Quản lý Dự án ODA để điều hành hiệu quả hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập, đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu và nhiệm vụ Dự án 3 đề ra.

Ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Việc thực hiện xây dựng phần cứng và phần mềm hệ thống FRMIS đã được lắp đặt tại phòng điều khiển tại Trung tâm điều khiển và quản lý ngập, liền kề với âu thuyền và cống Cái Khế; đồng thời được bố trí cùng phòng điều khiển trung tâm SCADA. FRMIS được hoạt động theo thời gian thực với cơ sở dữ liệu về thời gian và mô hình hóa, với máy chủ web và cơ sở dữ liệu không gian địa lý. Mục tiêu, ý nghĩa việc vận hành hệ thống FRMIS là rất lớn, trước mắt tạo sự thuận lợi cho sinh hoạt và giảm thiệt hại do ngập lụt của người dân thành phố và người dân lân cận đến thành phố học tập, làm việc... và đặc biệt là tạo cơ hội cho thành phố tiếp cận mô hình công cụ quản lý hiện đại, thông minh.

Vào cuối tháng 10-2023 (đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch), Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, nhà thầu đã thực hiện đóng cống các âu thuyền và vận hành hệ thống cống nhằm góp phần chống ngập ở các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố. Kết quả mang lại tích cực, nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố đã không còn ngập hoặc ngập sâu như những ngày trước của đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch này. Việc không còn ngập sâu ở nhiều tuyến đường đã giúp người dân đi lại dễ dàng, hoạt động kinh doanh, mua bán cũng thuận lợi hơn. Vì vậy, với vận hành hệ thống FRMIS, các đợt triều cường trong năm 2024 và những năm tiếp theo vùng lõi đô thị Cần Thơ (quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy) hứa hẹn sẽ được bảo vệ an toàn.

TP Cần Thơ còn đang nghiên cứu, đề xuất Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của Cần Thơ trên cơ sở phát triển Dự án 3 và nhằm mở rộng phạm vi chống ngập cho vùng lõi đô thị thêm 2.770ha (chủ yếu là quận Bình Thủy và một phần quận Ninh Kiều), được giới hạn như phía Đông giáp rạch Khai Luông và tuyến quốc lộ 91; phía Tây giáp tuyến quốc lộ 91B; phía Bắc giáp sông Trà Nóc và đường Nguyễn Viết Xuân; phía Nam giáp tuyến hẻm 91.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Other news

Cách đổi sổ đỏ từ hộ gia đình sang tên các thành viên theo luật mới
Người sử dụng đất nộp đơn đăng ký biến động đất đai, bản chính sổ đỏ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Xác định quyền sử dụng đất: ‘Không thể bắt người dân phải tự đi chứng minh’
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân​ nhấn mạnh không thể bắt buộc người sử dụng đất phải photo rất nhiều tài liệu và tự đi chứng minh quyền sử dụng đất của mình.
Quản lý sổ đỏ bằng mã QR
Mẫu sổ đỏ mới bổ sung mã QR và mã giấy chứng nhận do Bộ TN-MT công bố được đánh giá sẽ hạn chế tối đa tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giúp quản lý hiệu quả, dễ dàng hơn.
Ninh Kiều triển khai các công trình góp phần chỉnh trang đô thị 
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều tập trung công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình do quận làm chủ đầu tư.
Đầu tư cho thuê tại The Global City: 4 lý do không thể bỏ qua 
Đầu tư cho thuê The Global City là cơ hội vàng tại trung tâm phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự uy tín từ Masterise Homes và thiết kế đẳng cấp của Foster + Partners
Top