Những thói quen lành mạnh nhưng dễ gây hại cho hệ miễn dịch
Duy trì sức khỏe miễn dịch là vấn đề ngày càng được nhiều người quan tâm, bởi hệ miễn dịch hoạt động như tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể giúp chống lại các tác nhân gây bệnh. Song, các chuyên gia sức khỏe Mỹ lưu ý rằng đôi khi việc thực hiện một số thói quen được xem là lành mạnh có thể vô tình tổn hại đến hệ miễn dịch của bạn.
Vận động quá sức có thể gây tác dụng ngược, làm suy yếu hệ miễn dịch. Ảnh: Cleveland Clinic
+ Tiêu thụ quá nhiều kẽm. Kẽm là một chất bổ sung phổ biến mà mọi người thường dùng mỗi khi thấy không khỏe. Nhưng việc bổ sung quá nhiều kẽm có thể làm suy yếu khả năng hấp thụ sắt và đồng của cơ thể. Trong khi đó, đồng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, vì nó cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của các tế bào miễn dịch, đặc biệt là bạch cầu trung tính và tế bào lympho, vốn rất quan trọng đối với khả năng phòng vệ của cơ thể. Tốt nhất là nên bổ sung kẽm tự nhiên từ chế độ ăn, thông qua việc tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu, thịt gia cầm và ngũ cốc tăng cường dinh dưỡng.
+ Ăn quá ít chất béo. Tuy việc theo đuổi một chế độ ăn ít chất béo sẽ tốt cho sức khỏe, nhưng điều này có thể khiến người ta dễ bỏ qua các chất béo tốt, vốn rất cần thiết cho chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Điển hình như các chất béo không bão hòa (thường có trong dầu ôliu, trái bơ và một số loại hạt) và các chất béo không bão hòa đa (có trong các loại cá béo như cá hồi và cá mòi hoặc hạt chia, hạt óc chó). Đặc biệt, 2 loại chất béo không bão hòa đa là axít béo omega-3 và omega-6 rất quan trọng đối với khả năng miễn dịch của cơ thể. Nguyên do là omega-3 và omega-6 rất cần thiết cho quá trình sản xuất eicosanoid, phân tử quan trọng tham gia vào phản ứng miễn dịch của cơ thể nhằm đối phó các tình huống như chấn thương hoặc nhiễm trùng.
+ Quá sạch sẽ. Giữ vệ sinh tốt là điều cần thiết để ngăn ngừa bệnh tật, nhưng nếu thực hiện thái quá thì dễ làm suy yếu sức khỏe miễn dịch. Bởi việc liên tục vệ sinh môi trường sống sẽ hạn chế khả năng cơ thể tiếp xúc với nhiều loại vi sinh vật, vốn là tác nhân gây bệnh, mà hệ miễn dịch cần học cách nhận biết chúng. Về lâu dài, hệ miễn dịch của cơ thể trở nên kém hiệu quả hơn và dễ phản ứng thái quá trước các chất vô hại, dẫn đến nguy cơ bị dị ứng hoặc các vấn đề khác liên quan đến miễn dịch.
+ Tập thể dục quá nhiều. Mặc dù thường xuyên vận động thể chất là điều cần thiết để duy trì hệ miễn dịch mạnh mẽ, nhưng luyện tập quá mức có thể gây phản tác dụng. Khi thực hiện các bài tập cường độ cao hoặc luyện tập kéo dài mà không dành ra thời gian phục hồi đầy đủ, cơ thể có thể gia tăng nồng độ các hoóc-môn gây căng thẳng tinh thần như cortisol. Nồng độ cortisol tăng cao có thể ức chế hoạt động của các tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh hơn. Ngoài ra, tập luyện quá sức có thể dẫn đến mệt mỏi, làm suy yếu thêm phản ứng miễn dịch của cơ thể, cũng như góp phần gây ra tình trạng viêm và phá vỡ sự cân bằng của các lợi khuẩn đường ruột, rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch.
+ Chỉ dựa vào sản phẩm bổ sung dưỡng chất. Mặc dù thực phẩm bổ sung có thể cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu, nhưng chúng cũng thường thiếu nhiều hợp chất thực vật có lợi trong thực phẩm toàn phần, bao gồm flavonoid, polyphenol và các chất chống ôxy hóa. Những hợp chất này đều đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng miễn dịch.
AN NHIÊN (Theo EatingWell)