Hội thảo hợp tác đào tạo và nghiên cứu công nghệ bán dẫn, điện - điện tử
(CT) - Ngày 25-4, Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, điện - điện tử trong kỷ nguyên thông minh”.
Báo cáo viên trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: B.NG
Tại hội thảo, các đại biểu nghe 8 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các viện, trường đại học, các cơ sở giáo dục, công ty… chuyên về công nghệ hiện đại. Các báo cáo tập trung vào chủ đề: sự cần thiết trong việc hợp tác đào tạo ngành vi mạch bán dẫn; hợp tác trong nhóm ngành đào tạo công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và bán dẫn; xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo kỹ sư điện - điện tử và công nghệ kỹ thuật bán dẫn của DNC; hợp tác giữa Synopsys và DNC trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn…
Theo các chuyên gia, hiện nay đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ bán dẫn, điện - điện tử ở Việt Nam. Theo thống kê của Cộng đồng vi mạch Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Để đạt kế hoạch 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn như trong Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", các trường đại học phải tăng quy mô đào tạo trong các năm tới, cũng như đẩy mạnh hợp tác đào tạo giữa trường và doanh nghiệp.
Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực về đào tạo, về cơ sở vật chất, thực hành; liên kết, hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa các trường đại học và các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và điện - điện tử của đất nước. Đây còn là dịp để các chuyên gia và nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận về công nghệ bán dẫn và điện - điện tử; đưa ra các giải pháp thực tiễn cho sự phát triển của công nghiệp, đặc biệt là tại Việt Nam.
B.Kiên