21/11/2024
x
+
aa
-

Hiệu quả mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất từ tư duy nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Thực hiện mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân (ND) thay đổi tập quán sản xuất từ tư duy nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.


Nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 59.672ha lúa ƯDCNC, đạt 94,5% kế hoạch năm 2025. Trong đó, toàn tỉnh xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu với 23 mô hình, diện tích 4.770ha. Mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC do tỉnh chủ trì thực hiện được 21 mô hình với 1.050ha; do huyện chủ trì thực hiện đến cuối năm 2023 là 289 mô hình với 17.327ha.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Lợi (ấp Cả Sách, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) được chọn làm điểm thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Diện tích thực hiện là 50ha với 15 hộ tham gia. Theo đó, mô hình được triển khai trong 3 năm liên tiếp, mỗi năm thực hiện 1 vụ, từ năm 2022 đến 2024.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Lợi - Nguyễn Bá Thanh An cho biết: “Khi tham gia mô hình, ND sẽ được hỗ trợ nhiều chính sách về giống, phân bón hữu cơ, thuê dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái,... Trong năm đầu thực hiện mô hình, ND được hỗ trợ 50% chi phí với mức tối đa 300 triệu đồng/mô hình; năm thứ hai được hỗ trợ 30% chi phí thực hiện với mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/mô hình; năm thứ ba được hỗ trợ 20% chi phí thực hiện với mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/mô hình. Qua triển khai, thành viên HTX đã thay đổi nhận thức, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ; giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, nhất là áp dụng đúng quy trình sản xuất theo cam kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra”.

Năng suất lúa của các mô hình điểm cao hơn ngoài mô hình khoảng 500kg/ha

Trước hiệu quả mà mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC mang lại, ND tiếp tục duy trì mô hình sau 3 năm thực hiện, nhất là ứng dụng và mở rộng vùng lúa ƯDCNC với khoảng 32.995ha.

Thông qua các mô hình, ND sử dụng giống cấp xác nhận đạt từ 85-90% diện tích gieo sạ toàn tỉnh; diện tích lúa đạt chứng nhận GAP hơn 1.150ha với sản lượng 13.283 tấn/năm; giảm lượng giống gieo sạ từ 150kg/ha xuống còn 100kg/ha; cơ giới hóa làm đất, thu hoạch, sấy lúa đạt 100%; gieo cấy, sạ với máy 3 chức năng đạt 90%, có hơn 300 thiết bị bay không người lái,...

Bà Lê Thị Minh Thy (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Tham gia mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC do huyện thực hiện, gia đình tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong sản xuất. Khi mô hình kết thúc, gia đình tôi vẫn tiếp tục duy trì".

"Nhờ vậy, giảm lượng giống gieo sạ từ 150kg/ha xuống còn 120kg/ha; đồng thời, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên giảm chi phí sản xuất khoảng 15% so với ngoài mô hình. Còn năng suất bình quân bằng hoặc cao hơn ngoài mô hình khoảng 500kg/ha, lợi nhuận bình quân cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5-2 triệu đồng/ha” - bà Thy nói.

Với việc thay đổi tư duy, cách làm từ truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật đã giúp ND trồng lúa tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Điều này khẳng định Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây lúa mang lại nhiều kết quả tích cực, khả quan, nhất là góp phần cho sản lượng lúa của tỉnh tăng vượt bậc, đạt bình quân hơn 2,8 triệu tấn lúa/năm, cá biệt năm 2023, sản lượng lúa vượt mức 3 triệu tấn.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Võ Thành Nghĩa thông tin: “Trung tâm phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả việc ƯDCNC trên cây lúa; tiếp tục chuyển giao khoa học - kỹ thuật;... nhằm hướng đến hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra đến năm 2030. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp"./.

Minh Tuệ

Top