Khoảng cách lớn giữa bóng đá châu Âu và Nam Mỹ
Khi Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) quảng bá Club World Cup là giải đấu có tính bao hàm, thực tế cho thấy bóng đá tinh hoa vẫn bị thống trị bởi sức mạnh kinh tế và truyền thông của châu Âu.
Trong nhiều thập niên, các CLB Nam Mỹ từng vô đối trên trường quốc tế. Intercontinental Cup, cúp liên lục địa giữa nhà vô địch châu Âu và Nam Mỹ trong giai đoạn 1960-2004, đã chứng kiến những chiến thắng ấn tượng của các đội Penarol, Independiente, Boca Juniors và Sao Paulo.
Giải đấu đó khơi mào bản sắc bóng đá Nam Mỹ và cho phép các cổ động viên mơ về cuộc cạnh tranh sòng phẳng với châu Âu bất chấp khoảng cách kinh tế. Cầu thủ tài năng, lực lượng cổ động viên cuồng nhiệt và những HLV Nam Mỹ giỏi đã giúp duy trì sự cân bằng.
Cầu thủ của CLB Benfica đánh đầu ghi bàn trong trận hòa Boca Juniors ở Club World Cup 2025. Ảnh: AP
Nhưng với việc FIFA Club World Cup ra đời vào năm 2000, sự cân bằng bắt đầu phai nhạt. Châu Âu có các giải đấu chuyên nghiệp, CLB hoạt động theo kiểu tập đoàn và năng lực chiêu mộ những cầu thủ hay nhất thế giới, nhờ đó đã từng bước mở rộng thế thống trị. Kể từ danh hiệu vô địch Club World Cup của Corinthians năm 2012, không đội bóng Nam Mỹ nào nâng cúp.
Real Madrid, với đội hình trị giá 1,5 tỉ USD, hiện đứng đầu danh sách các CLB mạnh nhất thế giới. Trong khi đó, Manchester City, Bayern Munich, Paris Saint-Germain (PSG), Barcelona, Chelsea và Liverpool đều nằm trong hệ sinh thái được thúc đẩy bởi các bản quyền truyền hình toàn cầu, hợp đồng tài trợ trị giá hàng triệu USD và cơ sở hạ tầng chất lượng.
Ưu thế kinh tế này giúp các CLB châu Âu ký hợp đồng với những cầu thủ xuất sắc nhất châu lục. Nói như HLV Luis Enrique của PSG, đội vừa vô địch Champions League, các CLB châu Âu hiện nay có những cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Á. Khả năng quy tụ những tài năng toàn cầu (nhờ cuộc di cư thể thao và thị trường mở) đã biến châu Âu thành nam châm hút cầu thủ từ khắp nơi.
Trong khi đó, các đội Nam Mỹ vẫn phụ thuộc vào sức hấp dẫn riêng, phát triển tài năng địa phương và bản chất lịch sử độc đáo. Palmeiras, CLB đắt nhất ở Nam Mỹ, sở hữu đội hình có giá trị chưa tới 290 triệu USD. Flamengo và River Plate có giá trị khoảng 250 triệu USD, trong khi Boca Juniors chỉ hơn 100 triệu USD. Chênh lệch tài chính phản ánh nhiều điều, từ cơ sở hạ tầng đến khả năng giữ chân ngôi sao. Thay vì mua ngôi sao, các đội Nam Mỹ phải tự đào tạo rồi cho phép họ rời đi. Do vậy, Club World Cup cũng là dịp để các CLB Nam Mỹ “chào hàng” cầu thủ hoặc thu hút nhà tài trợ.
Không chỉ tài chính, hố sâu trình độ bóng đá giữa châu Âu và Nam Mỹ còn do các yếu tố cấu trúc sâu sắc hơn. Bóng đá châu Âu có các liên đoàn thành viên mạnh, dự án thể chế dài hạn, giáo dục kỹ thuật chuẩn hóa và khuôn khổ quản trị giúp duy trì sự chuyên nghiệp hóa. Ngược lại, Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) có lịch sử yếu và phân mảnh hơn.
Ðối với FIFA, Club World Cup phiên bản mở rộng báo hiệu khởi đầu của “kỷ nguyên mới”. “Nó khá giống năm 1930 khi kỳ World Cup đầu tiên diễn ra”, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nói về giải đấu có 32 CLB đang tranh tài tại Mỹ, đồng thời ông khăng khăng Club World Cup hướng tới mục tiêu “toàn cầu hóa bóng đá”.
MINH DŨNG