12/12/2024
x
+
aa
-

Nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số 

Thời gian qua, Chính phủ cùng các cấp thẩm quyền ở Trung ương và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Thời gian qua, Chính phủ cùng các cấp thẩm quyền ở Trung ương và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số (CÐS) quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai quyết liệt Ðề án 06 từ Trung ương đến cơ sở. Ðến nay, hoạt động CÐS quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Nông dân tìm hiểu về các thiết bị công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện được tổ chức ở tỉnh Hậu Giang.

Nhiều kết quả tích cực

Thực hiện các chương trình, chiến lược quốc gia về CÐS, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cũng như kế hoạch năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về CÐS, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của nước ta đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động CÐS quốc gia. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Ðồng thời, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho CÐS quốc gia và Ðề án 06 (Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CÐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030) được triển khai tích cực. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, rất đáng ghi nhận.

Qua 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế số, xã hội số ở nước ta tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Ðáng chú ý, công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) có bước phát triển khá và doanh thu 6 tháng ước đạt trên 1,9 triệu tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và đã xuất khẩu đi khắp thế giới, với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm số 6 tháng ước đạt 64,8 tỉ USD. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư và mở rộng đầu tư vào nước ta, nhất là trong lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt được tích cực triển khai. Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai mạnh mẽ. Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. Nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành và đi vào hoạt động. 100% xã, phường, thị trấn có Internet băng thông rộng, 100% cơ quan từ Trung ương đến cấp xã đã được kết nối với mạng số liệu chuyên dùng. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên dùng được đẩy mạnh triển khai, cùng với đó là phát triển các hoạt động kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Ðến nay, đã có 16,4 triệu tài khoản và 51,6 triệu hồ sơ được nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó 6 tháng đầu năm nay đã cấp mới 4,8 triệu tài khoản và 13,9 triệu hồ sơ được nộp…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình cả nước từ mức 17% vào cuối năm 2023 đã được nâng lên 42%, địa phương từ 9% nâng lên 17%, bộ ngành từ 38% lên 61%. 63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí lệ phí sử dụng DVCTT. Kinh tế số trong 6 tháng năm 2024 ước tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 97.000 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08% (tăng 9,67% so với cuối năm 2023), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025.

Tiếp tục đẩy mạnh CÐS

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CÐS đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về CÐS và sơ kết kết quả triển khai Ðề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2024. Tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu đã được nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo về tình hình CÐS quốc gia 6 tháng đầu năm, Bộ Công an báo cáo kết quả triển khai Ðề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương cũng có các báo cáo và tham luận nhằm đề xuất các giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay trong thực hiện CÐS tại các bộ, ngành và địa phương. Ðể tiếp tục đẩy mạnh CÐS, nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây các cơ quan chức năng cần quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn trên từng lĩnh vực cụ thể. Tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền gắn với đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trong lĩnh vực phát triển thương mại điện tử và các lĩnh vực mới. Tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, quan tâm xây dựng các cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh CÐS gắn với phát triển kinh tế số, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong CÐS. Ðẩy mạnh triển khai Ðề án 06 phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, thương mại điện tử của Việt Nam trong 15 năm qua tăng trưởng rất mạnh, trung bình 20%/năm (ngoại trừ giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19) và thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong top 10 trên toàn thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới. Yếu tố tăng trưởng ổn định và tích cực có thể nói là điểm sáng của thương mại điện tử Việt Nam. Ðiểm sáng này cần được thường xuyên giữ gìn, bảo vệ thông qua việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, thường xuyên tuyên truyền để đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả trong doanh nghiệp và xã hội… Ðể phát triển thương mại điện tử bền vững, ngoài các yếu tố về tăng trưởng tích cực và ổn định, còn đòi hỏi phải cân bằng hài hòa lợi ích của các bên liên quan gắn với phát triển xanh, đảm bảo các vấn đề về niềm tin và nguồn nhân lực.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CÐS, phát triển kinh tế. Chú ý nâng cao nâng nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng, sức lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển trong quá trình CÐS. Ðồng thời, chúng ta phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể trong thực hiện CÐS quốc gia, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương và chia sẻ dữ liệu này với các bộ, ngành, địa phương và tập trung về cơ sở dữ liệu quốc gia. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, các đồng chí chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo công việc này. Cần phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, xác định trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bố trí nguồn lực để làm, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có sản phẩm, ra kết quả cụ thể… 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Top