Mùa hè mua sắm ít nhộn nhịp ở EPL
Do phải chịu tác động từ các quy định về lợi nhuận và tính bền vững (PSR), giải Ngoại hạng Anh (EPL) mua sắm trên thị trường chuyển nhượng mùa hè này yếu hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Cặp tiền đạo tân binh Pedro Neto và Joao Felix (giữa) tiêu tốn của Chelsea 100 triệu bảng. Ảnh: Alamy
Ở "phiên chợ" hè vừa kết thúc, CLB Chelsea dẫn đầu về mua sắm tân binh khi chi hơn 219 triệu bảng Anh, kế đến là Manchester United (205 triệu bảng), Brighton, Tottenham, West Ham, Aston Villa, Ipswich, Southampton và Arsenal.
Manchester City (chi 33 triệu bảng), Liverpool (41 triệu bảng), Newcastle (43 triệu bảng), Everton (46 triệu bảng) và Wolves (53 triệu bảng) là những đội tiết kiệm nhất trong kỳ chuyển nhượng này.
Tổng cộng 20 CLB tại EPL chỉ chi 1,9 tỉ bảng, cao thứ ba trong lịch sử và giảm mạnh so với mức chi tiêu kỷ lục 2,3 tỉ bảng hồi hè năm ngoái. Năm nay, tân binh đắt giá nhất của một đội bóng EPL là thương vụ Tottenham Hotspur chiêu mộ Dominic Solanke từ Bournemouth với giá 65 triệu bảng. Ngược lại, trong kỳ chuyển nhượng năm ngoái, có tới 2 bản hợp đồng trị giá hơn 100 triệu bảng và 4 bản hợp đồng có giá trên 60 triệu bảng.
Ðối với nhiều CLB, hè 2024 là mùa bán cầu thủ, thậm chí đã lập kỷ lục mới về số tiền thu được từ hoạt động này, với 1,4 tỉ bảng. Ngay cả những đội bóng hàng đầu như Arsenal cũng tập trung nhiều vào việc bán cầu thủ khi chi tiêu ròng của đương kim á quân chỉ dưới 5 triệu bảng.
Theo PSR có hiệu lực từ mùa giải rồi, các CLB được phép lỗ tối đa 105 triệu bảng trong 3 năm. Ðối với những CLB có khả năng chi tiêu, tức không lo ngại về PSR, thị trường thu hẹp lại tạo ra cơ hội. Do có ít sự cạnh tranh hơn đối với các cầu thủ, các CLB có thể tìm thấy giá trị tốt hơn với số tiền bỏ ra. Brighton thuộc nhóm những đội hưởng lợi nhiều nhất từ điều này. Sau khi đút túi khoản lợi nhuận khổng lồ trong 3 mùa giải gần đây, họ đã quyết định đầu tư mạnh vào đội một trong hè này. "Chim mòng biển" đã chi gần 200 triệu bảng cho các tân binh và thu về 50 triệu bảng từ việc bán cầu thủ, tức chi tiêu ròng là 150 triệu bảng, cao nhất tại giải.
Xét về xu hướng chuyển nhượng, Man United đã dành tới 119 triệu bảng để nâng cấp hàng phòng ngự, cao nhất giải đấu, trong khi Brighton rót số tiền tương tự vào hàng tiền vệ. Gần 50% trong số 219 triệu bảng mua sắm của Chelsea là dành cho hàng công, trong khi Tottenham, West Ham và Brentford cũng tăng cường đáng kể hàng tiền đạo.
Các đội bóng Anh cũng ngày càng ưu tiên cầu thủ trẻ, với độ tuổi trung bình của tân binh chỉ là 22,6 tuổi trong kỳ chuyển nhượng này - mùa thứ hai liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm độ tuổi. Trung vệ tân binh của Man United, Leny Yoro (59 triệu bảng) có mức phí cao nhất đối với một cầu thủ dưới 18 tuổi.
Trái ngược với thị trường EPL, hoạt động mua sắm diễn ra sôi động ở giải Serie A của Ý và La Liga của Tây Ban Nha. Ở Serie A, tổng chi tiêu trên chuyển nhượng đã tăng từ 765 triệu bảng mùa rồi lên 844 triệu bảng năm nay. Tại Tây Ban Nha, con số này nhảy vọt từ 374 triệu bảng lên 468 triệu bảng. Tuy nhiên, chi tiêu của giải Đức Bundesliga đã giảm từ 640 triệu bảng năm ngoái xuống còn 503 triệu bảng năm nay, trong khi Ligue 1 của Pháp ghi nhận giảm từ 768 triệu bảng xuống còn 602 triệu bảng.
BÌNH DƯƠNG