08/09/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội 

Ngày 27-11-2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở với 13 chương 198 điều (Luật Nhà ở số 27/2023/QH15) và dành 1 chương (Chương VI) quy định về chính sách nhà ở xã hội. Trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Thực hiện chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến dự thảo nghị định, ghi nhận các góp ý trực tiếp, hoàn thiện theo quy trình chặt chẽ nhất trước khi ban hành nghị định nhằm triển khai thực thi hiệu quả Luật Nhà ở.

Một góc chung cư nhà ở xã hội Gia Phúc, TP Cần Thơ.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là cần thiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Luật Nhà ở 2023, tuân thủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gồm có 7 Chương, 78 Điều.

Trong đó, Chương I: Những quy định chung, gồm có 3 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ. Chương II. Về các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, gồm có 3 Mục và 13 Điều, quy định về: giai đoạn chuẩn bị đầu tư; giai đoạn thực hiện dự án; giai đoạn kết thúc dự án.

Đặc biệt, nội dung chính của Nghị định tập trung ở Chương III: Về nhà ở xã hội, gồm có 10 Mục và 40 Điều. Chương III quy định về việc dành diện tích đất nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc bố trí tại vị trí khác ngoài phạm vi dự án hoặc đóng tiền tương đương; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng, vận hành nhà ở xã hội thuộc tài sản công; cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công.

Chương IV: Về nhà lưu trú công nhân, gồm có 5 Điều, quy định về các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân; quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đảm bảo an toàn về môi trường; việc cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; việc quản lý, sử dụng nhà lưu trú công nhân. Chương V: Về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, gồm có 3 Mục 10 Điều, quy định về: Nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng, vận hành nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc tài sản công; nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công. Chương VI. Về tổ chức thực hiện, gồm có 5 Điều, quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp. Chương VII: Về điều khoản thi hành, gồm có 2 Điều, điều khoản thi hành và trách nhiệm thi hành; quy định chuyển tiếp.

Theo Bộ Xây dựng, dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa 18 nội dung của Luật Nhà ở 2023 giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời có kế thừa và tiếp thu, sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành nhằm bảo đảm Nghị định này là cơ sở pháp lý khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Đơn giản hóa trình tự, thủ tục

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đồng thuận với quy định nộp tiền sử dụng đất được tính tại thời điểm chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê; người mua nhà ở xã hội là căn hộ chung cư sau 5 năm được bán và không phải nộp tiền sử dụng đất. Đối với các nội dung liên quan đến phát triển nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, các đại biểu kiến nghị cho phép chủ đầu tư được đề xuất hình thức thực hiện là dành một phần diện tích, bố trí quỹ đất thay thế, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội với tỷ lệ tối thiểu là 20%. Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ thêm về chính sách tín dụng ưu đãi, diện tích, hệ số sử dụng đất tối thiểu đối với nhà ở xã hội riêng lẻ; xem xét lại quy định bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân…

Vấn đề xác định các điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, cơ chế tài chính để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng tham gia cho vay đầu tư nhà ở xã hội... được nhiều đại biểu quan tâm. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi để thực hiện nhà ở xã hội là một trụ cột để xây dựng nhà ở xã hội. Trong điều 50 của dự thảo có quy định nguồn vốn cho vay ưu đãi căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Vì vậy khi nghị định được ban hành và đi vào hiệu lực cần sự quan tâm của cấp thẩm quyền kịp thời phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, cần sự tham gia hỗ trợ kịp thời về vốn từ các ngân hàng thương mại, huy động vốn trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư cho các chương trình nhà ở xã hội.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan cần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tập trung cho các chính sách có tính dài hơi, nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác… Cần rà soát quy trình thủ tục, quy định cụ thể về tiêu chí, đối tượng, quy hoạch phải đi trước một bước gắn với xây dựng chương trình phát triển nhà ở... Xem xét quy hoạch, xác định quỹ đất cho nhà ở xã hội trong chính sách phát triển nhà ở ở đô thị, nông thôn. Tính toán các vấn đề liên quan đến nguồn thu từ nhà ở xã hội, trình tự thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội, đơn giản các thủ tục và điều kiện mua bán nhà ở xã hội... Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội... Bộ Xây dựng cần rà soát nội dung dự thảo Nghị định, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Nghị định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Liên quan

Quản lý sổ đỏ bằng mã QR
Mẫu sổ đỏ mới bổ sung mã QR và mã giấy chứng nhận do Bộ TN-MT công bố được đánh giá sẽ hạn chế tối đa tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giúp quản lý hiệu quả, dễ dàng hơn.
Ninh Kiều triển khai các công trình góp phần chỉnh trang đô thị 
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều tập trung công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình do quận làm chủ đầu tư.
Đầu tư cho thuê tại The Global City: 4 lý do không thể bỏ qua 
Đầu tư cho thuê The Global City là cơ hội vàng tại trung tâm phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự uy tín từ Masterise Homes và thiết kế đẳng cấp của Foster + Partners
Có Nên Mua Đất Nền Hòa Lạc Trong Năm 2024? 
Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và những kế hoạch quy hoạch đô thị hiện đại, Hòa Lạc đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư trong năm 2024. Tuy nhiên, việc đầu tư vào đất nền tại Hòa Lạc có thực sự là một quyết định khôn ngoan?
Các dự án giao thông trọng điểm đưa ĐBSCL phát triển 
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ cùng các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.
Top