Hỗ trợ nông dân bán nông sản trực tuyến
Nhằm đa dạng kênh bán hàng, bắt nhịp với xu thế phát triển của thời đại công nghệ 4.0, thời gian qua nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở TP Cần Thơ đã quan tâm đưa nông sản lên quảng bá, bán trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử (TMÐT). Song, do còn thiếu các thông tin, kiến thức và kỹ năng nên nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh doanh trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp. Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan để tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ nông dân quen dần với kinh doanh trực tuyến.
Thu hoạch, sơ chế trái cây tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Sông Hậu ở huyện Cờ Ðỏ.
Nông dân còn "lạ" với TMÐT
Dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ không lớn nhưng sản phẩm nông nghiệp tại thành phố khá dồi dào và đa dạng về chủng loại. Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp tại thành phố đã được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu. Bên cạnh tiêu thụ thông qua các kênh thương mại truyền thống, nhiều nông dân, HTX và doanh nghiệp đã chú trọng phát triển TMÐT. Quan tâm đưa nông sản lên giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, các website và sàn TMÐT. Theo nhiều nông dân, việc đưa các loại nông sản lên giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMÐT đã hỗ trợ rất nhiều cho nông dân trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, giúp sản phẩm được giới thiệu nhanh chóng đến người tiêu dùng và các đầu mối tiêu thụ.
Tuy nhiên, đối với nhà nông, do còn thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng bán hàng trực tuyến nên việc tiêu thụ nông sản thông qua TMÐT vẫn gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, thiếu các kỹ năng, máy móc, thiết bị, công nghệ để thực hiện ghi hình, tải thông tin về sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội một cách hấp dẫn, cũng như tổ chức các phiên livestream thu hút được nhiều người xem. Thực hiện các công đoạn vận chuyển, giao hàng và thanh toán tiền cũng còn gặp khó, nhất là đối với các sản phẩm nông sản dạng tươi thô cần được vận chuyển với chi phí thấp và nhanh chóng đến tay người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng và sự tươi ngon. Hiện có không ít nông dân còn ngại đưa nông sản lên bán trên các sàn TMÐT do phải đóng một khoản phí khá lớn trên tổng doanh thu bán hàng...
Cần thêm nhiều hoạt động hỗ trợ
Trước tình hình phát triển TMÐT trong nông nghiệp còn gặp khó khăn do nông dân chủ yếu tiêu thụ nông sản ở dạng tươi thô, trong khi các dịch vụ logistics chưa đáp ứng và chi phí vận chuyển hàng đến nơi tiêu thụ còn cao, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã quan tâm hỗ trợ nông dân kết nối với các đơn vị vận tải và làm dịch vụ logistics. Qua đó, đưa ra các giải pháp và dịch vụ giúp nông dân có thể đưa hàng đến nơi tiêu thụ một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Song song đó, ngành Nông nghiệp thành phố cũng tăng cường hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp các viện, trường và đơn vị có liên quan để đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân, doanh nhiệp, HTX và các chủ thể sản phẩm OCOP thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các kênh TMÐT. Chú ý hướng dẫn nông dân cách tiếp cận và quảng bá sản phẩm trên những sàn TMÐT và mạng xã hội cụ thể, có tiềm năng trong tiêu thụ sản phẩm...
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cũng đã phối hợp Công ty cổ phần thương mại dịch vụ phân phối xuất nhập khẩu MVOT (gọi tắt là MVOT) tổ chức hội thảo "Triển khai đào tạo về kinh doanh trực tuyến nền tảng TikTok Shop các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ". Tại sự kiện này, nông dân, doanh nghiệp, HTX và các chủ thể OCOP không chỉ được tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức hữu ích mà còn có cơ hội gặp gỡ các đối tác để thúc đẩy liên kết hợp tác và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh doanh trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp của Cần Thơ. Ông Châu Thanh Triều, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Sông Hậu ở huyện Cờ Ðỏ, cho rằng: "Muốn tồn tại và phát triển được hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời đại 4.0 hiện nay, các HTX và doanh nghiệp phải bán được hàng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMÐT. Do vậy, thời gian qua HTX luôn tích cực tham gia các hoạt động hội thảo, hội nghị và tập huấn về TMÐT do Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng tổ chức. Qua đó, HTX cũng muốn kết nối với các tổ chức và cá nhân để liên kết hình thành các gian hàng nông sản của Cần Thơ trên các sàn TMÐT nhằm giảm chi phí kinh doanh và tăng được sức hấp dẫn đối với khách hàng".
TikTok Shop là nền tảng TMÐT tích hợp trực tiếp trong ứng dụng TikTok có lượng người dùng lớn, có tiềm năng lớn trong việc quảng bá, tiêu thụ nông sản và các loại hàng hóa. MVOT là đơn vị đã cho ra mắt MVOTX- đối tác chính thức của TikTok tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp quản lý, phát triển nền tảng bán hàng online. Theo bà Trần Thị Ðan Thanh, Giám đốc MVOT, tới đây đơn vị tiếp tục phối hợp cùng Sở NN&PTNT TP Cần Thơ để triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ và giúp các tổ chức, cá nhân có thể quảng bá, bán hàng hiệu quả trên TikTok Shop. Tạo điều kiện để nông dân, các HTX và doanh nghiệp tại Cần Thơ giảm được các chi phí kinh doanh nhờ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của công ty và từ TikTok.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, việc phát triển bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMÐT đang là xu thế và là yêu cầu tất yếu cho phát triển. Song, để có thể phát triển kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMÐT đòi hỏi nông dân và các bên có liên quan phải được trang bị kịp thời các kỹ năng và kiến thức, thậm chí cần phải có các chuyên gia và những người có hiểu biết chuyên sâu, có kỹ năng về công nghệ hướng dẫn cụ thể. Tới đây, Sở tiếp tục tăng cường phối hợp các sở, ngành thành phố, địa phương và đơn vị có liên quan để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân gắn với nhu cầu thực tế tại thành phố.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG