Nỗ lực xây dựng đô thị Cần Thơ văn minh, hiện đại và hội nhập
Thực hiện Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh (ÐTVM), cùng với cả nước, TP Cần Thơ đang nỗ lực xây dựng, tiến tới công nhận phường, thị trấn, quận ÐTVM. Trao đổi với Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh, công tác này đã và đang được thực hiện quyết liệt, thực chất; hướng đến xây dựng đô thị Cần Thơ văn minh, hiện đại và hội nhập. Ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin thêm:
- Nhằm triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn ÐTVM, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND, ngày 26-8-2022 về triển khai Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg trên địa bàn thành phố. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của kế hoạch là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về nội dung, ý nghĩa của việc xét công nhận đạt chuẩn ÐTVM. Ðồng thời, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, thẩm định, công nhận, công nhận lại phường, thị trấn, quận đạt chuẩn ÐTVM. Xác định lộ trình xây dựng ÐTVM phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.
* Ðến thời điểm này, các phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện việc xây dựng ÐTVM ra sao, thưa ông?
- Sau khi thành phố triển khai, tất cả quận, huyện cũng xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng ÐTVM. Theo báo cáo từ các quận, huyện, có 31/47 phường, thị trấn đăng ký xây dựng ÐTVM giai đoạn 2023-2025, đạt tỷ lệ 65,97%.
Vừa qua, Tổ chuyên viên giúp việc của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố phụ trách Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố đã tham mưu tổ chức đoàn khảo sát, kiểm tra và hướng dẫn việc triển khai thực hiện các tiêu chí trong xây dựng ÐTVM tại quận, huyện. Nhìn chung, UBND quận, huyện, phường, thị trấn đều có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể trong triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động triển khai xây dựng ÐTVM được thực hiện hiệu quả.
Theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg, việc đăng ký xây dựng và công nhận danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn ÐTVM” lần đầu là sau 2 năm kể từ ngày đăng ký xây dựng; công nhận lại sau 5 năm được công nhận. Việc thẩm định và đánh giá công nhận thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thẩm định xét, công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn ÐTVM quận, huyện dựa trên cơ sở đăng ký của các phường, thị trấn. Theo kết quả đăng ký, có 11/31 phường, thị trấn đăng ký trong tháng 1-2023, đồng nghĩa với việc đến tháng 1-2025 các đơn vị này sẽ tổ chức tự rà soát, và thực hiện quy trình lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND quận, huyện đề nghị thẩm định, công nhận, nếu đạt.
* Theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg, phường đạt chuẩn ÐTVM cần đáp ứng 52 chỉ tiêu, 9 tiêu chí, thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vậy, đâu là những điểm khó, cần nỗ lực thực hiện với đặc thù đô thị TP Cần Thơ, thưa ông?
- Việc triển khai xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn ÐTVM bao quát nhiều mặt của đời sống xã hội, về kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh… Mỗi địa phương đều có những khó khăn nhất định. Quận Ninh Kiều khó khăn về quy hoạch đô thị, cơ sở vật chất giáo dục, hệ thống loa truyền thanh thông minh. Quận Cái Răng, huyện Phong Ðiền lại khó về kinh phí đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa... do các Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, thị trấn, Nhà văn hóa ấp, khu vực thiếu về diện tích hoặc xuống cấp cần đầu tư, sửa chữa… Một trong những khó khăn mà đa số các địa phương đều gặp khó là việc lập lại trật tự kỷ cương đô thị, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, cơi nới, làm mái che, biển hiệu, biển quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị vẫn còn diễn ra...
Qua khảo sát, các địa phương cũng đã có sự chủ động xây dựng những giải pháp và lộ trình để triển khai thực hiện đảm bảo các tiêu chí theo quy định, trong đó một số tiêu chí được các đơn vị tập trung. Ðơn cử như quận Cái Răng phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ đầu tư xây mới, mở rộng và nâng chất thiết chế văn hóa tại tất cả 59 khu vực với kinh phí đầu tư mỗi Nhà văn hóa khu vực tương đương 1 tỉ đồng. Huyện Thới Lai tập trung đầu tư nâng chất các thiết chế văn hóa - thể thao của thị trấn như sửa chữa, nâng cấp cổng chào, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa ấp với tổng mức đầu tư là 1,7 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý III-2024. Quận Ninh Kiều tập trung đầu tư hệ thống loa truyền thanh thông minh tại các phường, đến cuối năm 2025 sẽ đạt 100%...
* Trong xây dựng ÐTVM, yếu tố quyết định vẫn là sự chung tay, đồng hành của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều trường hợp thiếu ý thức của người dân trong giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Xin ông cho biết, vấn đề xây dựng cộng đồng, cư dân đô thị văn minh được quan tâm ra sao?
- Trước hết cần thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, trong đó việc nâng cao ý thức, thái độ ứng xử của người dân, cộng đồng cư dân đô thị đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội là rất quan trọng. Một đô thị có văn minh là nơi đó cư dân biết bảo vệ, chăm lo môi trường sống, có ý thức cao vì cộng đồng chung, là nơi đó mọi người ứng xử có văn hóa với nhau, cùng bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp… Ðiều đó được thể hiện rõ nét trong đời sống thường ngày như bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đổ nước thải ra đường; trồng, chăm sóc cây xanh, hoa kiểng tạo mỹ quan đô thị; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không gây rối trật tự công cộng…
TP Cần Thơ đang nỗ lực xây dựng ĐTVM, hiện đại và hội nhập. Ảnh: DUY KHÔI
Thời gian qua, việc xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường, đẩy mạnh thông qua công tác tuyên truyền, vận động, sinh hoạt chuyên đề, ấn phẩm văn hóa, cổ động trực quan. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng rất quan tâm công tác này, thông qua các cuộc họp, hội nghị, tập huấn cán bộ chủ chốt… hướng đến việc thay đổi nhận thức của người dân tại cộng đồng. Ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt các vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng.
Ðể đảm bảo các tiêu chí ÐTVM, thời gian tới, các địa phương cần có những giải pháp khả thi, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Ðặc biệt, để thay đổi và nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật, cần chú trọng các biện pháp giáo dục, thuyết phục “mưa dầm thấm lâu”, song song với áp dụng các biện pháp xử lý hành chính một cách “kịp thời và công bằng” để việc thực hiện đạt tiêu chí một cách thực chất, bền vững … Ðây cũng là mong muốn của thành phố khi triển khai Bộ tiêu chí xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”.
* Xin cám ơn ông!
ÐĂNG HUỲNH (thực hiện)