16/09/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Làm gì để giảm thiểu những vụ bạo hành trẻ em đau lòng?

(ĐCSVN) - Để có những giải pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trong các cơ sở trợ giúp xã hội, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho hay, việc phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và tăng cường kiểm tra, thanh tra rất quan trọng.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh như trên khi trao đổi với phóng viên liên quan vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng, sáng ngày 5/9.

Theo ông Đặng Hoa Nam, những hành động bạo lực, xâm hại trẻ em không bao giờ được phép xảy ra trong một cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là nuôi dưỡng các cháu nhỏ. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc đã xảy ra, dù cơ sở này từng được cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra trước đó.

Các lực lượng chức năng kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng tại L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh) vào sáng 4/9. Ảnh: TTXVN 

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, ngay khi tiếp nhận vụ việc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có công điện gửi và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện khẩn cấp ba nhiệm vụ: Yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan; triển khai các biện pháp chăm sóc và đảm bảo an toàn cho các nạn nhân là trẻ em; đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Ngay ngày 4/9, Cục Trẻ em cũng nhận được báo cáo nhanh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh về việc việc vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc và chăm sóc, hỗ trợ các cháu bé là nạn nhân. Đồng thời, địa phương cũng có văn bản của Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo và đôn đốc các cơ quan chức năng để xử lý, giải quyết vụ việc một cách nhanh nhất

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng lập đoàn kiểm tra cơ sở mái ấm Hoa Hồng. Tại đây, cơ quan chức năng tiến hành đưa các bé từ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đến các cơ sở chăm sóc công lập, để đảm bảo an toàn. "Hiện nay các cháu bé đã được đưa tới 13 cơ sở chăm sóc công lập khác để chăm sóc. Đến giờ phút này có thể yên tâm là các cháu đã được chăm sóc tốt, được an toàn", ông Nam nói.

Khuyến khích các cơ sở trợ giúp xã hội lắp camera để giám sát nội bộ

Từ vụ việc cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các giải pháp để khắc phục, giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng tương tự có thể xảy ra.

Theo ông Đặng Hoa Nam, chúng ta thiếu một đội ngũ nhân viên công tác chuyên nghiệp; nhân lực thanh tra, kiểm tra cũng rất hạn chế. “Hằng trăm cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; hàng nghìn cơ sở trợ giúp xã hội trong đó có chăm sóc trẻ em trên phạm vi toàn quốc thì ngành Lao động, Thương binh và Xã hội làm sao đủ cán bộ, công chức để kiểm tra được”, ông nói.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam trao đổi với báo chí 

Ông cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất luận trẻ em được chăm sóc ở đâu, đều phải có nhân viên công tác xã hội, chăm sóc, kiểm tra thường xuyên. Nếu không có đội ngũ nhân viên công tác chuyên nghiệp hoặc đội ngũ cán bộ các tổ chức chính trị xã hội được đào tạo về công tác xã hội và được giao trách nhiệm như các nhân viên công tác xã hội thì rất khó để giám sát, phát hiện sớm những trường hợp trẻ có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực bởi chính những người có trách nhiệm. 

Nhấn mạnh hành vi bạo hành rất khó phát hiện, có thể diễn ra ở từng ngôi nhà, sau mỗi cánh cửa, trong đêm tối… theo ông, về lâu dài cần đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, có trách nhiệm giám sát, theo dõi thường xuyên các trường hợp trẻ em dễ bị xâm hại. 

Để không tái diễn các trường hợp tương tự, Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng cần nâng cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý. Đặc biệt là sự giám sát thường xuyên của chính quyền và cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ, một trong những giải pháp là có thể qua hệ thống camera nội bộ. Ông Đặng Hoa Nam, cho biết hiện nay quy định pháp luật chưa có quy định bắt buộc các cơ sở trợ giúp xã hội phải lắp camera phục vụ công tác hậu kiểm tránh kiểm tra trên sổ sách. Tuy nhiên, Cục Trẻ em sẽ sớm nghiên cứu tham mưu cho cấp thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, nhằm phát hiện sớm các trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ em.

“Trong thời đại 4.0, chúng ta sẽ cân nhắc bắt buộc nhưng trước mắt khuyến khích các cơ sở trợ giúp xã hội lắp camera để giám sát nội bộ,” ông Nam nói.

Có cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút các nguồn tài trợ

Ở góc độ khác, theo ông Đặng Hoa Nam nêu rõ, Luật Trẻ em, Nghị định số: 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã quy định rõ, trẻ được ưu tiên chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình là người thân thích; chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích. Còn chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đang không tuân thủ quy định này.

"Có những cơ sở trợ giúp xã hội đang có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ phía cộng đồng xã hội" - ông nói. 

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, các cơ sở trợ giúp xã hội cũng thực hiện không nghiêm quy định người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm lập hồ sơ của trẻ em đang nuôi dưỡng tại cơ sở có đủ điều kiện chuyển đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, gia đình nhận trẻ em làm con nuôi; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tìm cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em hoặc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi.

Vấn đề khác, theo ông Đặng Hoa Nam cần phải có những biện pháp để khắc phục tình trạng hoạt động vượt phép. Ngay trong vụ việc cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, theo giấy phép hoạt động, cơ sở này chỉ được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng thực tế có thời điểm gần gấp 2-3 lần, vượt quá năng lực chăm sóc của cơ sở. Do đó, trẻ không được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất.

Để giải quyết vấn đề, Cục Trẻ em đã đề nghị TP Hồ Chí Minh phải thiết lập được một cơ chế và mạng lưới điều phối chuyển tuyến các dịch vụ, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc trẻ tập trung. Đầu mối điều phối có thể là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố hoặc Trung tâm công tác xã hội, nhóm công tác xã hội thuộc cơ sở trợ giúp xã hội được thành phố quản lý.

"Điều này giúp trẻ được sống trong môi trường chăm sóc đủ tiêu chuẩn và an toàn nhất" - ông nhấn mạnh./.

Kim Thanh
Top