25/03/2025
x
+
aa
-

Ngành sách Nhật Bản gặp khó 

Sụt giảm doanh thu, hàng loạt hiệu sách đóng cửa... đã gây nên khủng hoảng cho ngành công nghiệp xuất bản tại Nhật Bản.

Một hiệu sách tại Nhật.

Theo Viện Nghiên cứu xuất bản Nhật Bản, quy mô thị trường xuất bản, gồm các tác phẩm in và điện tử, trong năm 2024 chỉ còn 1.572 tỉ yen, giảm 1,5% so với năm trước. Trong đó, các ấn phẩm in sụt giảm đến 5,2%, chỉ còn hơn 1.000 tỉ yen. Số liệu này cho thấy ngành sách Nhật sụt giảm 3 năm liên tiếp.

Nhiều cửa hàng sách hoạt động cầm chừng, có đến 1/3 các công ty xuất bản tại Nhật Bản đang hoạt động thua lỗ, nhiều cửa hàng đóng cửa. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu tín dụng doanh nghiệp Teikoku Databank, 38 nhà xuất bản đã đóng cửa tạm thời hoặc ngừng kinh doanh vào năm 2024 và 24 đơn vị khác đã phá sản. Cụ thể, hiệu sách Bunrokudo Waseda gần Ðại học Waseda ở Tokyo đã đóng cửa vĩnh viễn kể từ tháng 9-2024. Trước đây, tại Nhật có những hiệu sách độc đáo ở gần ga tàu và những nơi công cộng khác, nhưng giờ nhiều nơi đã đóng cửa. Hiện độc giả phải mua sách tại các chuỗi cửa hàng và cửa hiệu lớn trong trung tâm thương mại.

Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, theo Teikoku Databank phân tích, là do các nhà xuất bản phải đối mặt với sự tăng giá nguyên vật liệu (giấy in, mực in), các chi phí nhân sự, vận chuyển, mặt bằng… Shuichi Matsuki, Giám đốc điều hành Quỹ Văn hóa công nghiệp xuất bản Nhật Bản, cho biết: “Môi trường kinh doanh của các hiệu sách trở nên khắc nghiệt hơn khi chi phí nhân sự tăng lên trong khi doanh số bán hàng giảm”.

Trước thực tế trên, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thành lập một nhóm dự án để quảng bá các hiệu sách. Theo đó, vào cuối tháng 1-2025, nhóm dự án đã công bố các chia sẻ từ cá nhân, hiệu sách và độc giả về đề xuất hỗ trợ và phục hồi hiệu sách. Nhiều tác giả, nhà phát hành cũng chủ động thay đổi môi trường kinh doanh, cách thức tiếp thị để tạo sức hút mới cho các hiệu sách.

Tác giả Yoshio Takahata cho biết sẽ mở quán cà phê sách có tên Kobikitei tại Tachikawa, Tokyo trong tháng 2 này. Theo đó, Yoshio Takahata sẽ trưng bày đồ cổ và khoảng 3.000 cuốn sách, cả cũ và mới tại quán cà phê sách của ông. Yoshio Takahata nói: “Tôi hy vọng mọi người sẽ quan tâm đến thế giới truyện dân gian và nàng tiên tại cửa hiệu của tôi. Tập trung vào một đề tài cụ thể và có số lượng sách vừa phải là đặc điểm của các hiệu sách độc lập”. Ðồng quan điểm, Giáo sư Yashio Uemura, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, cũng cho rằng: “Những cửa hiệu không thể chỉ là nơi bán sách. Thế giới sách đang thay đổi trong thời đại Internet, do đó các hiệu sách cũng nên tìm cách để thích nghi phù hợp”.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Japan News, The Japan Times, Kyodonews)

 

Other news

50 năm thống nhất đất nước - Ngày 23/3/1975: Giải phóng An Khê
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân khu Trị-Thiên và Quân đoàn 2 tiến công tiêu diệt quân địch co cụm tại Huế từ hai hướng; đồng thời tổ chức lực lượng ngăn chặn không cho địch rút về Đà Nẵng.
Những thước phim mang dấu ấn thời gian 
Trong khuôn khổ Chương trình bình chọn và công bố 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật nổi bật trong suốt nửa thế kỷ qua nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Đọc “Bức tượng và người đàn bà” “Gừng càng già càng cay” 
Những năm gần đây, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhà văn Nhật Hồng vẫn sáng tác đều đặn, từ văn xuôi đến biên khảo.
Lễ hội chợ tình Khâu Vai 2025 khám phá bản sắc văn hóa độc đáo vùng cao
Du khách không chỉ được khám phá những phong tục độc đáo trong tình yêu đôi lứa nơi vùng cao mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.
Hơn 730 tác phẩm dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42
Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42, vừa khai mạc tối 19/3 tại Quy Nhơn, là cơ hội để tôn vinh các tác phẩm xuất sắc, khuyến khích sáng tạo trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh mẽ.
Top