04/04/2025
x
+
aa
-

Tăng thu nhập nhờ rơm khô

Hiện nay, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2024-2025, rơm rạ còn lại trên các cánh đồng thuộc khu vực Đồng Tháp Mười trong tỉnh được nhiều thương lái khắp nơi đến thu mua.
Hiện nay, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2024-2025, rơm rạ còn lại trên các cánh đồng thuộc khu vực Đồng Tháp Mười trong tỉnh Long An được nhiều thương lái khắp nơi đến thu mua. Qua đây, giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Những ngày này, nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong tỉnh thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2024-2025. Ngoài những chiếc máy gặt đập liên hợp đang hối hả thu hoạch lúa thì nhiều chiếc máy cuốn rơm cũng hoạt động hết công suất gom rơm bán cho thương lái.

Sau khi lúa cắt xong, rơm cũng nhanh chóng được máy cuộn lại gọn gàng (từ 18-20kg/cuộn). Từ đó, rơm được đưa lên máy cày vận chuyển đến điểm tập kết mang đi tiêu thụ hoặc đưa về các kho chứa. Nghề làm rơm không quá vất vả nhưng mang đến nguồn thu nhập ổn định cho khá nhiều người: Chủ ruộng, chủ máy cuốn rơm, thương lái, nhân công, chủ phương tiện vận chuyển rơm.

Anh Lưu Quốc Hoàng, một trong những chủ máy cuộn rơm ở thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, cho biết: “Vài năm trở lại đây, nhu cầu mua rơm cuộn phục vụ trồng trọt, chăn nuôi tăng cao, nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến mua. Nhà có sẵn máy cày nên tôi đầu tư thêm máy cuộn rơm để cuộn rơm bán cho thương lái trong những ngày nông nhàn”.

Một máy cuốn rơm 1 ngày cuốn được khoảng 500-700 cuộn, trừ chi phí, chủ máy thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/ngày

Theo anh Hoàng, với một chiếc máy, một người có thể cuộn được từ 500-700 cuộn rơm/ngày. Với giá cuộn thuê 5.000 đồng/cuộn, trừ chi phí, anh có thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/ngày.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) nhận vận chuyển rơm cuộn từ ruộng đến kho chứa với mức giá 6.000 đồng/cuộn. Với 2 chiếc xe kéo cùng 8 người làm thuê, một ngày, tổ vận chuyển của ông có thể chở khoảng 1.500 cuộn rơm khô về kho chứa. Trừ chi phí trả nhân công 400.000-500.000 đồng/người/ngày, ông kiếm được từ 3-4 triệu đồng/ngày.

Việc thu hoạch rơm giúp nhân công làm thuê có thêm thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/người/ngày

Do nhu cầu tiêu thụ rơm ngày càng tăng nên rơm rất hút hàng vào mỗi vụ thu hoạch lúa. Từ đó, nông dân không những có thêm thu nhập khoảng 500.000 đồng/ha từ việc bán rơm mà còn giảm bớt chi phí vệ sinh đồng ruộng. “Với diện tích 2ha, tôi bán được 1 triệu đồng tiền rơm. Tôi dùng số tiền này để trang trải chi phí cho vụ mùa sắp tới, tuy không nhiều nhưng cũng đỡ phần nào” - anh Nguyễn Văn Bé (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ.

Đối với thương lái, mỗi vụ có thể bán được vài chục ngàn cuộn rơm, thu nhập vài chục triệu đồng. Anh Ngô Hoài Tâm - thương lái thu mua rơm xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Mấy năm nay, phong trào chăn nuôi và trồng trọt, làm nấm rơm ở một số tỉnh phát triển mạnh nên nhu cầu rơm khá lớn. Trung bình mỗi vụ, tôi trữ khoảng 40.000 cuộn rơm để bán cho người chăn nuôi, trồng trọt ở các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Nai, Bình Thuận,... Hiện tại, giá rơm mua vào khoảng 17.000 đồng/cuộn, vận chuyển đến các tỉnh bán dao động từ 22.000-25.000 đồng/cuộn, có thời điểm hơn 30.000 đồng/cuộn. Mỗi vụ như thế, tôi kiếm được vài chục triệu đồng”.

Nhu cầu tiêu thụ rơm cuộn lớn giúp nông dân và thương lái kiếm được tiền triệu sau mỗi mùa vụ thu hoạch, có thêm điều kiện để trang trải chi phí sinh hoạt, đầu tư cho vụ sản xuất mới. Không những thế, việc sử dụng rơm trong trồng trọt, chăn nuôi giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường do thói quen đốt đồng của nông dân sau mùa thu hoạch./.

Văn Đát

Other news

Kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn tại Bến Lức và Thủ Thừa   
Chi cục Môi trường và Kiểm lâm tỉnh đến kiểm tra thực tế công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 tại huyện Bến Lức và huyện Thủ Thừa.
Mưu sinh nơi “chợ tràm” 
Giữa rừng U Minh Hạ bạt ngàn, ở ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có một khu chợ đặc biệt tồn tại hàng chục năm qua và là nơi mưu sinh của nhiều cư dân địa phương mà họ quen gọi là “chợ tràm”.
Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất
Ngay từ đầu vụ Đông Xuân năm nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng lịch thời vụ và kịch bản điều tiết nước để phòng, chống hạn, mặn.
Nâng cao hoạt động của hợp tác xã
Trong bối cảnh nền sản xuất hàng hóa không ngừng phát triển và cơ cấu kinh tế nông thôn ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại, việc xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới trở thành xu thế tất yếu.
Tập trung phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi
Để ngăn chặn bệnh DTHCP tiếp tục bùng phát và lây lan diện rộng, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi tập trung áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh và không nên tái đàn ồ ạt.
Top