04/04/2025
x
+
aa
-

Khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch gieo sạ và ứng phó hạn, mặn   

Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động triển khai các giải pháp để phòng, chống hạn, mặn, nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất.
Hạn và xâm nhập mặn có thể xảy ra phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Cùng công tác dự báo, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An đã chủ động triển khai các giải pháp để phòng, chống hạn, mặn nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất, trong đó mới đây đã có chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2025.

Dự báo xâm nhập mặn vẫn diễn ra phức tạp trong mùa khô 2024-2025

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2024-2025 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt, gia tăng từ tháng 3 đến tháng 4/2025.

Mức độ xâm nhập mặn được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm và xấp xỉ hoặc thấp hơn năm 2024, tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với các năm hạn, mặn nghiêm trọng như năm 2016 và năm 2020.

Trong điều kiện cực đoan, hạn và xâm nhập mặn có thể kéo dài và trầm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Tại Long An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, tính đến ngày 19/3/2025, toàn tỉnh đã gieo sạ 242.773ha lúa Đông Xuân, đạt 107,4% kế hoạch, trong đó, đã thu hoạch gần 122.000ha, với năng suất ước đạt 63,58 tạ/ha, sản lượng gần 774.375 tấn. Ngay sau thu hoạch, nông dân đã xuống giống sớm vụ Hè Thu năm 2025 trên diện tích hơn 29.923ha tại các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Nhằm chủ động ứng phó với hạn, mặn và dịch hại, Sở Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch gieo sạ lúa vụ Hè Thu năm 2025.

Cụ thể, đợt 1 từ ngày 15/4 đến 25/4/2025 chỉ áp dụng tại vùng trũng thấp không có đê bao; đợt 2 từ 13/5 đến 23/5/2025 áp dụng cho toàn tỉnh; đợt 3 từ 10/6 đến 20/6/2025 cho các vùng không chủ động nguồn nước và các huyện phía Nam có đê bao an toàn.

Ngành Nông nghiệp khuyến khích sử dụng giống lúa chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, rầy nâu, bệnh cháy lá và hạn, mặn, với cơ cấu: Nhóm lúa thơm đặc sản chiếm 10-15%, lúa nếp 30-35%, lúa chất lượng cao 40-50%, chất lượng trung bình dưới 5%. Đồng thời, giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80-100kg/ha để tiết kiệm chi phí.

Đối với cây ăn quả, các địa phương được yêu cầu rà soát vùng có nguy cơ hạn, mặn; chủ động tích trữ nước trong kênh, mương, ao, hồ; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm; giữ ẩm gốc bằng phụ phẩm nông nghiệp; bón phân hữu cơ, lân, kali và tuyệt đối không sử dụng phân bón chứa natri, clorid. Đặc biệt, không trồng mới hoặc rải vụ trong điều kiện thiếu nước. Nếu vườn đang ra hoa, đậu quả nhưng không còn nguồn nước tưới, cần tỉa bỏ bớt để bảo vệ cây.

Đối với cây ăn quả, các địa phương được yêu cầu rà soát vùng có nguy cơ hạn, mặn, chủ động tích trữ nước trong kênh mương, ao, hồ; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, giữ ẩm gốc bằng phụ phẩm nông nghiệp

Bà Đinh Thị Phương Khanh cũng đề nghị, các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình hạn, mặn, đo độ mặn thường xuyên, khuyến cáo nông dân lấy nước hợp lý, vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh, ốc bươu vàng. Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông sản chất lượng cao, VietGAP, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng yêu cầu, các đơn vị chuyên môn tăng cường dự báo sinh vật gây hại, thông tin kịp thời qua báo, đài; khai thác hiệu quả hệ thống bẫy đèn thông minh để dự báo và hướng dẫn phòng trừ rầy nâu, giúp bảo đảm sản xuất an toàn và bền vững./.

Lê Đức

Other news

Kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn tại Bến Lức và Thủ Thừa   
Chi cục Môi trường và Kiểm lâm tỉnh đến kiểm tra thực tế công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 tại huyện Bến Lức và huyện Thủ Thừa.
Mưu sinh nơi “chợ tràm” 
Giữa rừng U Minh Hạ bạt ngàn, ở ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có một khu chợ đặc biệt tồn tại hàng chục năm qua và là nơi mưu sinh của nhiều cư dân địa phương mà họ quen gọi là “chợ tràm”.
Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất
Ngay từ đầu vụ Đông Xuân năm nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng lịch thời vụ và kịch bản điều tiết nước để phòng, chống hạn, mặn.
Nâng cao hoạt động của hợp tác xã
Trong bối cảnh nền sản xuất hàng hóa không ngừng phát triển và cơ cấu kinh tế nông thôn ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại, việc xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới trở thành xu thế tất yếu.
Tập trung phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi
Để ngăn chặn bệnh DTHCP tiếp tục bùng phát và lây lan diện rộng, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi tập trung áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh và không nên tái đàn ồ ạt.
Top