16/06/2025
x
+
aa
-

Lời khuyên về bữa ăn an toàn cho sinh viên 

TS.BS Trương Thành Nam, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, vừa có buổi tư vấn trực tuyến chuyên đề sức khỏe “Bữa ăn sinh viên: Làm gì để phòng ngộ độc thực phẩm”. Những lời khuyên của bác sĩ giúp các bạn trẻ sống xa gia đình tiếp cận kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe học tập.

Bữa ăn an toàn cần chú ý quy trình vệ sinh từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến và bảo quản.

Gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra cùng với hàng loạt các vụ sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm giả, không đạt chất lượng bị phanh phui, gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sức khỏe cộng đồng. Đó cũng là lý do Tháng hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2025 của nước ta chọn chủ đề Bảo đảm an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể và dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. 

Liên quan vấn đề này, TS.BS Trương Thành Nam lưu ý các bạn trẻ cần chú trọng phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm dù ăn cơm nhà tự nấu hay thức ăn mua từ hàng quán. Theo TS.BS Trương Thành Nam, sau bữa ăn, trong vòng 24-48 giờ, nếu gặp các triệu chứng bất ổn như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, sôi ruột, đau nhẹ phần bụng dưới, tiêu chảy,… thì có thể đã bị ngộ độc thực phẩm. Trường hợp ngộ độc mức độ nặng, có thể dẫn đến sốt nhiễm trùng hoặc các biến chứng lên hệ thần kinh như yếu liệt chi, thậm chí tử vong nếu ngộ độc cấp tính mà không được xử trí cấp cứu kịp thời.

TS.BS Trương Thành Nam cho biết, có rất nhiều “con đường” dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Tác nhân đầu tiên là các mầm bệnh vi sinh vật có trong nguồn nước hay trong chính thực phẩm. Tác nhân khác là các chất phụ gia hiện được sử dụng phổ biến trong nhiều loại thực phẩm công nghiệp để gia tăng màu sắc, mùi vị và thời hạn bảo quản. Thực tế không ít thực phẩm được sử dụng quá liều lượng hóa chất hoặc sử dụng các phụ gia không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, dẫn đến việc tích lũy, tồn dư hóa chất trong cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Các tác nhân vật lý từ môi trường như bụi bẩn cũng có thể dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Đối với thức ăn từ đường phố, hàng quán, chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm tùy thuộc vào việc tuân thủ quy trình đảm bảo vệ sinh, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến sơ chế, chế biến và bảo quản. Tại bếp ăn gia đình, các khâu chế biến, bảo quản thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe từ những bữa ăn. Những tác nhân khác có thể gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm bao gồm việc dị ứng với các loại thủy hải sản hay các thức ăn chế biến sống như gỏi cá hay tiết canh, các món nem…

TS.BS Trương Thành Nam lưu ý, trước hết, ưu tiên lựa chọn thực phẩm tuơi sống bằng các mẹo nhận biết, như thịt còn màu tươi và có độ đàn hồi tốt, cá thì mắt trong và mang hồng,… Trước khi bảo quản thực phẩm, cần sơ chế để loại bớt các tác nhân chứa mầm bệnh. Thực phẩm bảo quản trong môi trường lạnh, ở điều kiện nhiệt độ ngăn mát hay ngăn đông cũng chỉ giúp làm chậm quá trình phân hủy và hạn chế một phần sự phát triển của vi khuẩn. Vì vậy, chỉ bảo quản thực phẩm trong thời gian nhất định. Còn quá trình chế biến thực phẩm, cần đảm bảo điều kiện về nhiệt độ, thời gian nấu nướng để thực phẩm chín. Lưu ý đảm bảo vệ sinh các vật dụng chứa đựng, chế biến thực phẩm; tránh sử dụng chung các dụng cụ cho cả thực phẩm sống và chín. Trong quá trình chế biến thực phẩm, phải rửa tay đúng cách dưới vòi nước, bằng dung dịch sát khuẩn giúp loại bỏ và ngăn ngừa lây lan vi khuẩn vào thực phẩm.

Đối với các loại thực phẩm đóng hộp, người dùng thận trọng lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc nơi cung ứng, thông tin về thành phần và hạn dùng sản phẩm. Những sản phẩm có dấu hiệu biến dạng bao bì hay màu sắc, mùi vị đều ẩn chứa nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Bác sĩ khuyên, mỗi người trước hết là thầy thuốc tốt nhất của chính mình, cần thường xuyên cập nhật kiến thức y khoa thường thức để thực hành chăm sóc sức khỏe, từ việc ăn uống đến lối sống sinh hoạt, vận động.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Other news

Những loại ung thư nào có thể di truyền trong gia đình?
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng... có thể di truyền trong gia đình.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa bệnh dại 
Từ đầu năm 2025 đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 11 ca bệnh dại. Qua khai thác tiền sử dịch tễ 9 ca, ở thời điểm cắn có gần 50% chó có biểu hiện bệnh dại nhưng người bị cắn vẫn không đi tiêm ngừa mà lại chọn điều trị theo phương pháp dân
Ăn tỏi hằng ngày có tốt không? 
Tỏi là một trong những loại thảo dược được nghiên cứu nhiều nhất. Tỏi chứa nhiều thành phần chống viêm, kháng khuẩn và chống khối u, nên việc thường xuyên tiêu thụ nó trong chế độ ăn hằng ngày có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dùng.
Sốt xuất huyết đã ngoài tầm dự báo
Không còn theo chu kỳ dịch 3 - 5 năm, sốt xuất huyết đã ngoài tầm dự báo do số ca mắc liên tục ở mức cao.
Cả nước ghi nhận gần 23.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 5 ca tử vong
Sốt xuất huyết hiện vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây gánh nặng lớn tại Việt Nam. Mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận từ 100-200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Top