12/12/2024
x
+
aa
-

Nông dân đổi đời từ “Ðổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế” 

Những năm qua, việc “Đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hội nhập quốc tế” luôn được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Kiên Giang coi trọng, nhất là việc tập trung tuyên truyền, vận động

Những năm qua, việc “Đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hội nhập quốc tế” luôn được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Kiên Giang coi trọng, nhất là việc tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân trong tỉnh tiếp thu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất.

Nhờ đổi mới sáng tạo, nông dân huyện Vĩnh Thuận nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất.

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang xác định đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hội nhập quốc tế phải gắn với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Theo đó, các cấp Hội trong tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào, đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân theo hướng chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp; khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm qua, có 642.077 lượt hộ đăng ký, qua bình xét có 350.383 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 24,7% so với giai đoạn trước. Trong đó, cấp Trung ương 1.016 lượt hộ, cấp tỉnh 14.908 lượt hộ, cấp huyện 51.756 lượt hộ và cấp cơ sở 282.703 lượt hộ (bình quân mỗi năm có 70.076 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp). Số hộ đạt danh hiệu ở từng cấp tăng dần qua từng năm, chất lượng hộ sản xuất kinh doanh giỏi được nâng lên và bền vững hơn.

Từ phong trào, các cấp Hội đã vận động nông dân tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao và luôn duy trì là tỉnh có sản lượng lúa cao nhất cả nước. Qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ nông dân giỏi có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn, vốn kinh doanh hàng chục tỉ đồng, có mức thu nhập cao, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, giúp đỡ 2.184 hộ nông dân thoát nghèo (vượt 118% nghị quyết). Ngoài ra, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi còn tham gia đóng góp 3,5 tỉ đồng, 3.779 ngày công lao động; hỗ trợ giống vật tư gần 7 tỉ đồng, thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội. Đến cuối năm 2023, có 214 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân được được công nhận mô hình “Dân vận khéo” các cấp.

Song song đó, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tăng cường tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân. Theo đó, các cấp Hội phối hợp tổ chức đổi mới, sáng tạo ký kết quy chế phối hợp với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp ngoài tỉnh để tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho 75.671 lượt hội viên, nông dân; hướng dẫn xây dựng thành công 138 mô hình điểm ứng dụng khoa học công nghệ mới; xây dựng 25 mô hình trình diễn về nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Công tác hỗ trợ vốn cho nông dân được các cấp Hội phối hợp triển khai khá kịp thời, tập trung vào các mô hình mới, nâng cao năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả cao. Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt trên 50,4 tỉ đồng; nguồn vốn ủy thác của Trung ương Hội trên 9,2 tỉ đồng… Từ nguồn vốn này đã hỗ trợ cho 4.529 lượt hộ vay vốn thông qua 672 mô hình, dự án.

Hội Nông dân còn vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Trong 5 năm, hội viên, nông dân đã hiến 92ha đất xây dựng hạ tầng, đóng góp kinh phí và ngày công lao động, tham gia sửa chữa, nâng cấp 371km đường giao thông; sửa chữa, cất mới 349 nhà ở cho hội viên nông dân khó khăn, 18 căn nhà “Mái ấm nông dân”, xây dựng 43 tuyến đường hoa, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; xây mới 10 cầu bê tông, 74 giếng nước khoan, 10km đường “Thắp sáng nông thôn”, 3 cụm pa nô tuyên truyền nông thôn mới, tổ chức 5 đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ xây dựng 1 bếp ăn từ thiện cho Trung tâm Y tế huyện; đồng thời vận động tặng 428 phần quà, 397 học bổng cho con em nông dân, 2.621 phần quà cho gia đình chính sách, nông dân khó khăn… tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỉ đồng.

Các cấp Hội thường xuyên quảng bá hình ảnh về văn hóa và con người, nông thôn Kiên Giang, sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp do nông dân làm ra đến cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua công tác phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh, qua gặp gỡ trao đổi với đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội… Từ đó, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước láng giềng, mở rộng quan hệ bạn bè quốc tế.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hội nhập quốc tế” trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Tăng cường tuyên truyền giáo dục xây dựng giai cấp nông dân và người nông dân phát triển toàn diện; khai thông nguồn lực từ doanh nghiệp và nhân dân để đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của Hội, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Thường xuyên theo dõi phát hiện các cá nhân tiêu biểu, các mô hình mới nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng và xã hội.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Top