Khai thác các mô hình kinh tế tuần hoàn là chiến lược phát triển bền vững vùng ÐBSCL
(CT) - Ngày 26-9, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Ðông Nam Á - Văn phòng đại diện tại Hà Nội và Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Ðại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Chuyển đổi sinh thái - xã hội và kinh tế tuần hoàn tại ÐBSCL”.
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trình bày tham luận tại tọa đàm khoa học, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung vào các vấn đề thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở địa phương trong bối cảnh chuyển đổi sinh thái - xã hội. Trong đó, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp tập trung trình bày thực trạng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở ÐBSCL, khung pháp lý và tiềm năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn địa phương trong nông nghiệp, chuyển đổi mô hình canh tác và phát triển kinh tế tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu…
NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, nhận định: Sự tăng trưởng kinh tế không gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho hệ sinh thái, đặc biệt là tại các vùng dễ bị tổn thương như ÐBSCL. Chuyển đổi sinh thái - xã hội cùng với kinh tế tuần hoàn đã trở thành một hướng đi không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững. Do đó, việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn tại vùng ÐBSCL không chỉ là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn là chiến lược phát triển bền vững cho khu vực này trong tương lai. NDND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã tin tưởng, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi sinh thái - xã hội và kinh tế tuần hoàn tại tọa đàm sẽ mang lại những giá trị thực tiễn quan trọng, tạo thêm cơ sở trong triển khai các chính sách và giải pháp phát triển bền vững cho vùng ÐBSCL và cả nước.
Tin, ảnh: DUY KHÔI