21/11/2024
x
+
aa
-

Hơn 20 năm là 'cánh tay nối dài' của tín dụng chính sách

Bà Hà năm nay 67 tuổi nhưng vẫn năng động và nhiệt tình với các phong trào ở địa phương, nhất là đưa các chương trình tín dụng ưu đãi đến với đối tượng chính sách.
Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) được ví như "cánh tay nối dài" của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc đưa nguồn vốn tín dụng đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Tại ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, bà Nguyễn Thị Thanh Hà là “cánh tay nối dài” của tín dụng chính sách trong hơn 20 năm qua.

Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức - Nguyễn Thị Thanh Hà

Bà Hà năm nay 67 tuổi nhưng vẫn năng động và nhiệt tình với các phong trào ở địa phương, nhất là đưa các chương trình tín dụng ưu đãi đến với đối tượng chính sách. Bà Hà cho biết: Tổ TK&VV do bà làm tổ trưởng có 48 hộ vay với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng. Nguồn vốn được giải ngân thông qua nhiều chương trình vay vốn như học sinh sinh viên, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm,...

Nguồn vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, lo cho con học hành đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, Tổ TK&VV do bà Hà quản lý có tỷ lệ trả lãi hàng tháng đạt 100%, trả nợ đúng hạn 100%, không có nợ quá hạn, 100% tổ viên gửi tiền tiết kiệm định kỳ hàng tháng.

Bà Hà chia sẻ, thời gian mới làm tổ trưởng, bà gặp không ít khó khăn do chưa có mối quan hệ, chưa biết nhiều về hoàn cảnh của các tổ viên. Với sự kiên trì, không ngại khó khăn, bà Hà chủ động phối hợp các đoàn thể địa phương, Ban Công tác Mặt trận ấp để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng tổ viên, nắm tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, bà tích cực tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn do NHCSXH tổ chức.

Nhờ làm tốt công tác nắm địa bàn, hiểu rõ các chủ trương, nguyên tắc quản lý vốn của NHCSXH, bà Hà nhiệt tình hướng dẫn các tổ viên làm thủ tục vay vốn. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, chưa mạnh dạn vay vốn, bà tìm cách tiếp cận, tuyên truyền về chương trình cho vay, lãi suất ưu đãi, cách làm hồ sơ và sử dụng vốn vay phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

Để quản lý tốt nguồn vốn, bà thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra việc sử dụng trước, trong và sau khi vay, yêu cầu người vay phải có kế hoạch sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ. Nhờ vậy, tổ viên vay vốn có điều kiện phát triển kinh tế, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, góp phần vào công tác giảm nghèo của xã, huyện./.

Mai Hương

Top